Bên bếp lửa

Gió mùa đông bắc đợt này không chỉ lệch về phía đông gây ra mưa phùn nhớp nháp mà còn kéo dài ra đến suốt cả tuần. Hai bố con mải miết dầm mưa gội gió đến trường trong những buổi học chính rồi đến điểm học thêm mấy môn theo khối dự thi vào đại học và thường 22 giờ đêm mới lọ mọ về đến nhà, hôm nào không may tắc đường thì về còn muộn hơn.

Ảnh: ANH QUÂN
Ảnh: ANH QUÂN

Bố đã được ăn tối còn con nhai vội mẩu bánh mì kẹp chả sau buổi học chiều nên thường bị đói, về đến nhà, mẹ hối hả giục rửa chân tay. Con gái xoa xoa hai bàn tay tê dại vì lạnh cóng vào nhau rồi sà vào mâm cơm canh nóng sốt mới được hâm lại. Bố trầm ngâm: Đợt gió bấc này thế mà lạnh ra phết! Rồi lần giở nhớ về những năm sáu mươi của thế kỷ trước ở quê nhà…

Từ những năm học cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3 đều phải tự túc đến trường và về nhà. Gặp những ngày mưa phùn gió bấc, một nhóm hai - ba đứa nắm tay nhau dò dẫm bấm chặt mười ngón chân xuống con đường đất bùn trơn nhầy nhẫy. Dội ào mấy gáo nước làm bằng vỏ quả dừa từ cái vại trước cửa rửa chân, treo áo tơi lá lên chái bếp rồi lộc cộc đôi guốc gỗ mộc vào bếp ăn cơm. Mùa hè ăn cơm ngoài sân, mùa đông ăn cơm trong bếp đã thành lệ ở quê. Cả nhà ngồi gọn trong cái nong ban ngày dùng để phơi ngô, phơi thóc, quây quần bên cái mâm gỗ mộc. Ăn cơm ngoài sân nhờ ánh trăng ánh sao. Còn ăn cơm trong bếp nhờ ánh lửa lom đom từ mấy mẩu gốc tre và trước khi ăn, người nào người nấy tranh thủ huơ huơ hai bàn tay qua bếp lửa than hồng cho đỡ cóng lạnh.

Quanh mâm cơm bên bếp lửa ấm nồng là những câu chuyện làm đồng trong ngày theo sự phân công của đội sản xuất và bố nhắc con giai ăn xong nhớ ghi sổ điểm cho bố mẹ kẻo quên. Anh gật đầu “Vâng ạ” bởi việc đó rất đơn giản vì đã có công thức: Từng buổi hoặc cả ngày làm gì? Với ai? Ở đâu?, còn điểm thì đã có quy định chung của hợp tác xã. Thú vị nhất vẫn là câu chuyện của mẹ về “Sự tích ông đầu rau”. Nhiệm vụ quan trọng nhất của “Gia đình thần Bếp” là luôn giữ ngọn lửa ấm nóng cho mỗi gia đình, đặc biệt trong những ngày mưa phùn gió rét căm căm, cái lạnh thấu da thấu thịt.

Mẹ dặn anh em chúng tôi khi đun nấu không được dùng que cời than củi đập vào ba ông đầu rau, hoặc sau này thay bằng bếp kiềng sắt cũng không được đập vào bởi như vậy là vô lễ và có thể sẽ bị thần phạt! Chuyện mẹ kể mãi gần như thuộc lòng nhưng vẫn thích nghe mẹ kể bởi còn được ngồi lâu hơn trong hơi ấm nồng nàn của thần bếp và hơi ấm lan tỏa từ người mẹ hiền tần tảo sớm hôm nhóm bếp giữ mãi ngọn lửa thiêng cho cả gia đình. Mẹ giảng giải: Bếp lửa chính là sự khởi đầu, là hình ảnh lưu giữ của tình yêu vợ chồng để rồi sinh con đẻ cái tạo nên từng gia đình yên ấm, ăn một mâm, ngủ một nhà. Rồi mẹ bật mí: Bố và mẹ đã thường tâm tình thổ lộ cùng nhau bên bếp lửa than hồng và cũng từ đó mà bén duyên nhau nên vợ nên chồng…

Đến đây, anh bồi hồi chợt nghĩ: Anh và chị cũng có những kỷ niệm bên bếp lửa than hồng một thuở để rồi nên duyên chồng vợ, sinh con đẻ cái làm nên một gia đình riêng nho nhỏ.