Bức tượng Đác - Uyn

Đứa con gái út của tôi đi học về, phụng phịu ném chiếc cặp sách nặng trĩu lên mặt bàn, nói ấm ức:

Minh họa: NGUYỄN PHÚ
Minh họa: NGUYỄN PHÚ

- Hôm nay chỉ vì thiếu con cóc mà con bị thầy cho điểm dưới trung bình. Xin đến vã bọt mép để thầy nâng lên điểm trung bình mà không được! Đã thế lại còn bị thầy rủa cho mấy câu nghe tức muốn chết!

- Con cóc gì? - Tôi hỏi.

- Con cóc để làm thực hành giải phẫu sinh vật ấy mà, bố!

- Thế sao con không bắt lấy một con cóc đem đi?

- Bố bảo tìm đâu ra cóc bây giờ?

- Vậy những đứa khác thì sao?

- Mấy đứa ở ngoại ô bắt được, còn bọn con chẳng tìm đâu ra cóc.

- Thế sao con không mua của những người bán rong?

Hình như lúc này con bé mới nghĩ đến điều đó. Nó tỏ vẻ tiếc nuối:

- Ồ, thế mà con chẳng nghĩ ra. Mới lại con cứ tưởng cả lớp cũng chỉ cần vài con là đủ, nào ngờ thầy bắt mỗi đứa phải có một con cóc riêng. Thầy hà khắc, nghiêm khắc quá đáng! - Con bé vẫn ấm ức.

Tôi nói với con bé:

- Thầy nghiêm khắc là đúng. Đi học thì phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Khó cũng phải tìm mọi cách mà thực hiện. Những đứa khác có cóc đương nhiên được cộng điểm là đúng rồi.

Con bé như hiểu ra điều gì đó. Gương mặt của nó bỗng trở lại nét tươi tắn quen thuộc thường ngày. Nó rảo chân xuống bếp giúp mẹ lo cơm nước. Bỗng nó hét lên như người phải bỏng:

- Con cóc. Bố ơi, dưới bếp nhà mình có con cóc!

Tôi chạy xuống bếp. Nhìn con cóc bò lồm cồm dưới gầm trạn bát, tôi truy xét:

- Thế sao con bảo nhà mình không có cóc? Chứng tỏ hôm qua con chẳng chịu đi tìm, đúng không?

Như đánh đúng vào “tim đen”, con bé đỏ mặt lên vì ngượng, nói vớt vát:

- Con cứ tưởng nhà trong phố thì không có cóc. Mới lại con... sợ cóc!

Buổi tối tôi ngồi kể cho con bé nghe chuyện đi học ngày trước của mình. Cũng về môn sinh vật và về một người thầy nghiêm khắc.

... Hồi ấy thầy Kha nổi tiếng là dạy giỏi và nghiêm khắc. Môn sinh vật của thầy luôn làm cho học sinh của trường vừa thích, vừa sợ. Thích, vì thầy giảng rất hay, dễ hiểu và có nhiều sáng tạo (chỉ có điều môn Sinh vật lại ít người mê); sợ, vì sự nghiêm khắc của thầy, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là xơi điểm kém hoặc bị thầy “lên lớp” cho ngay. Cái Dự là người nổi tiếng trong lớp tôi về khéo mồm mà cũng chẳng bao giờ xin được điểm của thầy như từng xin điểm của các thầy, cô khác. Kết thúc năm học lớp 8 (hệ 10 năm), môn Sinh của tôi chỉ được bình quân chung 4,9 điểm - hậu quả của một lần tôi trốn tiết thực hành nên khi kiểm tra bị điểm kém.

Thằng Hạn, lớp trưởng, bảo tôi:

- Cậu bị một môn dưới điểm trung bình nên không được là học sinh tiên tiến. Nếu cậu gặp thầy Kha xin nâng môn sinh vật lên 5,0 thì sẽ đạt danh hiệu này.

Cái Hiên, bí thư chi đoàn lớp, cũng khuyên:

- Nếu cậu đạt học sinh tiên tiến thì mới được xét kết nạp Đoàn đợt này. Nghị quyết Đoàn trường quy định thế. Có lẽ cậu phải mạnh dạn đến gặp thầy Kha xem có nâng được 0,1 điểm môn Sinh không!

Nghe theo lời khuyên của các bạn, tôi đến phòng thầy Kha. Sau khi hít thở thật sâu, đưa tay hãm nhịp đập thình thịch của quả tim, tôi lấy hết can đảm gõ cửa phòng thầy.

Thầy Kha đưa cho tôi cốc nước, rồi hỏi:

- Em gặp thầy có việc gì?

- Thưa thầy, em xin thầy giúp đỡ nâng cho em không phẩy một điểm môn sinh vật, vì em đã đạt bốn phẩy chín điểm rồi!

Thầy Kha đưa cho tôi chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi vã ra trên mặt. Đợi tôi lau mặt xong, thầy hỏi:

- Em có được lên lớp không?

- Dạ có ạ.

- Thế em xin điểm làm gì?

- Dạ, để đạt học sinh tiên tiến ạ.

Thầy nhìn tôi bằng cái nhìn lạnh lùng vốn có. Lát sau thầy lắc đầu bảo:

- Tôi thật không thể hiểu nổi học trò các cậu. Đi học mà phải xin điểm Cậu không thấy xấu hổ sao? Mà lại xin điểm để được tiên tiến thì thật là vô liêm sỉ!

Tôi cố năn nỉ:

- Em xin thầy chiếu cố, chỉ có không phẩy một điểm thôi mà!

- Không phẩy một. Đúng thế. Không phẩy một. Nhưng đó là cái gì cậu có biết không? Đó là danh dự và lòng tự trọng. Cậu muốn có điểm cao sao không cố gắng học tập để đến nỗi cuối năm phải đi xin điểm thầy? Thôi cậu về đi!

Tôi lầm lũi ra về mà lòng nặng trĩu. Lời thầy như những mũi kim xoáy vào tim óc tôi. Nỗi xấu hổ xâm chiếm lòng tôi. Tôi thấy mình thật hèn mạt, đáng trách và bỗng ân hận bởi việc làm của mình vừa rồi. Tôi hét lên và chạy thục mạng. Vừa chạy tôi vừa gào: “Không phẩy một. Bốn phẩy chín. Bảy phẩy. Chín phẩy!”.

Các bạn trong lớp nhìn theo tôi lo lắng mà chẳng biết chuyện gì. Thằng Hạn cùng mấy đứa bạn trai chạy theo tôi. Chúng ôm tôi dìu về lớp. Nhưng tôi vùng ra và tiếp tục chạy cho đến khi kiệt sức ngã vật xuống bãi cỏ phía đồi cây. Sau khi trấn tĩnh, tôi bảo các bạn:

- Các cậu yên tâm, mình không sao đâu! Chỉ đơn giản là mình thấy xấu hổ thôi mà. Sang năm, nhất định thế, mình sẽ phấn đấu để được chín phẩy môn Sinh vật của thầy Kha.

Một năm sau, nghĩa là khi kết thúc năm học lớp 9, tôi đạt số điểm chín phẩy lẻ một môn Sinh vật, vượt mức phấn đấu không phẩy một điểm. Thành quả ấy có sự động viên rất nhiều của thầy Kha. Thầy không có định kiến gì về việc năm trước tôi từng xin nâng điểm, cũng chẳng trù dập tôi như một số bạn đoán non, đoán già. Nói chung thầy xử sự rất công bằng và vô tư. Tuy hơi bất ngờ về sự nổi trội của tôi trong môn Sinh vật, nhưng hình như thầy đoán ra được động cơ phấn đấu của tôi nên luôn khuyến khích tôi cố gắng. Thầy tạo mọi điều kiện cho tôi mượn tài liệu đọc thêm và sách tham khảo về Sinh vật, hướng dẫn cho tôi cách học tốt môn Sinh. Không ít lần thầy lấy tôi ra làm tấm gương trước lớp về sự nỗ lực trong việc học tập môn Sinh vật, làm cho tôi cảm thấy phấn chấn và thêm tự tin... Cuối năm học, thầy Kha gọi tôi lên phòng riêng. Sau khi đưa cho tôi cốc nước, thầy bảo:

- Thầy rất tự hào về em! Đi học là phải như thế. Thầy chỉ mong muốn nhiều học sinh có lòng tự trọng và quyết tâm như vậy! - Đoạn thầy mở tủ kính, lấy ra một bức tượng nhỏ làm bằng thạch cao, tặng cho tôi. Đó là tượng nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới Đác - Uyn...

Con gái tôi ngồi nghe như hóa đá. Lát sau nó thốt lên:

- Câu chuyện hay quá! Nhưng bố có bịa không đấy?

- Chuyện về một người thầy, sao bố dám bịa?

Như chợt nhớ ra điều gì, con bé hỏi:

- Thầy giáo sinh vật của bố tên Kha, phải không ạ?

- Ờ, phải.

- Thầy giáo sinh vật của con tên là Khá. Không biết hai thầy có phải là hai bố con không nhỉ? Nếu phải thì thật là thú vị, phải không bố?

- Cũng có khi họ là hai bố con, cũng có thể không phải, vì những người như thầy giáo Kha của bố, thầy giáo Khá của con thời nào mà chẳng có. Bố nghĩ, đó là những người thầy chân chính. Nhưng thôi, chuyện đó để hỏi sau. Điều cơ bản là liệu con có quyết tâm được như bố ngày trước không cơ? - Tôi hỏi.

Con bé nhìn tôi bằng cái nhìn tinh nghịch, rồi nói kiểu nước đôi:

- Con chả dám chắc. Nhưng con cũng cố thử xem. Biết đâu con lại rước về nhà mình một ông Đác - Uyn bằng thạch cao nữa cũng nên.

Bất giác cả hai bố con tôi đều nhìn vào bức tượng Đác - Uyn, kỷ vật của thầy Kha tặng tôi từ mấy chục năm trước, đang đặt trong tủ kính.