Đi “ăn rừng”

Về Cư Yang Sin lần này, tôi may mắn được dự lễ mở cửa rừng mừng ngày “ăn năm, uống tháng” của đồng bào Ê Đê sống quanh chân núi Cư Yang Sin. Bệ thờ thần rừng là phiến đá lớn bên con suối trong vắt nơi đầu nguồn dãy núi Cư Yang Sin. Nhớ ngày xưa, cũng nơi này…

Tờ mờ sáng, khi tôi còn đang cuộn tròn trong chăn ấm đã nghe ngoài cửa tiếng bước chân dồn dập, tiến cười nói lao xao, tiếng rủ nhau í ới và rành rọt nhất vẫn là cái giọng khê nồng quen thuộc của già làng Ama Nhau xé cửa chui vào. Cha tôi tức thì bật dậy lạch cạch mở cửa. “Bớ Ama Thủy, con mắt mày đã mở chưa? Hôm nay ngày tốt, ngày vui, ngày buôn KoTam mở cửa rừng, mừng ngày nảy nở sinh sôi. Tao đưa mày cùng những đứa trai khỏe mạnh đi “ăn rừng”, chọn những cây cao bóng lớn đủ vòng ôm mang về dựng cho mày cái nhà chắc, mùa mưa sắp đến chân rồi”. Cha tôi thành cây cột cái, đứng như trời trồng giữa nhà há miệng chẳng thành câu. Chỉ mới tối qua, già làng Ama Nhau đã chẳng thèm đếm xỉa đến lời khẩn cầu của cha. Ông rít hết “kan” rượu cần rồi khề khà quay sang điếu sâu kèn to kềnh bên cạnh, hít một hơi dài mở căng lồng ngực rồi thong thả nhả từng tiếng một như tiếng chiêng rền “Thần rừng chưa cho phép, không chặt được đâu. Cây của rừng, có phải của mình đâu”.

Thập thoang!!! Một hồi chiêng ngân vang xa chín tầng trời. Lũ làng KoTam dừng tay, chân bước nhanh đến nơi có tiếng chiêng đưa đường dẫn lối. Người nói, người cười bỗng dưng im bặt, lắng nghe tiếng trầm hùng của đại ngàn rừng sâu núi thẳm vọng về. Trong thời khắc thiêng liêng, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng lặng thinh, cả một tiếng lá rơi cũng làm có đứa giật mình thon thót, tôi nghe như tiếng núi, tiếng suối, tiếng sông, tiếng ngàn xưa vọng về qua tiếng chiêng ngân. Thần rừng đang hiển diện nơi này cùng lũ làng buôn KoTam.

Chúng tôi đứng trong nhà lén nhìn qua vách ngóng đoàn cúng tế do thầy cúng Ama Pui và già làng Ama Nhau dẫn đầu đang tiến về phía rừng đầu nguồn. Lũ trẻ chúng tôi chỉ được đứng vòng ngoài rồi gióng mắt nhìn sang khu vực cúng tế. Nơi chỉ dành cho những người đã từng “đi hát rong”, những người “thường khấn hồn” sông núi, tổ tiên, những người đã bước qua tuổi đôi mươi mới được trực tiếp chứng kiến thời khắc mời gọi thần linh, tổ tiên về cùng mở cửa rừng.

Rừng hết thì người chết. Cái lý của người Ê Đê giản đơn như thế. Bởi hơn ai hết người buôn KoTam hiểu rằng, rừng còn thì buôn KoTam còn, người Ê Đê còn. Còn những đêm say mùa uống tháng, ăn năm, những đôi mắt nâu tròn vẫn lung linh ánh nhuộm men tình, rung rinh phiên vách. Tình bạn, tình yêu, tình người, tình cha, tình mẹ, ngàn mối tình thân rừng bao dung ôm trùm lên tất thảy, để được “ăn rừng”, lòng người phải rộng rãi bao dung.

Được đi “ăn rừng” lại nhớ, lại thèm những lằn roi mây mẹ đánh vì đã dám “cả gan xông vào rừng cấm”, cùng thằng Y Phăm, Y Chiếu, con H’May, H’Nghiệp trốn học chạy vào rừng hái trái chua, tắm mình trong cơn mưa bắt cua đá đầu mùa.

Bao phen dọc ngang bôn ba khắp nơi, tôi chợt nhận ra đời người có những nơi chốn không bao giờ cũ. Như nơi này. Từ người đến cảnh lúc nào cũng ngời ngợi thân thương trong tâm trí, như chỉ cần với tay là chạm ngay được. Dẫu giữa cái “chạm tay” đó là những tháng ngày xa ngút.