Chiều dài thời gian

Bà Hạnh hát như lên đồng trước lũ trẻ. Vẫn những bài ca người lính mà hồi trẻ bà thường hát phục vụ trên chiến hào. Lần nào cũng vậy, cảm xúc còn nguyên như cách đây bao nhiêu năm, vẫn dâng trào khi thấy bọn trẻ hò la, vỗ tay giòn giã. Chúng reo lên đòi bà hát thêm. Cuối cùng, khi hát lại bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” thì bà chợt nghẹn ngào, bất giác hình ảnh chồng hiện về. Ông vẫn đội mũ tai bèo như cái ngày mới chia tay bà vào chiến trường. Bà ứa nước mắt rồi cứ thế vừa khóc, vừa hát. 

Minh họa: PHÚ ANH
Minh họa: PHÚ ANH

Rồi bà Hạnh đột nhiên lả đi. Bọn trẻ lấy nón, lấy áo che lên đầu bà. Chúng ngỡ bà ngủ nhưng bởi cứ ngồi hát mãi ở đấy, bà đói.

Đường vắng tanh. Người qua lại ít lắm. Cơn mưa rừng chợt đổ. Y Zắc, người chiến sĩ trẻ đi qua vội chạy vào lều gần đó.  Chợt thấy một bà già đang nằm bên đường, anh giật mình chạy ra lay gọi, rồi vội vàng cõng bà đi lên bản.

Ngọn lửa nhà sàn ấm áp bập bùng cháy. Trưởng thôn Y Brơm rót đầy một ca trà pha mật ong rừng rồi nói con gái Hơ Ren cho bà Hạnh uống. Một lúc sau bà mở to mắt ngạc nhiên giữa những người dân bản. Ông trưởng thôn nâng tẩu rít một hơi rồi nhả khói vừa cười, vừa nói:

- Bà đã nhận ra mọi người chưa? Thằng Y Zắc con rể tôi cõng bà về đây. Tôi đã nhận ra bà ngay. Vẫn chưa tìm được mộ chồng à?  

Bà Hạnh vội vàng móc túi ra một tờ giấy đựng trong nylon, có những hình vẽ mà người đồng đội của chồng bà nhớ lại. Bên hình vẽ cùng những vạch ngang dọc là những con đường đã bị xóa mất đi sau nhiều năm trôi qua. Trưởng thôn cười lớn:

- Tôi cũng đã thuộc lòng hình vẽ này khi mới gặp bà. Bây giờ đường đi lối lại  nhằng nhịt hơn nhiều.

Hơ Ren ôm lấy bả vai gầy guộc của bà Hạnh mà rơi nước mắt. Bà Hạnh hồi sức lại dần và trở nên tỉnh táo. Bà nhìn chung quanh, cám ơn mọi người đã cứu giúp bà trong cơn đói rét. Lần nào cũng vậy, đã nhiều năm quanh quẩn ở cánh rừng này. Mỗi năm một lần bà lại chọn những ngày mùa khô để vào Tây Nguyên. Đây là cánh rừng nằm ven đường Trường Sơn cũ. Năm nay, đã chuyển sang mùa mưa nhưng bà vẫn không chịu quay về. Ai cũng khuyên can bà đừng nên đi quá nhiều mà kiệt sức. Mỗi lần đọc từng lá thư chiến trường, lại như có thêm sức mạnh thôi thúc bà đi tìm mộ chồng.

Ông trưởng thôn bảo con lấy cho bà Hạnh bát cháo hoa rồi an ủi:

- Thôi, bà cứ ở nhà nghỉ với con Hơ Ren đã. Tí nữa thằng Y Zắc sẽ về. Nó sẽ liên hệ với huyện đội để tìm ra một ai đó trong đơn vị ngày ấy.

Quả nhiên, Y Zắc đã xin phép nghỉ để đưa bà Hạnh đi tìm người lính già ấy theo địa chỉ của huyện đội. Đây là người duy nhất cùng đơn vị với chồng bà còn sống sót trong cuộc chiến khốc liệt ấy. Nghe nói người lính vẫn ở một mình sau khi vợ con bị chết trong trận bom rải thảm khắp cánh rừng dạo ấy.

Nắng đứng bóng, hai người mới tới nơi. Y Zắc ngó lên gọi:

- Già Y Kua có nhà không đấy?

Bất ngờ cánh cửa bật tung. Một ông già râu quai nón bạc phơ nhảy ra sàn vỗ đùi đánh đét rồi giơ lên một khúc gỗ, hô to:

- Xung phong! Kẻ địch đã tấn công vào doanh trại. Các đồng chí hãy tiến lên.

Ngay lúc đó, tiếng chó lại sủa ran khắp vách núi. Y Zắc nắm lấy tay bà Hạnh, cả hai người cùng bất ngờ. Y Zắc ngập ngừng nói:

- Con đây! Y Zắc ở bản dưới đưa khách lên thăm già đây.

Đột nhiên, già Y Kua cười lớn, rồi hướng cặp mắt sáng quắc về phía hai người:

- Thế ra mày không phải kẻ địch. Ờ, mà sao già lại có khách nhỉ?

Hình như men rượu còn phảng phất trong không gian. Bà Hạnh cúi đầu chào già Y Kua:

- Tôi là vợ của ông Nguyễn Văn Thân ở ngoài bắc đến thăm già Y Kua đây.

Già Y Kua trừng mắt nhìn người đàn bà gầy yếu:

- Thân à! Có phải vợ thằng Thân Hà Nội đó không? 

Bà Hạnh bất ngờ quỳ sụp xuống:

- Đúng rồi, tôi là vợ ông Thân đây, già giúp tôi tìm lại mộ ông ấy nhé!

Nói rồi, bà khóc nức lên làm Y Zắc cũng không cầm được nước mắt. Anh bước tới vực bà Hạnh dậy. Già Y Kua vội mời hai người lên nhà. Vừa bước lên nhà, già Y Kua đổ người xuống sàn rồi ngáy lên như kéo gỗ. Có lẽ rượu đã quật đổ già. Bà Hạnh cùng Y Zắc ngồi xuống chờ già Y Kua ngủ hết cơn say. 

Hôm sau, già Y Kua dẫn bà Hạnh và Y Zắc xuống cánh rừng phía tây, nơi đã xảy ra trận chiến. Già nhớ mộ của đại đội trưởng Thân đã được chôn cất ở khu vực đó. Theo lời kể trong các bức thư mà bà Hạnh đã thuộc lòng bấy lâu nay cánh rừng này đã trở nên thân thuộc. Đúng là những nét kẻ vạch đường của người đồng đội ngoài bắc thì giờ đây không còn nữa. Từng có một con đường cho ô-tô chạy xuyên rừng thì hai bên đã hình thành hàng chục đường rẽ ngang. Già Y Kua đi như trong cơn mộng du vậy. Con chó chạy trước chủ thỉnh thoảng quay lại như để dẫn đường. 

Càng đi sâu, rừng càng rậm rạp, già Y Kua bước đi mỗi lúc một chậm hơn. Có lẽ già đang tìm một dấu vết nào đó trên tấm bản đồ của người đồng đội. Bất ngờ già đứng lại trước một cây hoa pơ lang cao lớn. Y Zắc cùng bà Hạnh dừng bước nhìn lên những bông hoa đỏ rực. Già Y Kua quỵ xuống vái lên trời rồi nói như reo:

- Đây rồi!

Những con chim ríu ran trên cành như chào đón người lạ mới đến. Già Y Kua bước lại gần gốc cây, rồi xoay người giơ tay chỉ về hướng đông, sau đó bước đi về phía bắc. Già vừa đi, vừa nói lẩm nhẩm:

- Cái bụng ta nhớ ra rồi. Thằng Thân ấy sống lại trong cái đầu ta rồi. Nào đếm hộ già đi Y Zắc ơi.

Bất ngờ già kêu lên dữ dội bởi cơn đau tái phát, già lại nhảy lên vỗ đùi, rồi hô vang:

- Xung phong! Các đồng chí…

Y Zắc nhanh chân chạy tới ôm lấy già Y Kua. Anh đỡ cho già dựa vào thân cây. Già Y Kua ngước nhìn bà Hạnh rồi thầm thì:

- Phía bắc! Phía bắc!... Bà... đếm hai mươi ba bước. Hồi ấy, đại... đội trưởng của già mới... hai mươi ba tuổi mà. Ở... chỗ đó, có cái... lược khắc... tên bà đó…

Rồi già Y Kua nằm lịm đi. Bà Hạnh ôm lấy già Y Kua khóc nức nở. Những bức thư được bọc kỹ theo bà cùng bao năm tháng rơi xuống đất. Con chó chạy tới gặm bọc nylon gói thư trả lại dưới chân bà Hạnh, rồi nó ngồi thụp bên cạnh già Y Kua. 

Đột nhiên, Y Zắc đứng dậy đi về hướng bắc. Đúng 23 bước, anh khoanh một vòng tròn to rồi lấy cái thuổng xén mạnh xuống đất. Bà Hạnh cứ ôm già Y Kua trong tình trạng hôn mê rồi nhìn Y Zắc xúc từng xẻng đất xúc lên. Bà căng mắt nhìn với niềm hy vọng trào dâng trong lòng.

Ánh chiều đã bao phủ cánh rừng. Y Zắc bất ngờ nhảy từ dưới hố lên, gọi con chó lại :

- Này cún, mày ngửi lại bó thư đi, rồi lại đây đào đất với tao.

Con chó nghe chừng hiểu. Nó chạy lại ngửi cái túi nylon đựng thư, rồi nhảy xuống hố xục xạo, cào đất. Miệng hố đất được đào rộng ra mà vẫn chưa thấy dấu vết gì. Bỗng nhiên con chó rúc vào bới một hốc đất rồi nhìn Y Zắc sủa rộ lên. Có thể nó đã ngửi thấy một mùi vị gì đó thân quen. 

Già Y Kua bất ngờ tỉnh lại. Già trở nên nhanh nhẹn khác thường. Bà Hạnh hồi hộp bước theo. Con chó ngoe nguẩy đuôi mừng và sủa váng lên với già. Chủ nhân của nó vội nhảy xuống hố đất, lấy tay bới nhẹ chung quanh. Một vật cứng lộ ra. Già lấy con dao bẩy nhẹ, kéo lên một cái lược bằng đuya-ra đã đen xỉn. Già vội lau vào chiếc khăn cuốn trên đầu. Lau mãi lau mãi. Con chữ mờ tỏ hiện lên. Y Zắc đọc to:

- Hạnh!

Bà Hạnh rủn cả người, chân bà mềm nhũn rồi cứ thế bà khuỵu xuống, miệng mếu máo. Y Zắc nhảy lên khỏi hố đỡ lấy bà và reo lên:

- Tìm thấy rồi, mẹ ơi! Đúng là kỷ vật của cha đây. Già Y Kua ngước lên nhìn bà Hạnh, rồi bất ngờ bật khóc:

- Đại đội trưởng của già, thằng Thân của già đây rồi. Nó còn trẻ lắm mà !

Bà Hạnh nghẹn thở vì sung sướng. Bà khóc nức nở.

Hai ngày sau, mọi người tiễn bà Hạnh lên đường đón ô-tô về Hà Nội. Trưởng thôn Y Brơm và già Y Kua nâng bộ hài cốt cùng những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Thân đặt bên cạnh cây số ven đường. Đồi núi điệp trùng bừng lên trong nắng sớm. Duy chỉ có Hơ Ren là không rời xa bà Hạnh nửa bước. Hơ Ren cứ hẹn rằng có một ngày nào đó về Thủ đô với bà Hạnh. Còn Y Zắc cười nói vui như Tết vậy. Già Y Kua và trưởng thôn Y Brơm cùng Y Zắc cười vang cả cánh rừng. Cơn gió cao nguyên ùa tới. Hơ Ren nắm lấy tay bà Hạnh và cả hai đều khóc.