Đan cả yêu thương

Như một thói quen khó bỏ, mỗi mùa đông về mẹ vẫn ngồi đan áo, với những cuộn len đầy đủ sắc mầu. Ngay dưới mái hiên của căn nhà cũ. Nơi cả gia đình đã một thời no đói bên nhau.

Đan cả yêu thương

Phía trước mặt là cây lựu già đã đơm bông, giàn gấc đã cụp lá khô quắt, còn trơ lại những thân dây sẫm mầu, lủng lẳng vài ba trái còn sót lại ngả sang thứ mầu đỏ cam huyền thoại.

Sở dĩ chúng tôi gọi mầu của những trái gấc như vậy bởi vì nó gắn liền thuở thiếu thời. Ở cái mảnh đất cằn cỗi sỏi đá của rừng núi này, chỉ có những thứ cây sần sùi gai góc mới có thể bén rễ mà đơm bông, kết trái. Thời gian đầu khi mới đến, ngoài đồng lương ít ỏi mẹ làm thuê trên thị trấn, còn lại, cả nhà phải vịn vào những mùa gấc, mùa khoai sắn để chống trọi với nghèo đói.

Mùa mưa tới, lũ không ngừng xối qua, mang đi những màu mỡ của đất đai. Ngày mẹ đưa chúng tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp nắng gió, chung quanh chỉ toàn cỏ cây, mọc lưa thưa trên nền đất au đỏ. Bụi đất ở xứ này cuộn theo từng vốc gió, như rượt đuổi nhau, bám cả vào mái tóc đã ngả sang hai thứ mầu, đêm đêm khiến mẹ ngứa ngáy khó chịu.

Tôi nhớ dáng mẹ những mùa đông se sắt lạnh, ngồi tựa lưng vách nhà, mải miết đan những chiếc khăn len, những chiếc mũ đội đầu, những chiếc áo len ấm áp cho lũ con thơ nheo nhóc. Nhà nghèo, cái ăn còn bữa no bữa đói, huống hồ là quần áo mới cho những mùa đông. Tôi nhớ khoảnh khắc mặt trời khuất bóng sau núi, bỏ lại khoảng trời nhá nhem, gương mặt mẹ hồ hởi, ở ghi-đông treo những chiếc áo len, khăn len đã lỗ chỗ những vết bung từ chỗ làm mang về mà mồ hôi toát ra ướt nhẹp.

Đợi đến lúc rảnh rỗi hoặc nửa đêm mẹ ngồi gỡ lại những chiếc áo len đã cũ, cuộn lại thành từng cuộn len to như trái trám. Rồi tranh thủ những giờ nghỉ trưa trên rẫy, hoặc những ngày mưa bay nhão ướt những con đường, mẹ lôi kim móc ra mà đan. Từ những chiếc áo len tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo, mẹ như nhà ảo thuật, biến hóa chúng thành những chiếc áo len mới, những chiếc mũ đội đầu làm ấm mùa đông khắc nghiệt. Mẹ càng vui sướng khi tận mắt nhìn các con nhận lấy những món quà mùa đông, đưa lên mũi hít hà, mùi của yêu thương mẹ tỉ mẩn đan vào từ những sợi len mỏng manh.

Chúng tôi lớn lên, đứa ra thị trấn học, đứa làm việc tuốt tận nơi thành phố xa xôi. Để rồi có những sáng những trưa, nghe dự báo từng đợt gió lạnh tăng cường, lòng lại đau đáu trở về, để ngồi cùng mẹ dưới hiên nhà, ngắm nhìn những ngón tay thô ráp, khéo léo đan từng những chiếc khăn len. Để có dịp trở về thành phố mang làm quà tặng cho những anh chị đồng nghiệp mà tự hào rằng “Khăn len mẹ em tự tay đan đấy”. Ai nhìn thấy chiếc khăn len của mẹ đan cũng đều tấm tắc khen mũi đan khéo léo và thật đều.

Hai tám mùa đông qua mẹ vẫn ngồi đan áo như thế. Chỉ để đợi những đứa con của mình quay về, ngắm nhìn mẹ ngồi đan yêu thương sưởi ấm những mùa đông triền miên, dai dẳng…