Chiếc xe Phượng Hoàng

… Roẹt, roèn, roẹt...

Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG
Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG

Không cần ngẩng đầu, nó cũng nhận ra tiếng xe của mẹ, tiếng xích xe cọ vào hộp sắt đã hoen gỉ làm thủng một đường dài tạo ra những tiếng kêu không đều, lúc to lúc nhỏ. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng mầu xanh cánh chả, gia tài đầu tiên mẹ mua từ trước khi lấy chồng, mười năm có lẻ. Chiếc xe tróc gần hết lớp sơn, ở những vết xước, khung xe bắt đầu hoen gỉ, những lớp vải bọc yên xe đã rách tả tơi trơ lại phần mút. Thế đã là gì. Hai lốp xe đã mòn hết phần thịt, chỉ trơ lại phần lõi mỏng dính, không đủ để bảo vệ săm xe. Không có tiền thay lốp mới, bố nó lấy dây cao-su cắt ra từ những săm xe cũ, quấn quanh chiếc lốp, vừa để thêm lớp bảo vệ cho săm, vừa chống trơn khi trời mưa.

Nó ghét chiếc xe vì sự cũ kỹ, tiếng loẹt quẹt làm nó xấu hổ mỗi khi gặp bạn bè. Nhưng chiếc xe què quặt là gia tài duy nhất đáng giá của gia đình. Chủ nhật nghỉ làm, bố thường lôi xe ra sân tra dầu mỡ vào líp, kéo lại dây phanh, thay lớp dây quấn. Vừa làm bố vừa nói với mẹ khi nào có tiền thay mới hai lốp sẽ lại bon bon như mới. Mẹ nhìn bố cười, nó thở dài ngao ngán.

Thở dài nhưng nó vẫn phải cảm ơn chiếc xe để mỗi lần về quê, nó lại ngồi vắt vẻo sau lưng mẹ. Nó rất thích vì được đi chợ quê nhộn nhịp, được ăn quà. Nó thích những món hàng thô kệch giá rẻ, người ta không phải nhấc lên đặt xuống, cò cưa như ở thành phố. Vào chợ, mẹ tha hồ chọn lựa rồi cười như trẻ con, nhấc lên đặt xuống bao nhiêu thứ đồ. Trước khi rời chợ, mẹ sẽ chạy qua hàng bánh đúc.

Chị bán bánh đúc còn trẻ, nói năng nhẹ nhàng và bánh chị làm ngon nổi tiếng. Mỗi lần nghe tiếng chiếc xe roẹt roẹt, không cần ngẩng đầu lên nhìn, chị cất tiếng chào. Mẹ rất quý chị. Mỗi lần gói xong mớ bánh đúc vào lá chuối và xoắn lại bằng hai sợi rơm, chị sẽ xén thêm cho nó một miếng nhỏ.

*

Sau trận bão số 5, chợ phải đóng cửa vài tuần để sửa chữa. Ngày mở lại, chợ đông nghịt, mẹ vất vả đẩy chiếc Phượng Hoàng nhích từng bước trong khi nó vẫn chễm chệ ngồi sau. Hồi lâu mới đến được quán bánh đúc quen. Mẹt bánh hình như bé hơn trước bão, nhưng chị bán bánh lại có vẻ trẻ ra. Mẹ đùa: Này, nghỉ làm một thời gian có khác, có da có thịt hẳn ra!

- Vâng, thế mà có người còn bảo chưa đẫy đà đấy bác ạ!

Chị vừa cười vừa đưa mắt nhìn sang người đàn ông cường tráng ngồi bên cạnh.

- Cứ lo bác không đến, hôm nay em làm ít để về sớm, muộn tí nữa chắc không còn cho bác.

- Cảm ơn cô!

Mẹ với tay nhận gói bánh, nó loay hoay tháo ba-lô.

Chợ đông, người qua người lại xô đẩy, cái ba-lô bị ép chặt vào lưng, hì hục một lúc mới tháo được ra. Chưa kịp đút gói bánh vào túi, nó nghe tiếng hô, tiếng người láo nháo:

- Móc túi! Có móc túi.

Cả chợ nhốn nháo.

- Bắt được đứa móc túi!

Hai mẹ con dáo dác nhìn quanh.

Đám đông xô đẩy, láo nháo như bầy ong vỡ trận. Người đàn ông cường tráng nhảy ra từ chỗ ngồi lao về phía mẹ.

Hắn lao vào xô chiếc xe. Mẹ chao đảo đánh đổ oặt tay lái. Nó ngồi sau vẫn cầm gói bánh đúc và chiếc ba-lô trên tay. Chiếc xe chao đảo rồi đổ ầm vào mẹt bánh. Mẹ ngã nhào xuống đất, nó ngồi sau ngã theo.

Một bên đùi bị chiếc xe đè lên, chiếc xe Phượng Hoàng vốn rất nặng, nó hét lên đau đớn. Gã đàn ông đưa cánh tay rắn chắc nhặt chiếc ba-lô của nó lên. Đám đông nhanh chóng quây thành vòng tròn chung quanh quán bánh đúc. Đứng sát mẹt bánh, dáng người cao to nổi trội giữa đám đông, gã giơ cao chiếc ba-lô:

- Mọi người nhìn đây, mẹ con nhà này lợi dụng mua bán để móc túi. Gã nói và lôi ra từ trong ba-lô ra mấy tờ tiền mỏng, giơ lên ve vẩy.

Mẹ chưa kịp đứng dậy, ngắc ngứ vì bị bắt tại trận. Chiếc xe đạp vẫn nằm im đè lên đùi nó đau đớn. Nó rên rỉ. Vài người cúi xuống kéo mạnh nó ra khỏi chiếc xe như mạnh tay bứt cây cỏ dại. Nó khe khẽ rên. Gã nạt to: Câm mồm, muốn ăn vả hả?

Nó im bặt. Nó vốn nhút nhát, giữa đám đông càng nhút nhát, đối diện với một kẻ cao to bặm trợn lại càng nhút nhát và sợ hãi. Nó muốn đi tè.

Nhìn mấy tờ năm mươi đồng mới cứng trong tay gã. Nó lắp bắp: Không phải mẹ… 

- Câm mồm, đồ móc túi. Nứt mắt mà đã trộm cắp!

Gã giơ bàn tay hộ pháp túm lấy vai nó đẩy mạnh nó lên trước. Nó muốn đi tè. Nó không thể chịu lâu hơn nữa. Toàn thân nó run lẩy bẩy...

Lúc này, mẹ đã gạt được chiếc xe ra và đứng dậy: Tôi không biết số tiền này!

- Con mẹ già mồm, chính mắt tao trông thấy. Cái này không phải túi của mày thì túi của ai. Tiền từ trong túi của mày. Không phải mẹ con mày vừa móc túi thì tiền nó tự rơi vào chắc?

- Chúng tôi không móc túi. Hai má đỏ bừng, mẹ yếu ớt chống cự

- Mày dám cãi hả, ông tát cho mày rơi răng bây giờ.

Nó co rúm người, hình như nó tè ra quần, nó mếu máo nhìn mẹ.

Gã giơ bàn tay hộ pháp, “bốp”, cái tát nảy lửa làm nó ngã bệt xuống. Mẹ cuống cuồng kéo nó đứng lên.

- Người hay súc vật mà lại đánh đứa trẻ!

Gã giơ cao tay định tát mẹ. Lần này mọi người xúm vào can ngăn, gã hạ cánh tay xuống nhưng vẫn hung hăng: Mày còn to mồm thì ông cho mày lên công an bây giờ. Rồi gã nói thật to: Gọi bảo vệ chợ đến.

Hai gã tự xưng là bảo vệ rẽ đám đông bước vào. Chưa cần hỏi đầu cuối, một gã tóm vai mẹ kéo đi, gã kia nhấc chiếc xe lên, chị bán bánh đúc vội vàng thu dọn đồ đạc.

- Đề nghị hai mẹ con đi theo chúng tôi sang trụ sở để giải quyết. Người kéo vai mẹ nói.

*

Trụ sở là ngôi nhà đối diện ở phía bên kia chợ. Cả nhóm vào bên trong sân. Đám người hiếu kỳ vẫn đứng chật kín. Nhóm người kéo họ vào sâu hơn phía sân sau. Ngôi nhà khóa cửa im lìm, chỉ có vài bộ quần áo treo ngoài hiên. Cuối sân là mảnh vườn, vài ba gốc bòng rộng tán âm u. Họ kéo hai mẹ con nó đến cuối vườn xa hẳn con đường và chợ.

Hai gã bảo vệ dồn họ vào một gốc bòng, ném chiếc xe nằm còng queo dưới đất. Gã cất lời: Bây giờ thì chọn đi, hoặc là để lại chiếc xe đạp rồi cút xéo, hoặc là bọn ông cho mẹ con chúng mày ăn đủ đòn. Gan chúng mày to nhỉ, dám móc túi giữa chợ.

Nó run rẩy tựa vào gốc bòng, chiếc quần ướt mèm bám vào đít thật khó chịu, mùi nước giải nồng nặc, nó lí nhí”: Mẹ cháu là bác sĩ, không phải kẻ móc túi!

Hắn giơ cao tay sẵn sàng giáng thêm cho nó phát nữa. Theo phản xạ nó quay mặt về phía mẹ. Mẹ kéo vội nó vào lòng, khuôn mặt tái mét: Xin các anh dừng tay, tôi sẽ để lại chiếc xe. 

Gã bặm trợn: Biết điều đấy!

Mẹ gật đầu lia lịa kéo tay nó băng qua vườn, chị bán bánh đúc đứng chống nạnh ở giữa sân bên cạnh mẹt bánh đúc.

*

Hai mẹ con lủi thủi rẽ đám đông ra khỏi ngõ, nhằm hướng quê bước vội. Từ chợ về quê còn hơn hai cây số đường làng. Hai bên đường chỉ toàn đồng ruộng. Mỗi lần về quê nó rất thích ra cánh đồng, nhưng sao hôm nay nó không thấy thích chút nào, cánh đồng vắng không bóng người.

Mẹ cầm bàn tay nhỏ bé của nó kéo đi những bước vội vã. Chợt nó nhận ra những tiếng “roẹt, roèn, roẹt” quen thuộc. Nó quay đầu nhìn lại, chiếc xe đạp Phượng Hoàng của mẹ. Nó kéo mạnh tay mẹ: Xe đạp của mẹ kìa, mẹ đòi lại đi!

Mẹ cố kéo mạnh bàn tay ra hiệu cho nó im lặng. Chiếc xe loẹt xoẹt ngay bên cạnh rồi lao lên phía trước. Tấm lưng to bè của gã vươn ra đầy đe dọa. Chị bán hàng ngồi sau vắt vẻo hai chân sang một bên, tay bê thúng bánh ngả đầu vào lưng gã. Chiếc xe ỳ ạch trên đường làng rồi mất hút cuối chân đê. Nó nghèn nghẹn ở cổ. Một bên đùi bị chiếc xe đè vẫn đau âm ỷ. Mẹ kéo nhẹ bàn tay nó an ủi: Chúng ta phải mua xe mới rồi!

Mẹ cúi xuống cõng nó lên lưng, hỏi lầm bầm đủ để nó nghe được: Đau không con? Chỉ có ác quỷ mới nhằm trẻ con để dọa. Thôi, coi như hôm nay mình bị cướp của.

Rồi mẹ khe khẽ thở dài: Sống trên đời, nợ người dễ trả nhưng nợ lương tri thì khó mà trả được.

*

Phải hơn tháng sau, cha mẹ vay mượn thêm để mua mới một chiếc xe Thống Nhất. Nhưng mỗi lần qua chợ, mẹ cố tình đạp thật nhanh, niềm vui bước vào chợ của mẹ mất hẳn. Chiếc xe mới nhẹ tênh, đạp êm ru. Mỗi lần ngồi sau xe, nó không thấy dáng mẹ nhấp nhổm oằn lưng lên đạp, nhưng nó vẫn không vui. Nó cứ thấy tiếc chiếc xe Phượng Hoàng.

Bây giờ nó trở thành bác sĩ ở bệnh viện huyện, cách chợ vài trăm mét, nhưng chưa lần nào nó bước vào chợ, thỉnh thoảng nó dừng nhanh ven đường mua vội vàng vài mớ rau rồi đi. Nó không biết liệu chị bán bánh đúc vẫn đến chợ hay sau lần đó chị chuyển nghề.

Sáng nay nó có ca cấp cứu, người buôn trong chợ đâm chém nhau. Đầm đìa trên bàn mổ, người đàn ông với dáng người hộ pháp, mặt tái mét nhìn nó rên rỉ cầu cứu. Nó chợt rùng mình. Mười mấy năm rồi nhưng nó vẫn chưa quên cái tát hôm nào. Chợt nhớ lời mẹ năm nào: “Nợ lương tri thì khó mà trả được”. Lặng lẽ nó đeo găng, chuẩn bị khâu lại vết thương.