Bánh khúc

Hôm nay có người quen đi công tác Hà Nội, nhắn tin hỏi tôi muốn ăn quà gì không. Một chút tần ngần vì sợ phiền, xong tôi cũng mạnh dạn nhờ họ mua dùm cho… chục cái bánh khúc mang vào. Nhớ xách tay chứ đừng cất chung hành lý nhé. Về tới Sài Gòn, bạn liền nhờ xe chuyển ngay sang cho tôi.

Sau một hành trình dài hơn hai giờ trên trời, cộng với thời gian di chuyển, chiếc bánh khúc tới tay tôi vừa may vẫn còn âm ấm. Chuẩn lá khúc xịn, bóc ra xanh thẫm thơm thoang thoảng mùi lá. Cắn miếng bánh kèm nhân đậu xanh bở tơi xào thịt kèm tiêu bắc mới hợp vị làm sao. Hai đứa trẻ con lau nhau vội vàng, vừa ăn vừa sợ hết. Lại còn dặn mẹ nhớ để dành vài cái, mai dậy ăn sáng. Thương thế!

Tôi từng nhiều lần bay ra bắc, trước khi về luôn tranh thủ ghé phố cổ, chỗ đó, đoạn đó mua về mươi cái bánh khúc cho mẹ, cho em. Với mẹ tôi mà nói, xôi khúc có lẽ gắn liền ký ức, tuổi thơ, miền quê Hà Nam Ninh xa vời chưa có dịp về thăm. Lúc ông bà ngoại tôi còn, cũng ao ước một ngày trở lại. Mà lúc ấy, khứ hồi nam - bắc là cái gì đó xa xăm lắm, biền biệt năm tháng, vùn vụt kiếp người. Nên mãi tới khi ông bà tôi khuất bóng, vẫn chưa kịp về thăm cố hương.

Xưa nhà tôi ở miền Tây, lá khúc là cái gì đó “không có trong từ điển”. Vậy nhưng mỗi năm vài bận mẹ tôi vẫn làm bánh khúc. Thay bằng lá tần ô, hay còn gọi là rau cúc tần, thấy chẳng liên quan tới nhau, vậy nhưng bánh vẫn thơm ngon hấp dẫn không khác gì “nguyên mẫu”. Thuở đó làm gì có máy xay sinh tố, có bột bán sẵn như bây giờ. Mọi công đoạn đều làm bằng tay. Cải cúc cắt nhỏ ra, dùng chày đâm nhuyễn, vắt lấy nước. Kỳ công nhất chính là xay bột. Gạo nếp ngâm nở mềm, chiếc cối đá nặng trịch từng vòng từng vòng vất vả. Dằn bột cho khô rồi nhào, rồi làm nhân, nặn bánh, mang hấp. Cơn mưa chiều được khỏa lấp bởi làn khói thơm lừng chái bếp, trong nỗi hân hoan háo hức hớn hở của đám con nít háu đói…

Lâu lắm, mấy mùa hè ra Hà Nội, giữa khuya thường có người rao xôi khúc. Món ăn bình dân, no lâu, rẻ tiền mà ngon ám ảnh ấy, chẳng biết lặng lẽ ghim vào trí nhớ ấu thơ từ lúc nào. Hình ảnh chõ xôi của bà cụ đầu ngõ, nằm cạnh đường tàu. Hay thúng xôi được che chắn ủ nóng cẩn thận của một người bán rong, lam lũ qua từng ngóc ngách của thành phố. Và bây giờ, giữa đông đúc bon chen, đâu đó vẫn thi thoảng bắt gặp một chỗ có trưng bảng xôi khúc, bánh khúc, thường đi chung với xôi xéo, xôi đậu, bánh rán các kiểu.

Cuối xuân năm rồi, tôi có dịp đi học ngoài đó. Hẹn một cô em gái nhỏ đã lâu không gặp. Em tới, mang theo một cái túi lùm lùm. Hỏi là gì, hóa ra “bánh khúc thôi mà chị”. Để chị mang vô trong ấy làm quà. Mùa này ở làng em người ta hái lá khúc ở bờ đê, ngoài đồng về làm bánh, là đúng thời điểm ngon nhất đó chị… Lời em mộc mạc bình dị. Tôi không kiềm lòng được mà giở một gói xôi khúc ra ăn ngay tại chỗ. Hôi hổi. Rưng rưng. Chẳng hiểu vì sự tình cờ hay đồng cảm, hoặc cái duyên gì, mà giữa bao nhiêu thứ cao sang ê hề, em đã chọn đúng món ăn dân dã mà mê đắm ấy mua cho tôi, bà chị đến từ miền nam nhưng lòng luôn đau đáu hương vị lá khúc quê nhà.

Để tôi thổn thức như một kẻ xa quê suốt đoạn đường ngai ngái rời xứ ấy. Trên tay tôi là mớ bánh khúc mang về, trĩu nặng cùng nỗi nhớ mẹ, nhớ ngoại, nhớ bao ký ức thân thương êm ái trong đời.