Cánh đồng mùa xuân

Tôi dậm cẳng dậm chưn. Ai đời, đang Tết lại phải theo bò ra đồng. Mặt lúc đó của tôi chắc bi thiết lắm. Má làm như cả xóm mỗi nhà mình nuôi bò. Ức dễ sợ. Mấy đứa cùng tuổi còn tí tởn đi chơi, nỡ nào bắt mình theo bò qua sông. 

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

- Tết có ba bữa, mầy chơi đúng chơi đủ rồi, còn càm ràm gì nữa! - chị Hai nói. Bạn mầy đứng ngoài chuồng ba bữa nay, cuồng chưn hết chịu nổi rồi! 

Đấy. Chán chưa - Hết má đến chị Hai, ai cũng khẳng định bầy bò bốn con ngoài chuồng là “bạn mầy”. Trong nhà còn vậy thì mấy đứa cùng lớp nó chọc tới cỡ nào nữa. Hết biết luôn! Tết gì Tết ba bữa, nhà trường còn cho nghỉ học mà bảo hết Tết.

Chăn bò ngày Tết, đoạn trường nhất công đoạn lùa bò đi. Giá chỉ cần mở cổng tới đồng liền thì tôi đâu phải khổ sở thế này. Con đường dài ngoẵng. Thăm thẳm từ nhà, qua khỏi xóm mình, tới xóm bạn, băng qua cánh đồng nữa mới tới chỗ dừng chân. Nỗi thống khổ này chỉ có người trong cuộc mới thấm. 

Chỉ còn qua một ngã tư nữa là tới thổ, tôi thở phào, cảm giác sắp về đích. Ôi chết, đứng tim luôn. Một nhóm áo quần đẹp đẽ đạp xe lướt ngang mặt đàn bò. Thoáng nhận ra một dáng quen, tôi lật đật đánh bài lơ. Chúng né bò, hối hả chạy qua, tôi mừng gần chết. Nhưng con Liên bỗng dừng xe, la toáng: 

- Tụi mầy ơi, con Quyến, phải nó hông? Tướng y như con lật đật kìa!

Tội nàng nghé, vừa nghe câu đó của bạn, tôi quất một roi rõ đau. Cái tội vừa đi vừa bú, làm con Mởn phải khệnh khạng, đi lâu lắc. Tôi tách hai mẹ con, rượt chạy. Vẫn không kịp. Con Liên thắng xe cái rẹt, đứng trước mặt, ra lệnh rất lớp trưởng:

- Lùa bò về nhốt gấp. Đi chơi Tết với bọn tao!

- Nói như thiệt! Giờ rượt bò về, má tui bả cạo khô đầu, khỏi thấm nước luôn! 

Con Liên bỗng cười hi hí, gọi to:

- Hay tụi mầy ơi, giờ bọn mình đi chăn bò với nó đi. Ra đồng chơi Tết hay lắm á.

Con Dư nghe xong hưởng ứng liền:

- Còn chờ gì nữa, đi mau, nhỏ giờ chưa biết chăn bò là gì luôn!

Con Dư rõ to đầu không ý tứ. Câu nói của nó khiến tôi đau lòng, y như một đứa trẻ ngày nhong nhóng ăn ba bữa cơm mắm bị dứ thịt quay trước mặt vậy. Ai đời, hết chuyện, tự dưng thèm đi chăn bò. Nó con một, bố mẹ làm giáo viên mà biểu. Có đâu như tôi, bố mẹ nông rặt, nhà nghèo, con đông. Học lớp 9 nhưng chăn bò từ hồi lớp 3, giờ đã thành nghề. Tôi nghe cái giọng nhà giàu chanh chảnh, ghét quá nói điêu:    

- Bà thèm quá thì lùa bầy bò này về chăn cho đã.

Lại là con Liên tinh ý:

- Không nói nhiều nữa, giờ bà lùa bò đi đâu, lũ tui theo đó.

Bài lỳ quả rất gớm. Tôi đâu còn cách nào, miễn cưỡng lùa bò đi. Bọn nó dắt xe đi bên cạnh - tưởng sẽ đạp - tiểu tiết này làm tôi ít nhiều cảm động. Thôi, không buồn không tủi nữa. Biết đâu, Tết đi chăn bò lại là điều hay - tôi tự trấn an.

Tới đám đất trống gần sông, tôi ra vẻ kiểu cách, nói như một hướng dẫn viên lành nghề:

- Tại đây có hai phương án để lựa chọn. Một: cho bò dừng bên này, phía lở con sông - nơi có mấy đám đất trống, cỏ mọc thành bụi thưa thớt. Trước Tết mấy nhỏ đã dí bò vô đó quần một trận, ba ngày Tết mới kịp hồi sinh chút ít. Chăn ở đây hơi cực, vì sát cánh đồng lúa. Phải canh chừng ráo riết, bò thấy chủ sơ ý là táp lúa liền. Tết mà sợ gì hả? Không chủ quan được đâu. Tết mới là thời điểm chủ ruộng bất thình lình đi thăm, để túm ót mấy ông chăn bò ham chơi. Túm lại, nếu chọn “đóng đô” ở đây thì hơi vất vả. Chỉ có thể sục sạo mấy bụi chim chim, dúi dẻ, chùm rụm còn sót chứ chẳng có món gì khác. Thứ hai: chúng ta sẽ đem bò qua sông. Tụi mầy sẽ mặc quần áo Tết lội sông, đứa nào sợ nhiễm phèn thì cởi truồng. Bên đó là thiên đường của lũ chăn bò, tha hồ chơi. Hết! Tụi mầy chọn đi, không có phương án thứ ba.

Không cần nghĩ ngợi, cả bọn đồng thanh qua sông. Nhất trí. Tôi gửi xe vô trại dưa bác Chín Lớn rồi cùng nhau nhảy bùm. Mùa nắng, tôi gần như ngày nào cũng qua sông nhưng cảm giác hôm nay lạ quá. Thiệt là vui, thiệt là đã, cả bọn thi nhau hất tung nước vô mặt, cười giòn giã - kệ đồ mới - nước sông mùa xuân ngang nách, mát rượi, sướng mê. 

Qua sông, lội thêm bãi cát nữa mới tới nơi cần tới.

Cơ khổ, muốn đem được bò vào đồng cỏ bên mé núi phải đi theo đường chéo của bãi cát hình chữ nhật, thăm thẳm. Phải xách dép mà đi, đi mà như dậm chân tại chỗ. Nhưng hôm đó tôi nghĩ, liệu mình có định kiến về bãi cát? Chứ nhìn chúng bạn kìa. Lần đầu được đi trên cát, chúng mừng chưa từng thấy. Nhẩy lò cò, nạp nhau chạy rồi nằm lăn trên cát, cười khà khà sảng khoái. Tôi thấy bộ mặt sung sướng đến bắt ghét của chúng thì lấy giọng “thổ địa” ra hù:

- Cười cho đã đi, lát trưa về đừng có khóc á!

Con Hằng hỏi:

- Sao vậy?

- Trưa về khắc biết.

- Thôi, đừng úp mở nữa, nói nghe coi.

- Trưa về nóng bỏng chân thì khóc chớ sao hỏi.

Câu hù không nhầm nhò, đứa nào cũng tỉnh bơ nghịch cát. Thấy tụi nó trẩng quá tay, nỗi buồn tủi thân tủi phận lúc đầu lại dậy sóng - tôi nói lẫy:

- Hay tụi mầy ở lại đây chơi đi, chơi ớn rồi về.

Cả bọn ngơ ngác:

- Gì vậy bà nội, tụi con đi theo bà chăn bò mà.

- Vô trong rìa rừng gai góc không hà, chơi không đã như ngoài này đâu - Thôi, dừng vụ chơi cát ở đây - con Liên vừa dứt lời, mấy đứa kia cũng lật đật rời khỏi bãi cát.

*

Cánh đồng mùa xuân cỏ non xanh mướt. Đứa nào cũng phấn chấn. Vui ơi là vui!

Liên tục những tiếng reo dội vào vách núi, tiếng vang dội lại to hơn, lan xa hơn. Y như lần đầu tiên được khám phá điều kỳ thú, mấy đứa thích chí, hả miệng thiệt to, hít cào thật sâu, hét tẹt ga. Thằng Nô hét to nhất: “Mùa xuân ơi, núi rừng ơi, tụi con đến rồi nè!”. Con Dư cũng lấy hết sức bình sinh, cong người lại gào “Cánh đồng rất đẹp, rừng núi rất đẹp, bãi cát rất đẹp, đàn bò rất dễ thương, túm lại, mùa xuân đẹp quá!”. Đồng cỏ mé rừng ngày thường tĩnh mịch hôm nay được phen náo động.

Hét mỏi miệng, tụi nó bày trò khác để chơi - vai trò “ thổ địa” của tôi mất hiệu lực. Tụi nó tự khám phá cánh đồng mé rừng, nhanh hơn tôi tưởng. Con Liên la to khi phát hiện cả kho lá giang. Con Dư hái được chùm dúi dẻ còn sót lại, trái to như quả chuối mật. Rồi cả bọn mừng rỡ như lão nhà nghèo trúng số khi phát hiện cuối đồng cỏ có một vùng cỏ lau đẹp đẽ. 

Lòng tôi hoàn toàn không gợn sóng nữa. Nhưng phải vừa chơi vừa mắt dơi mắt chuột canh mấy con bò hỗn ăn. Chúng tinh quái lắm. Qua sông đồng rộng mênh mông, nhưng cái bi kịch “được voi đòi tiên” bò cũng không ngoại lệ. Những đám cỏ mềm mượt nằm khơi khơi không thèm mà lại rủ nhau vô đám mía, ăn đọt mía cho rách lưỡi, cho chủ bị mắng vốn chơi. Tôi bị mấy lần rồi nên tởn. Canh kỹ lắm. Canh như canh tù mà cũng lạc mất nàng nghé rồi. Con Mởn sau một hồi gặm cỏ, nhìn quanh quất không thấy con, nàng õm ò kêu rống. Bổ vô chân núi tìm. Không thấy. Tôi len sâu hơn, kinh nghiệm 5 năm chăn bò bảo rằng, nàng nghé đã đi theo một tín hiệu lạ nào đó. Tôi hiểu “những người bạn” này mà. Thấy một con bướm chập chờn trước mặt cũng theo, một con thỏ hay con mểnh dẫn dụ cũng đi, nói chung “trẻ con” rất dễ bị cám dỗ.

Tôi lấn vào rìa rừng, thấy phân nghé như những viên tể rắc trên lối đi hẹp. Tôi mừng vì đã tìm đúng hướng. Ối ối, nàng nghé bị dính trong lùm cây, không ra được. Tự dưng chui vô chi chỗ khó không biết. Hình như có gì đó không ổn. Nghé đứng không yên, đầu lắc, chân co, phất đuôi liên tục. Nhìn kỹ lại, đúng là cái thế quá khó, chui ra được mà chui vô hổng được. Hình như nghé đang nhăn mặt vì đau. Ôi thôi thôi, bị ong chích rồi. Tôi đứng gỡ những chùm cây khô chặn lối, tìm đường giải cứu. Theo quán tính, tôi đưa tay ôm cổ nó. Á. Một phát đau điếng rồi liên tục hai, ba phát, tôi ôm đầu la to. Chết rồi, bị ong tấn công. Tôi tuyệt vọng, không nhớ mình đã gào to thế nào, chỉ biết càng đau càng la. Nàng nghé thiệt hông có tình, thấy có đường thoát bèn bỏ cô chủ khóc mà chạy theo tiếng õm ò của mẹ Mởn. 

Đang khóc vống, bất ngờ có bàn tay cầm chặt, kéo chạy. Con Liên hét:

- Nhanh lên! Che đầu, che mặt lại, chạy thẳng.

Hai đứa chạy như ma đuổi, chạy thẳng ra bến sông. Khi đã lội ào xuống dòng nước, tôi thở phào vì không còn con ong nào kêu vo ve bên tai nữa.

Khi biết đã thoát được bầy ong hung dữ, con Liên la:

Bị ong chích, không lo chạy mà ngồi đó khóc, khóc thêm chập nữa rồi tụi tao khiêng mầy đi chôn luôn.

Đau quá! Với lại mình chạy, ong nó cũng rượt theo mà. Ủa, mà sao nãy chúng mình chạy mà bầy ong hổng rượt?

Nhớ nè bà cố. Nếu lỡ bị ong chích, nhớ lấy tay che đầu che mặt rồi chạy, cứ chạy thẳng là được. Bầy ong giàn hàng rộng, chạy zích zắc không ăn. Thôi, mầy ngồi đây, để tao vô rượt bò về.

Nghe xong, tôi chẳng thấy chuyện chăn bò ngày Tết là công việc đáng xấu hổ nữa. Bỗng có một luồng gió mát rượi thổi qua đồng cỏ. Cánh đồng hôm nay mới mượt mà làm sao.

Chúng tôi nói cười luôn miệng trên đường về - tôi cười nhiều nhất.