Biền biệt Đà giang...

Tôi có duyên với miền đất ven sông Đà, bên kia bến đò Đá Chông. Khi tôi khóc chào đời, bà nội giở tra lá số, thấy “thân cư di”, liền thở dài, đời cháu rồi như mây trời nước bạc, biền biệt bốn phương. Phải như thế chăng, mà khởi lên cái duyên sông hồ…

Ảnh: K.MINH
Ảnh: K.MINH

Vào tuổi bắt đầu đi học, thì chiến tranh phá hoại lan rộng, tôi theo cơ quan mẹ đi sơ tán bên kia sông, đất Thanh Thủy. Tôi còn nhớ cảm giác thích thú lần đầu tiên được khám phá vẻ đẹp của một dòng sông trong nắng ban mai. Khi con đò mới rời bến, lòng sông in bóng núi Tản, nên có sắc xanh đậm. Nhưng ra giữa sông, ánh nắng khiến nước lại chuyển mầu xanh ngọc, lấp lánh.

Tôi với mẹ được một gia đình nông dân đón về ở. Ngôi nhà sơ tán này đơn sơ, nhìn thẳng ra sông, và sáng nào cũng được ngắm mặt trời đi lên từ phía bên này của núi Tản. Trong gia đình người nông dân nhân hậu, có đủ cả ba thế hệ. Cao tuổi nhất là người ông. Ông cụ quanh quẩn cả ngày ở nhà, ngồi trên tấm phản và nhìn ra sông, ngắm ngọn núi với nét mặt tư lự, thi thoảng đưa tay vuốt chòm râu bạc. Nhưng khi chiều xuống, cơm nước đạm bạc xong, ông lấy từ dưới bàn thờ ra cây đàn bầu, rút cái tăm tre đang ngậm trong miệng và tấu lên giai điệu một bài hát văn.

Cây đàn bầu ấy, bệ được làm từ một ống giang già, bầu là một ống bơ sữa bò, đục lỗ dưới đáy, nối vào một sợi dây thép rút ra từ dây phanh xe đạp cũ. Đơn sơ thế, mà tạo nên cả một thế giới.

Với trăng, với nước, với núi, với hình ảnh ông cụ gù lưng say sưa gảy đàn bên sông… đã ghi mãi vào ký ức tôi. Sau này đọc mấy câu thơ Đường: “Độc thướng giang lâu tứ tiễu nhiên/Nguyệt quang như thủy, thủy như thiên/Đồng lai ngoạn nguyệt nhân hà tại/Phong cảnh y hi tự khứ niên…” (“Giang lâu thư hoài” của Triệu Hỗ. Dịch ý: Một mình thanh thản lên lầu ven sông/Thấy ánh trăng như nước, nước như trời/Tự hỏi người xưa cùng ngắm trăng nơi đâu/Dù cảnh vật vẫn thế chẳng đổi thay), thì ký ức luôn hiện ra hình ảnh ông cụ năm xưa.

Mấy chục năm đã qua. Biền biệt Đà giang trong vực thẳm thời gian. Tôi lại có duyên trở miền ven sông ấy. Một người bạn vong niên đưa tới thăm nhà của hai vợ chồng, người đàn nguyệt, người hát văn. Bắt đầu từ chiều buông, khi bóng núi đổ xuống trước sân nhà, cho tới khuya… tôi lại được nghe những âm thanh xưa, thời thơ ấu. Nhưng lần này, còn có thêm cả một tiếng hát, thực hoàn chỉnh. Người xưa trở lại chăng? Kỳ diệu như mối duyên cầm sắt của hai vợ chồng người nghệ sĩ này.

Đây trăng, đây núi, Đà giang

Mà sao biền biệt qua hàng cau xưa…