Chập chờn tiếng hoẵng

“Po…ô…ộc…Po…ô…ộc…”.

Trong rừng khuya chợt vang lên tiếng hoẵng, gọi thức trong tôi những kỷ niệm của một thời đói nghèo mà ấm áp, thân thương…

15 tuổi, tôi được bố cho theo toán săn vào rừng. Trước khi đi, bố nướng một miếng thịt hoẵng treo trên gác bếp rồi đưa cho tôi. Bố bảo ăn miếng thịt để khi leo rừng, mồ hôi toát ra sẽ có mùi con hoẵng. Nghe tiếng hoẵng đực gọi bạn tình, toán săn cứ theo tiếng kêu mà soi đèn tìm đến. Mũi hoẵng rất thính nhưng lại không tinh. Từ xa nó đã ngửi thấy mùi đồng loại, mùi của con cái. Mùi con cái bay ra từ những người thợ săn. 

“Đoàng…đoàng…đoàng…”. Con hoẵng gục xuống. Nó chết bởi sự ngây thơ, hồn nhiên và cả tin nữa.

Ngày đó, những cánh rừng quanh bản tôi thú nhiều vô kể. Vào những đêm mưa phùn hay thấy sương trắng ngủ chiều trên núi là toán thợ săn vào rừng. Nhưng chỉ đi săn để cải thiện bữa ăn chứ không săn bắn vô tội vạ. Kiêng kỵ nhất là bắn con thú đang chửa. Có lẽ vì thế mà dù bị săn bắn nhưng thú vẫn nhiều. 

Nhưng từ khi con đường qua bản tôi được mở rộng và rải nhựa phẳng, thì ngày nào người dưới thị trấn cũng ùn ùn kéo lên đặt mua thú rừng. Những thợ săn có tuổi như bố tôi vẫn nhất quyết chỉ săn về ăn chứ không bán để giữ rừng, giữ thú. Nhưng nhóm săn trẻ thì chỉ tiếp thu kinh nghiệm đi săn của người già và tảng lờ trước lời khuyên. Từ đó, bất kể ngày đêm, trong rừng đều vẳng ra đì đòm tiếng súng.

Bố tôi bỏ nghề săn từ đó.

Khi Nhà nước cấm súng săn, thì đủ các loại từ bẫy lồng, bẫy ụp, bẫy dây, bẫy thòng lọng, bẫy hàm, bẫy lưới… được đem lên bản tôi, bày bán la liệt. Ngày trước, mỗi tiếng súng săn vang lên, một con thú gục xuống. Nhưng tiếng súng đã đánh động để các con thú khác biết nguy mà chạy trốn. Từ khi những tay thợ săn chuyển sang đặt bẫy thì bất kể thú to hay nhỏ cứ lặng lẽ mà sập bẫy. Sự im lặng của cái bẫy còn đáng sợ hơn nhiều tiếng súng chát chúa. Và rồi không biết từ bao giờ, trong rừng khuya không còn vang lên tiếng gọi trầm ấm của con hoẵng, tiếng tác sắc buồn của con nai, tiếng tru rợn gáy của con sói… Sự biến mất đột ngột khiến người ta hụt hẫng. 

Giờ, tiếng hoẵng đêm qua khiến đám thợ săn trẻ ào đi tìm mua bẫy, sửa lại nỏ, vót thêm tên. 

Bố tôi cùng toán thợ săn xưa trầm ngâm quanh bếp lửa. Làm thế nào để giữ được tiếng hoẵng trước đám thanh niên ham săn còn hơn ham gái đẹp? Mình đã truyền dạy cho chúng cách đánh lừa con thú, giờ phải tìm cách dạy cho bọn thú rừng cách đánh lừa lại đám thợ săn. Nhưng bằng cách nào? 

Xẩm tối, khi toán săn trẻ kéo nhau vào rừng thì bố tôi bồn chồn và lo lắng thật sự. Ông đi lên đi xuống cái cầu thang không biết bao nhiêu lần, miệng luôn lẩm bẩm nói gì đó với chính mình. 

“Pôộc… pôộc…”.

Tiếng hoẵng bất chợt vang lên. Bố tôi đang ngồi tư lự bên bếp bỗng đứng phắt dậy. Khuôn mặt ông rạng rỡ, đỏ hồng trong ánh lửa. Bao nếp nhăn như cũng tan vào trong lửa. 

Toán thợ săn đi liền ba đêm thì trở về. Khuôn mặt ai cũng căng thẳng và hốc hác, phờ phạc và hoảng sợ. Họ bảo không có con hoẵng nào hết. Những tiếng kêu hằng đêm chỉ là tiếng của con ma hoẵng. Đã tìm đến rất gần tiếng kêu, tưởng chỉ giơ tay ra là túm được. Mũi tên vừa phóng ra thì đã lại nghe tiếng nó kêu bình thản ở một cánh rừng xa đối diện, cứ thế lặp lại...

Toán thợ săn bỏ cuộc. 

Hằng đêm, tiếng hoẵng vẫn khắc khoải. Không biết đó có phải là tiếng của một con hoẵng đã quay lại rừng, hay chỉ là tiếng kêu của hồn ma nhớ núi cũ tìm về? Nhưng tiếng hoẵng kia dù thật hay chỉ là ảo ảnh, thì vẫn là một niềm hy vọng…