Bên dòng Nho Quế

Một người bạn họa sĩ nói với tôi, nếu bạn tới Hà Giang, nên để tâm tới mầu sắc của miền đất đẹp đẽ vào hàng đệ nhất trời nam này… Mà khi đã để tâm tới sắc mầu, thì không gì tả nổi sắc xanh ngọc thẫm của nước dòng Nho Quế, dù là đoạn chảy qua bóng núi hay đoạn khoe mình dưới ánh mặt trời. Và dù bạn đi thuyền trên sông, vục tay vào nước, hay đứng ngắm từ lưng chừng đèo Mã Pì Lèng, vẫn một mầu xanh ngọc thẫm ấy mà thôi.

Ảnh: ANH QUÂN
Ảnh: ANH QUÂN

Tôi còn nhớ có một nhà thơ, năm nào ông cũng cất công lên Mã Pì Lèng, và năm nào cũng viết một bài tản văn về con đèo hùng vĩ vô song này, trông xuống dòng Nho Quế đẹp đến thiêng liêng. Ông tâm sự, tôi muốn mỗi năm đều đến đây, viết cho Nho Quế và Mã Pì Lèng, mỗi năm một cảm xúc khác nhau, cho tới tận lúc tôi không đi được nữa vì sức khỏe, để tôi chết đi mà không ân hận…

Dọc con đường lên đèo, đi qua huyện Mèo Vạc, hoặc đi từ phía huyện Đồng Văn, có những ruộng hoa tam giác mạch, mà tầm tháng 10 âm lịch, những bông hoa trắng hồng bắt đầu trải thảm đón cái lạnh từ miền bắc. Những em bé dân tộc H’Mông, Dáy, Dao… thường tết hoa tam giác mạch thành vòng đội lên đầu, gùi hoa trên lưng… rực rỡ và ngây thơ như những công nương của vương quốc hoa bí ẩn giữa sắc xanh chàm của núi rừng Tây Bắc.

Khi cây tam giác mạch nở hoa, cũng là lúc ở những chợ phiên bên đường qua cổng trời Quản Bạ, hay chợ cổ Đồng Văn… xuất hiện những chiếc bánh tam giác mạnh đủ kiểu, từ bánh cứng, bánh tam giác mạch trộn lá gai mềm… bán cho người dưới xuôi nếm thử. Ta cầm chiếc bánh mà rưng rưng. Bởi bánh đâu chỉ là thực phẩm, mà còn là linh hồn của cả đất trời, gió mưa, nóng lạnh miền Tây Bắc. Bánh là công sức khéo léo chế biến, là cái tình người…

Mùa tam giác mạch năm nay, tôi theo đoàn từ thiện xây trường vùng cao lên với Mèo Vạc. Tôi đi thuyền dọc theo sông Nho Quế để đến xã Niệm Tòng. Từ bến sông lên điểm trường, đường đi trong mùa khô khá thuận lợi, nhưng chắc mùa mưa thì rất gian truân. Cô giáo người Dáy đi thoăn thoắt dẫn đường, ngậm chiếc lá, thổi kèn môi pí pe giữa núi rừng. Cô cho biết, điểm trường của cô còn cao hơn, leo chừng 5 km nữa. Và ngày nào em cũng đi lên, rồi xuống sông về ngọn núi bên kia, nhà em ở đó…

Bên dòng Nho Quế, câu chuyện của cô giáo trẻ cùng tiếng kèn lá cũng đọng lại trong tôi một sắc mầu. Vượt qua trùng trùng gian khó để mang chữ tới miền cao, đó là sắc màu cuộc sống đẹp nhất.