Dấu thời gian

Chiều đông, tôi sững người chợt thấy nắng vàng rượi tràn xuống giàn ti gôn tầng 2. Thảm hoa hồng tươi như bức tranh tương phản những chuồng cọp gỉ sắt, mảng tường lên rêu…

Tiếng bác bán đậu Mơ hỏi: “Nhà cũ quá rồi, có gì để chụp nhiều thế?”. Quay lại, hóa ra bác ấy ở khu D. “Bác có khỏe không ạ? Cho cháu chục bìa đậu ạ”. Bác cười: “Cháu đấy à? Thế mẹ dạo này có khỏe không? Bác ra đây bán cho vui, chứ các em ra ở riêng cả rồi”.

Khu tập thể 8/3 này, cùng với khu Kim Liên, khu Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) là mô hình ưu việt nhất của thành phố những năm 60 của thế kỷ trước: có đủ cả liên hợp nhà trẻ - nhà mẫu giáo, nhà ăn, căng-tin, sân khấu, bể nước và nhà tắm công cộng của cả khu. Công nhân, viên chức sống trong khu, được chăm lo cả về đời sống hằng ngày và sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, xem phim của đội chiếu bóng lưu động, xem kịch, hội diễn của khu… Tôi nhớ mãi những kỷ niệm tuổi thơ, khi được bà mua cho năm xu xôi sáng ở căng-tin, rồi bố cho diện váy đầm, may bằng vải phin hoa Nhà máy dệt 8-3, cài nơ hồng lon ton vào lớp mẫu giáo. Tấm ảnh quý giá ấy, nay vẫn còn trong album ảnh gia đình.

Thời chiến tranh, khu tập thể vắng hoe áo trắng học trò. Quên sao được mùa đông năm 1972, Mỹ ném bom B52, nhà A5 bị sạt, trơ trọi một góc tường, hố bom khoan sâu hoắm. Đau thương không làm nhụt chí những người công nhân dệt kiên cường.

Rồi mùa xuân hòa bình cũng về với muôn nhà. Mọi người tấp nập trở về trong cái “làng” của công nhân. Hai chủ hộ có chồng đi bộ đội chưa về thì ở một căn phòng 16 m², bếp 4 m². Bốn gia đình chung một công trình phụ gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, hành lang có vòi nước to để dùng nước bơm theo giờ quy định. Cách sống chung như thế cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi con cháu “nở” ra. Cần làm thêm “chuồng cọp”, cần chia bếp cho tiện sinh hoạt riêng… Khu lắp ghép Quỳnh Mai sinh sau đẻ muộn, với những căn hộ đơn nguyên, cũng “lai” ra “chuồng cọp”, miễn là có thêm diện tích. Những giàn hoa giấy, hoa ti gôn rực rỡ, vạn niên thanh xanh mướt… vẫn nở trên ban-công. Giờ thì bức tường của chung cư 401 Minh Khai như từ trên trời đổ bóng xuống cắt ngang không gian của khu tập thể cũ! Dấu ấn đô thị, cái cũ, cái mới song hành, và tâm thức luôn quay về nơi chốn xưa thân thương gắn với tuổi xanh của mình.

Khi tôi viết những dòng này, lại hiện lên tâm trí tôi khuôn mặt bác hàng xóm với nét chân chất, in đậm dấu thời gian sống qua hai thế kỷ - thời đạn bom - thời hòa bình - thời đổi mới - thời công nghệ 4.0. Bác dặn tôi: “Hôm nào mẹ ra chùa, chị em gặp nhau. Cháu nói với mẹ thế nhé”. Cái nghĩa, cái tình của lớp người chia nhau từng bát mì sợi, gạo dành mang về cho các con nơi sơ tán, là thế!