Cây bàng trước sân trường

Vân vén những chiếc lá bàng vừa được gột rửa bụi khói sau cơn mưa đêm nhìn về phía trường học. Trong lớp, thầy giáo trẻ đang nắn nét cho học trò. 

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Nơi ấy, Vân và cậu bạn thân gần nhà đã gắn bó những năm tháng đi học. Cậu ấy cũng từng mơ đứng trên bục giảng. Cậu còn muốn sau này sẽ ươm những mầm non hội họa trên miền sỏi đá này, để những bức tranh xanh tươi không ám mầu bụi khói. 

*

Ngày ấy, mái nhà cấp bốn của Vân có cánh cửa phụ đi vào sân trường. Cậu bạn vẫn thường rủ Vân ở lại muộn hơn sau giờ tan trường để vẽ tranh. Cậu ấy truyền sang Vân hứng khởi cho những nét chì đầu tiên phác họa cỏ cây, mây núi, dòng sông và cả hình ảnh từng nhóm học trò đang đùa vui trong sân trường giờ ra chơi. Đôi khi cậu ấy cốc nhẹ vào đầu cô như một người thầy nghiêm khắc. Bức tranh đầu tiên Vân vẽ hoàn chỉnh là khung cảnh sân trường có hai bạn học sinh đeo khăn quàng đỏ. Cô gái với chiếc nơ xinh xắn trên mái tóc đang khom người gom những trái bàng, còn cậu bé đang xếp những trái bàng khác vào vòng ô ăn quan…

Một lần, nhóm của Vân được phân công trồng một cây phượng vĩ vào bồn. Sau khi ăn hết trái bàng, cậu bạn của Vân đã lén ươm hạt dưới gốc phượng. Thời gian trôi đi, hạt bàng bật mầm, dần cao lớn, che phủ cả cây phượng vĩ đang dần héo úa bởi vết cứa bằng mảnh thủy tinh. 

Những bức tranh sau này Vân vẽ mang dáng hình cậu bạn và cả những ký ức tuổi thơ bị xâm lấn bởi khói bụi công nghiệp bao phủ lên miền núi đá vôi này. Hồi ấy hai đứa đã đặt tên cho những ngọn núi đá vôi gần nhà là “Ngọn kỳ lân”, “Ngọn ông lão câu cá”, “Ngọn bà lão chơi cờ”… Cậu bạn thường bảo, sau này lớn lên hai đứa mình sẽ trèo lên những ngọn núi ấy để chạm tay vào những đám mây trên bầu trời. 

Vậy mà bàn tay chưa kịp chạm những đám mây, miền quê của Vân bỗng có sự đổi thay.  

Hôm ấy, con đường nhỏ trước nhà rung lắc khác thường khi xuất hiện những chiếc xe tải nặng. Những chiếc gầu máy xúc vươn hàm răng nuốt dần cả ngọn đồi đầy hoa rừng. Con đường mới mở dẫn vào khe núi khấp khểnh mảnh đá vỡ, cắt đi một phần đất nghĩa trang. Tiếng động cơ gầm gào.

Hôm sinh nhật mẹ, Vân nhờ cậu bạn chở lên phố huyện mua chiếc bánh về tặng mẹ. Vân nhớ có lần đi qua tiệm bánh, mẹ bảo: Sau này nhà mình có điều kiện, sinh nhật con mẹ sẽ mua một chiếc bánh thật to. Cả nhà Vân, chưa ai được nếm thử vị ngọt của chiếc bánh rực rỡ sắc mầu như thế. Vân đã đợi chiếc bánh của mẹ mười năm mà mẹ vẫn chưa mang về. Lúc này, Vân muốn dành một điều gì đó bất ngờ tặng mẹ, nhỏ thôi, nhưng mẹ sẽ vui. Vân hát líu lo khi ôm hộp bánh ngồi sau xe. Cậu bạn cũng vui cùng cô bạn gái nên đã không để ý đến chiếc xe tải đang đổ dốc lao ra từ con đường dẫn vào mỏ đá. Chiếc bánh mua bằng số tiền tích góp nhờ nhặt giấy vụn sau giờ học trộn trong đất bụi sau tiếng phanh gấp kéo dài trên con đường đầy đá nhọn. Vân khép lại những năm tháng học trò trên chiếc xe lăn. Và tuổi thơ của người bạn mang giấc mơ vẽ tranh, dừng lại ở đấy…

Sau ngày ấy, Vân giam mình trong căn phòng, làm bạn với cây bàng phía trường học và những bức tranh phác chì chỉ một mầu xám tuyệt vọng. Trong những bức tranh, Vân cảm thấy như chưa hề có sự đổi thay trong căn nhà nhỏ. Mỏ đá mở ra nhiều, nghề sửa chữa ô-tô bố học được trong quân ngũ lại có đất. Bây giờ, bố đã là ông chủ của ga-ra có tiếng khắp vùng, không còn phải thức khuya dậy sớm xếp trái cây chạy chợ phiên. Ngày bố mới bắt đầu nghề sửa xe, quần áo luôn lấm lem dầu mỡ. Mẹ giặt mà chẳng bao giờ than trách. Bây giờ ngày nào bố cũng quần là áo lượt, bận rộn tiệc rượu tiếp khách. Mỗi lần bỏ quần áo vào máy giặt, mẹ lại trách bố là người chồng vô tâm. Căn nhà ba tầng thênh thang quá. Cầu thang dẫn lên tầng hai như bức tường vô hình ngăn cách Vân với bố mẹ và thế giới bên ngoài. Những khi người giúp việc mang cơm lên phòng, Vân lại thấy nhớ bữa cơm trong căn nhà nhỏ, bố mẹ nhìn nhau nhường muôi cơm cuối cùng cho cô. 

*

Một hôm, người mẹ của cậu bạn đến tìm, bảo Vân sang tiễn đưa cậu trước khi gia đình đưa hài cốt cậu về quê ngoại. Chiếc xe lăn của Vân chốc chốc lại xóc lên khi vấp phải những hòn đá rơi ra trên con đường xe tải chở vật liệu về xây dựng nhà máy. Sáng ấy, cũng là ngày nhà máy khởi công. Vân giấu nỗi buồn trong lòng bằng cách khẽ lau vệt bụi trên tấm di ảnh. Cô thấy vẻ bình yên của miền quê ngày xưa hình như vẫn còn đọng trong đôi mắt bạn. 

*

Miền rừng hoang vắng khoác lên chiếc áo bụi khói công nghiệp khi một rồi nhiều mỏ đá mọc lên. Người người từ miền xa đổ về làm công nhân khai thác đá. Khói bụi từ phía mỏ đá bay về phủ mầu đục lên thảm lúa vàng, bụi bám trên những tán lá bàng trước cửa sổ phòng Vân. Nhiều lần lau ô kính nhìn về phía trường học, Vân thấy các cô trò trong lớp giật mình bởi tiếng nổ mìn, rồi chui xuống gầm bàn ôm đầu tránh đá rơi. Tiếng đá rơi ào ạt, mảnh đá văng khoét thủng cả mái ngói lớp học. 

Lâu lắm rồi, vùng này mới có thầy giáo trẻ về trường. Đã có nhiều nhà dân và giáo viên chuyển đi vì không chịu nổi ô nhiễm âm thanh, khói bụi. Các học sinh của trường bây giờ là con em những người công nhân mỏ đá và nhà máy xi-măng. Họ đưa cả gia đình về đây, treo mình trên sợi dây thừng buộc trên vách núi khoan đá, níu giữ miếng cơm mưu sinh. Vài ba tháng, vùng này lại có thêm đám tang của một người ngã núi. Phía chân núi mọc lên những căn nhà mà người dân vẫn gọi là xóm mồ côi. Những dãy nhà tập thể thiếu vắng đàn ông. Người mẹ dối lòng nói với đứa con thơ rằng bố nó đi làm ở một nơi xa lắm,  hằng đêm nó bảo mẹ dặn bố nhớ mua quà khi đi làm về. Xóm ấy, giờ thành bến đỗ của những tay đãi vàng bặm trợn. Học sinh vùng này, dần dần khi tan học, rất hay đánh nhau. 

*

Vân chú ý đến thầy giáo trẻ ngay lần đầu tiên khi tiếng sáo trúc của anh cất lên trong buổi tối xóm công trường mất điện. Tiếng sáo trầm. Vân nghĩ thầy giáo trẻ quá, liệu anh có thể... 

Sau những ngày đầu đứng lớp, Vân nhìn thấy nét tươi vui như trở lại trên khuôn mặt đám học trò. Mầu mực đã không còn đọng trên bàn tay, vạt áo sau mỗi giờ tan lớp. Có lần Vân thấy sau buổi học anh tỉ mỉ cắt tóc cho lũ trẻ dưới cây bàng. Chiếc gương nhỏ treo trên cây bàng cùng cái kéo, chiếc lược vung vẩy trên những mái đầu khiến Vân thấy anh thật giống một người cắt tóc dạo. Bỗng dưng muốn xuống sân trường giúp anh, nhưng nghĩ đến đôi chân tật nguyền, cô lại chạnh lòng.

Buổi sáng, Vân thường thấy anh và đám học trò tỉ mỉ lau những ô của kính bám bụi thời gian. Ô cửa trong suốt khiến cô có thể nhìn rõ nét phấn trắng trên tấm bảng đen. Nhưng khoảng cách xa quá làm cô không nghe được bài giảng. Nhưng cô biết, những đôi mắt trẻ thơ dõi theo anh cứ như đang lạc vào miền cổ tích. Vân ước giá như đôi chân mình vẫn vẹn nguyên, cô sẽ chạy đến bên ô cửa sổ, nghe trong bài giảng của anh có điều gì đặc biệt. 

*

Sớm nay, Vân mở cánh cửa sổ, ánh mắt dõi về phía lớp học của thầy giáo trẻ. Ở đó, một cô giáo mái tóc nhuộm mầu hạt dẻ đang làm quen với đám học trò. Vân nghĩ rằng anh ốm nên ngóng trông cả những buổi học sau nhưng vẫn là hình ảnh cô giáo mới.

Một ngày, Vân nhận được lời kết bạn trên facebook. Vân ngỡ ngàng khi nhận ra thầy giáo trẻ. Trong ảnh đại diện, anh đang đứng cùng đám học trò bên bờ sóng vỗ. Đằng sau là những chiếc thuyền đánh cá neo đậu trên một hòn đảo giữa biển khơi. Vân lau những giọt nước mắt khi đọc những dòng trạng thái anh viết. Thì ra anh là đứa trẻ được nuôi dưỡng trong trại trẻ mồ côi. Nghề giáo đưa anh đến miền núi đá vôi quê Vân. Rồi anh tình nguyện xin ra hải đảo. Ngón tay trên bàn phím của cô chợt dừng lại lâu hơn khi đọc bài thơ anh viết.

Ngoài thềm kia, trái bàng non vẫn mọc giữa cằn khô/Em gái ơi! Đừng khép những ước mơ/Dẫu đôi chân lặng im trên chiếc xe lăn/Bầu trời xanh còn đó cánh chim bay/Ngoài biển khơi, trái bàng vuông vẫn nở hoa/Dẫu cát trắng vẫn vun gốc bằng những phong ba”.

Vân chợt mỉm cười khi đọc bài thơ thầy giáo trẻ viết. Bên dưới bài thơ là bức ảnh anh chụp chung cùng lớp học trò nơi hải đảo. Hình như Vân thấy cánh sóng biển mặn chát vẫn gieo nụ cười trên những khuôn mặt nơi hải đảo.

Ngày mai, Vân sẽ dậy thật sớm, tự đẩy chiếc xe lăn ra sân trường, chạm tay vào cây bàng để thức dậy giấc mơ năm nào. Vân tự nhủ, cô sẽ gặp lại anh trong một bức tranh nào đó.