Cây rơm

Hình ảnh cây rơm, đống rạ rất đỗi thân thuộc ở làng quê ngày trước, khi nhiên liệu đun nấu phần lớn dựa vào cây cỏ tự nhiên.

Cây rơm

Đám trẻ nhỏ chúng tôi sau giờ tới trường là người lớn sai đi gom lá rụng, cành khô về nhóm bếp.

Cánh đồng làng tôi vào mùa gặt miên man sắc vàng óng ả của những bông thóc căng đầy lô xô theo chiều gió. Sắc vàng của thân lúa chắc khỏe, của đám lá lúa nhấp nhô như những lưỡi gươm tua tủa. Sắc vàng của nắng thu hanh hao như rót mật trên thảm lụa. Từng thửa ruộng đã tới kỳ chín mẩy, nhà nhà, người người đổ ra đồng gặt hái. Không ít gia đình lo sợ mưa dông ập đến bất chợt hoặc nắng rát ban ngày nên tranh thủ gặt lúa từ lúc nửa đêm, dưới ánh trăng khuya vành vạnh. Mỗi khóm lúa trĩu nặng sau khi được người lớn cắt xén đem về đập hay tuốt lấy thóc, còn trơ lại phần thân vàng óng ả là rơm, rạ. Rơm là phần thân trên của lúa, rạ là phần gốc.

Để có được mẻ rơm vàng óng cũng cần chăm chút phơi phóng. Đám thân lúa sau khi đập tuốt được mẹ tôi vò kỹ lại bằng chân cho rụng nốt những hạt thóc dai dẳng bám vào, rồi đem phơi tãi khắp sân vườn, lối đi. Nhiều khi, hai bàn chân mẹ rạn xước rỉ máu vì mải vò đám rơm thô ráp. Tôi được giao nhiệm vụ phơi rơm, rạ, thỉnh thoảng cầm gậy tre lật gảy những sợi khô đều. Nếu trời sầm sì, sấm chớp đì đùng, cả nhà hối hả thu gọn đống rơm, rạ vào một góc tránh mưa ướt. Rơm, rạ được phơi khô ron thì khi đem chất đống sẽ không hoai mục. Lúc đánh cây rơm, đống rạ, bố tôi dựng một thân tre già ở giữa, đi vòng quanh chờ chị em tôi ôm vác từng đám rơm, rạ quăng vào để bố dàn đều từng lượt. Khi cây rơm, đống rạ vươn cao quá tầm ném, phải dùng thang để chuyển lên. Kỹ thuật đánh rơm, rạ của bố tôi xem ra có vẻ điêu luyện lắm nên cây rơm đồ sộ nhất xóm, lừng lững như khối nhà hình trụ. Cây rơm, đống rạ lênh khênh cất giữ chất đốt suốt mấy tháng; dùng làm thức ăn cho trâu, bò, ủ ấm lợn, gà; vào mùa đông giá rét, còn để lót ổ rơm cho người. Chúng tôi thường ẩn nấp quanh gốc cây rơm, đống rạ chơi trò trốn tìm. Mưa gió sụt sùi, chẳng sợ thiếu cái đun, chị tôi chỉ cần đội nón ra lúi húi rút phía bên trong, lôi ra những sợi rơm, gốc rạ khô đượm. Rơm tẻ đun bếp, còn rơm nếp óng mượt dùng bện những chiếc chổi vàng tươi bền chắc. Rơm, rạ cũng có thể đem kết lại thành phên để lợp mái bếp hay chuồng trại chăn nuôi.

Bao mùa gặt đi qua, tôi góp sức nhỏ bé vào công việc phơi rơm, ngả gốc rạ. Những việc tưởng chừng tầm thường lại giúp rèn thêm tính kiên trì, nhẫn nại. Cây lúa thật quý giá nên chẳng hề vứt bỏ bất cứ bộ phận nào. Hạt gạo trắng ngần nuôi con người khôn lớn, còn thân lúa khô nỏ vẫn có thể sử dụng vào nhiều việc hữu ích. Tôi còn nhớ những buổi chiều cặm cụi dùng liềm lội ruộng xén gốc rạ xơ xác trong ánh nắng nhạt nhòa. Để rạ bớt nặng khi gánh về làng, chị em tôi dựng thân lúa thành từng mô giống hình kim tự tháp đều đặn. Dưới gốc rạ dày dặn, đôi khi tóm được con muỗm béo mầm, chú ếch vàng ươm.

Kỷ niệm êm đềm quanh cây rơm, gốc rạ thỉnh thoảng hiện về, mỗi khi bước vào mùa gặt hái, đường làng đượm nồng hương lúa vấn vương.