Đang đợi hợp đồng

Tuyến mương Nà Lái chỉ còn một đoạn ngắn nữa sẽ hoàn thành bỗng dừng lại chỉ bởi một câu nói của Hiếu - anh chủ tịch xã trẻ tuổi với trưởng bản Hoàng. Hoàng càng nghĩ thì lời của Hiếu càng ngấm vào đầu. Gần tháng qua, Hoàng đã ra sớm vào muộn với người trong bản, cốt làm xong tuyến mương dài gần hai cây số, được phía thi công thanh toán để bà con có tiền sắm Tết. Vậy mà Hoàng lại nói “phải tạm dừng ngay việc thi công”.

Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Công trình thi công trên địa bàn nhưng xã không hề biết. Hằng ngày, bà con đi làm, trưởng bản chấm công vào quyển vở học sinh, chẳng có hợp đồng, không người giám sát, khi làm xong rồi người ta “bùng” biết đi đâu mà đòi? Hoàng muốn bà con có công việc làm, có thu nhập là điều rất tốt, nhưng không tính kỹ thì có hại cho bà con mất công mất sức mà chẳng được cái gì.

Hoàng ngả lưng xuống giường, vắt tay lên trán nghĩ suy. Thằng Hiếu nó trẻ người, nó đang học cao học ở ngoài thành phố, lại là chủ tịch xã, nó có tầm hiểu biết hơn Hoàng rất nhiều. Lời của chủ tịch không thể sai được. Nó bảo ở xã này đã có biết bao nhiêu người dân bị chủ thầu xây dựng bùng mà chẳng biết đòi tiền vào đâu, đành tiếc hùi hụi vì tốn công mất sức. Hai tổ làm công, nội trong một phiên chợ nữa là toàn tuyến mương sẽ được nối thông suốt từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Hoàng muốn làm cho xong để còn lo việc khác. Bốn con bò đã phải nuôi nhốt cả tháng trời không nhìn thấy mặt trời rồi. Chẳng còn que củi nào, Tết lấy gì về đun nấu? Nhưng Hiếu đã nói vậy thì dừng thôi, biết làm thế nào được.

Hai hôm nay đốc công Tài gọi điện hỏi mương sắp làm xong chưa để xuống kiểm tra. Hoàng trả lời mấy hôm nay bà con không ai đi làm cả. Họ muốn phải có hợp đồng ký kết, giao ước hẳn hoi mới làm tiếp. Bà con sợ chủ thầu bùng à? Hoàng nghe lời ông Tài gằn giọng trong điện thoại, vẻ không dễ chịu chút nào? Ngay từ đầu sao không đòi hợp đồng mà sắp làm xong mới đòi? Bà con sợ không được tiền, sợ tốn công mất sức chứ gì? Bà con làm được hai tuần kêu ứng tiền thì chúng tôi cũng đã cho ứng tiền mỗi người một triệu để chi tiêu rồi. Bà con làm xong công trình được nghiệm thu bảo đảm chất lượng thì sẽ được thanh toán tiền công đầy đủ. Công ty của chúng tôi đóng trên thị trấn chạy đi đâu được mà bà con phải lo lắng. Em cứ tập hợp bà con, ngày mai tôi và anh Hưởng giám đốc sẽ xuống đối thoại, giải đáp những khúc mắc, nghi ngờ.

Hoàng nghĩ đây là câu cuối rồi Tài sẽ ngắt kết nối ngay. Nhưng Hoàng đã đoán sai. Tài vẫn làu bàu trong điện thoại. Chẳng có dân nào như cái xóm này. Công ty người ta thi công hàng chục công trình, có phải lúc nào cũng xuống giám sát thi công được đâu. Còn một hai tuần nữa là hết năm rồi, cứ như này thì gay, gay lắm!

Hoàng được Tài giao cho việc quản lý, đôn đốc bà con làm việc, chấm công hằng ngày. Chẳng phải đợi đến việc Hiếu nói công trình thi công xã không biết bà con đâm nản, mà cả tuần nay nhiều người đi muộn và muốn về sớm lo việc lợn gà. Có người còn nói. Thật lạ, làm gì có người hào phóng mỗi ngày chi trả hai trăm rưởi cho mỗi người mà chẳng thèm đến giám sát thi công, phó mặc cho dân bản muốn làm gì thì làm. Công ty, doanh nghiệp người ta tính toán hơn thiệt từng đồng, sao họ có thể ném tiền vào những chỗ mà họ không biết chắc sẽ sinh lời lãi? Mọi người cũng vậy thôi. Có ai đưa tiền cho người khác mà không biết tiền mình đưa có xứng đáng không?

Rồi những người khác cũng hùa theo, khen người vừa nói có đầu óc hơn người, phân tích đúng sai thấu tình hợp lý. Thế là nản. Nhiều người nản chẳng muốn làm nữa. Họ nói với Hoàng chẳng cần hợp đồng cũng được nhưng chủ thầu phải thanh toán tiền công xong phần đã làm rồi bà con sẽ tiếp tục làm mấy chục mét còn lại. Hoàng đã gọi điện cho Tài nói cho anh nghe mong muốn của bà con. Tài hứa sẽ xin ý kiến của giám đốc và sẽ trả lời sớm.

Vèo một cái đã hết tuần. Tài nói với Hoàng hôm nay lãnh đạo công ty sẽ xuống nói chuyện. Hoàng mời bà con đến tập trung nhà sinh hoạt cộng đồng. Đi theo Tài còn có mấy người nữa. Hoàng thấy lạ là trong đoàn còn có cả ông Hải, chủ tịch huyện. Nhưng ngó trước nhìn sau lại không thấy lãnh đạo xã đâu cả.

Hoàng rút điện thoại ra định gọi cho Hiếu, nhưng ông Hải đã ngăn lại. Anh định gọi điện cho xã à? Tôi xuống đây không qua xã nên lãnh đạo xã không biết, mà không biết thì làm sao họ xuống đây. Bà con thấy ông chủ tịch huyện xuống thì cũng yên tâm phần nào. Hoàng biết mặt ông Hải bởi nhiều lần anh lên huyện họp đã từng gặp, bắt tay anh. Nhưng Hoàng không thân ông Hải bằng Chiển. Chiển tuy là dân thường nhưng đã nhiều lần được ngồi nói chuyện với chủ tịch huyện hàng giờ đồng hồ, tranh luận với chủ tịch những vấn đề sát sườn với cuộc sống của dân. Có cái Chiển nói đúng, có cái chưa hợp lý. Ngày bắt đầu làm mương, Chiển đã nói với Hoàng, tuyến mương này là do một mạnh thường quân, người con của quê hương dành tặng bản làng ta. Người này không thích phô trương, lộ diện trên báo chí, ông ấy muốn huyện tổ chức triển khai, không qua xã, giao cho một công ty có kinh nghiệm thi công kết cấu hạ tầng cơ sở, giám đốc là bạn của ông ấy đầu tư. Mấy ông xã cứ tưởng mình là ông hoàng bà tướng, các công trình triển khai trên địa bàn xã phải thông qua xã, giao cho xã làm chủ đầu tư chắc?

Chiển đã nói thế. Nhưng Hoàng không nghe lời Chiển. Hoàng chỉ nghe lời nói của Hiếu, xem đó như là mệnh lệnh, dù gì Hiếu cũng là chủ tịch xã, là lãnh đạo cấp trên. Lời của Chiển trôi qua tai trưởng xóm như cơn gió thoảng. Có người còn nói: “thằng Chiển ngồi quanh quẩn xó bếp mà toàn nói chuyện ngoài biển cả”. Chiển nghe nhưng không nói gì.

Trong cuộc họp xóm, ông Hải không nói gì nhiều. Ông chỉ chăm chú lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Những gì ông Hải muốn nói thì Chiển đã nói ra cả rồi. Cứ như Chiển là thư ký riêng của chủ tịch vậy. Hải cũng thấy lạ là sao thằng Chiển lại có thể nắm rõ như thế. Nhiều khi Hải còn nghĩ mạnh thường quân kia là bạn hay họ hàng gì đó với Chiển nên nó mới nắm chắc như thế. Nhưng khi gọi điện hỏi lại thì biết Chiển chẳng anh em họ hàng gì với người bỏ tiền làm công trình dành tặng quê hương, Hải lấy làm bất ngờ. Sau giây phút đó, Hải nhìn Chiển với ánh mắt khác hẳn những lần gặp trước đây.

Để xe ở vệ đường, Chủ tịch Hải cùng bước bộ với người dân đi kiểm tra tuyến mương còn dở dang. Ông đi bên Chiển nói về chuyện gì đó, Hoàng đi cách xa một quãng nghe câu được câu mất. Chỉ nghe thấy giám sát, thi công, phòng, chống tham nhũng gì gì đó.

Nghe những lời Chủ tịch Hải, Chiển cảm thấy mát trong lòng lắm. Con mương kết cấu chắc, thành bê-tông phẳng, đều không có chỗ bị rỗ, nhưng từ đầu nguồn, nơi còn mấy chục mét chưa được thi công nối liền tuyến. Mười sáu tấn xi-măng dù đã được che bạt cẩn thận, nhưng cơn mưa to trái mùa đã làm phần lớn xi-măng chết cứng. “Giá như công trình không dừng giữa chừng thì số xi-măng này đã hết từ hai hôm trước khi cơn mưa ập xuống rồi. Tiếc quá giờ coi như bỏ đi, thay đá xây bờ ruộng”. Câu nói vô tình của Chiển, người của công ty thi công và cả Chủ tịch Hải cũng nghe thấy.

- Ai cho phép anh tự ý nói với bà con dừng việc thi công tuyến mương dẫn đến số xi-măng này bị chết phải bỏ đi hả anh trưởng xóm? Ông Hải hỏi Hoàng.

- Dạ thưa chủ tịch là do chủ tịch xã nói, nói…

- Nói vì xã không được làm chủ đầu tư? Nói vì xã không được tham gia, bà con không có hợp đồng lao động giao kèo nên sợ nhà đầu tư “bùng” không được tiền mất công mất sức không à?

- Vâng. Là chủ tịch xã nói vậy. Bà con nghe thấy thế cũng đâm nản không muốn làm tiếp ạ.

- Hôm nay, tôi xuống đây họp với bà con, cùng bà con đi xem thực địa, có cả anh Yên giám đốc cũng có mặt tại đây. Tôi lấy tư cách chủ tịch huyện nói với bà con là khi tuyến mương hoàn thành, được nghiệm thu, bàn giao cho xóm quản lý sử dụng, bà con sẽ được thanh toán tiền công lao động đầy đủ. Nhưng do xóm tự ý dừng thi công dẫn đến số xi-măng vừa bốc từ xe xuống chỗ tập kết vật liệu bị hỏng. Ai sẽ phải đền, chịu trách nhiệm đây?

- Vâng, anh Hải nói rất đúng. Tôi làm giám đốc hứa với bà con công ty sẽ không “bùng” tiền của bà con đâu, giám đốc Yên tiếp lời.

- Dạ thưa chủ tịch, việc này…

- Việc này là tại ông trời đổ mưa xuống chứ gì. Mười sáu tấn xi-măng trị giá trên dưới hai mươi triệu đồng. Giá trị so toàn công trình không lớn, nhưng làm xi-măng chết là gây lãng phí. Nếu như cả huyện hàng trăm công trình cũng như thế thì thiệt hại không nhỏ đâu anh Hoàng ạ. Tôi sẽ làm việc với xã sau.

Nói xong, ông Hải và người công ty bước lên xe ô-tô đi về huyện. Ngày mai Hoàng sẽ đôn đốc bà con đi làm trở lại. Nhiều bao xi-măng vẫn còn tận dụng được. “Làm mương là làm cho bà con mình, cho con cháu muôn đời sau đi đâu mà thiệt”. Bây giờ Hoàng thấy lời của thằng Chiển mới chí lý làm sao.