Bạn đọc của riêng tôi

Tập thơ của tôi mới nộp lưu chiểu, NXB giao hẹn sau 10 hôm mới được bán sách. Mấy cháu được tặng sách đưa lên “phây” khoe. Chắc thế bạn mới biết, dù trời nóng 40 độ C, bạn vẫn phóng xe xuống xin một cuốn cho một bạn đọc đặc biệt đã ở tuổi 91, nằm trên giường, vẫn phải nhờ người đeo kính hộ, đọc từng dòng.

Thật ra cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên thật của bạn đọc ấy. Bà tên là gì, tôi không rõ. Tôi cứ gọi là bà ngoại cu Bờm, bà nội cu Vịt, và đề tặng sách cũng theo tên hai thằng cháu của bạn tôi ấy. Bà cụ ấy hay trò chuyện với con gái về sách viết của các nhà văn và hay nhắc đến tôi. Tôi hỏi nhỏ: “Bà có nói gì về chị không?”, “Có chứ! Rằng chị viết về Hà Nội cũ, rất có bóng dáng xưa làm bà nhớ mọi thứ cũ”.

Rồi tôi lên thăm bà vào một ngày nắng nóng, bà vẫn nhận ra tôi, giơ bàn tay gầy guộc cố đưa ra khỏi cái chăn mỏng. Bà nắm lấy tay tôi thì thầm: “Bàn tay này viết về Hà Nội cũ, được lắm, chị làm tôi hình dung ra tất cả ngày xưa”. Rồi mãi sau lại tiếp: “Hà Nội xưa thật êm đềm! Có lẽ giời bắt tội chị vất vả, giời cũng cho chị viết mới viết được”. Tôi nói: “Vâng chắc thế thưa bà. Nhưng cháu muốn làm người nội trợ, có tiền xách làn đi chợ hằng ngày, rồi rửa rau cọ nồi niêu xoong chảo thích hơn nhiều, viết mãi cứ mụ mị cả người”. Bà nhắc: “Tôi đã bảo có phải ai cũng viết được đâu. Chị nên viết kẻo phí phạm… Chị viết vẫn còn sót lại người tuổi như tôi đây đọc mà”.

Sớm hôm nay, nhà văn Hà Khánh Linh gọi điện ra Hà Nội, hỏi rằng tôi đã gửi sách chưa, và sau một hồi nói chuyện về Huế, nắng nóng, về ngôi nhà của chị mới xây thêm một phòng khách cho bạn bè các tỉnh về ghé qua có chỗ mà ở, khỏi ở khách sạn tốn tiền. Rồi chị nhắc đến một người, vừa là em, vừa là bạn, chỉ làm vườn ở Huế, vẽ tranh và làm vườn. Bạn ấy ăn chay trường và dạy đứa con trai duy nhất học vẽ. Từ ấy mà tôi có thêm một bạn đọc ở Huế. Mỗi lần ra sách, tôi đều tặng hai chị em. Có lần tôi còn nhận được bản thảo em viết nhận xét khi đọc văn của tôi, em gửi qua nhà văn Hà Khánh Linh, rồi viết: “Nhờ cô Hằng mà em hình dung ra một Hà Nội xưa cũng phẳng lặng như Huế…”.

Em đọc sách của tôi, để hình dung ra Hà Nội mà em chưa một lần ra thăm, vì nghề làm vườn và chăm cây cảnh của em đã lấy đi hết thời gian và sức lực cho cây và cho tranh. Có vài lần em gọi điện cho tôi, nài nỉ: “Nếu cô vào Huế sớm, em sẽ gọi xe đón cô, cô sẽ thăm vườn cây của em. Với em vườn là ước mơ, là thế giới thiên nhiên không thể có nơi nào sánh được”. Có một lần khác, em bảo tôi, nếu có thời gian em sẽ nói về Huế và vườn Huế cho cô nghe.

Nhưng rồi chị Hà Khánh Linh cho hay, nếu bạn gửi sách lần này không gửi cho bạn ấy nữa. Chị Linh nói, vì mới nghe vợ của người em ấy khóc nấc ở đầu dây bên kia, nói anh ấy đi hôm trước, nghĩa là trước hôm gọi điện hẹn sẽ đến thăm cô Linh, nếu em khỏe trở lại. Chỉ đơn giản vì đau vớ vẩn thế nào đó rồi ra đi.

Giờ thì em mãi mãi không đọc sách của tôi nữa, tôi cũng chưa kịp vào Huế. Lỡ hẹn với em ngồi bên nhau nói về vườn, về hội họa và về cuộc sống khác biệt của người Huế và người Hà Nội. Tôi đã vừa mất đi một người bạn đọc kỹ càng, tận tụy với mỗi trang sách của tôi.