Viết tản văn lưu hồn Huế xưa

Là một người con của xứ Huế, nhưng lại gắn bó hơn nửa thế kỷ với nước Đức, giảng dạy về triết học so sánh Đông - Tây tại xứ sở của những triết gia lừng danh, GS Thái Kim Lan luôn trăn trở về công cuộc bảo tồn văn hóa, lưu giữ những vẻ đẹp Huế xưa. Tập tản văn “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” (NXB Kim Đồng) mới ra mắt cũng không nằm ngoài mong mỏi đó.

Viết tản văn lưu hồn Huế xưa

Phóng viên (PV): Cuốn sách này gồm 45 “tiểu tự sự” như cách nói của bà, bà viết cuốn sách này trong bao lâu?

GS Thái Kim Lan (TKL): Tôi viết cuốn sách này trong khoảng hơn 20 năm, trong khoảng thời gian sống ở Đức và đi về giữa hai nước, trên máy bay. Bất cứ khi nào cảm xúc thì tôi viết.

PV: Mọi người thường có tâm lý “Xa thương, gần thường”, càng xa thì người ta càng có cảm xúc mãnh liệt hơn về những gì mình yêu quý, bà thấy điều này có đúng không?

TKL: Người Huế có câu “Đi thì nhớ, ở thì thương”. Nếu đã quên thì quên hẳn, nhưng nếu đã nhớ thì cứ nhớ hoài. Tình yêu là một cái gì đó mà phải ở trong không gian đó mình mới yên tâm. Đi xa rồi, mình nhớ gió, nhớ nắng, nhớ cơn mưa. Nhiều lúc về, mình lại tự hỏi: “Tại sao mình lại về?” mà không trả lời được. Có lẽ lá trả lời được, gió trả lời được, mưa trả lời được. (Cười).

PV: Bà muốn chia sẻ điều gì với độc giả về cuốn sách của mình?

TKL: Từ bấy lâu nay, khi đọc về Huế, người ta thường tìm thông tin nhiều hơn, về vẻ đẹp lộng lẫy của một thành phố du lịch. Nhưng ít người tìm hiểu về Huế ở trong những góc cạnh khác. Cuốn sách của tôi không phải là thông tin về Huế mà là cảm xúc về Huế, sự rung động về Huế. Trong Lời nói đầu, tôi cũng từng nói, nếu bạn muốn tìm một Huế hoành tráng với cung điện nguy nga thì sẽ không có. Nhưng chúng ta sẽ gặp lại một Huế khác. Huế là thành phố được tạo dựng nên bằng những tâm hồn nghệ thuật, thi vị, nhìn thấy được sông núi Huế mới tạo nên được thành quách Huế chứ không phải ngược lại. Chính phong cảnh Huế và tinh thần nghệ thuật, cái nhìn về vẻ đẹp, tôn trọng vẻ đẹp, yêu vẻ đẹp của thiên nhiên hòa lẫn với con người thì đó mới chính là Huế. Tôi chỉ là người đi tìm vài điểm nhỏ để khơi dậy ở độc giả sự rung động đó.

PV: Là một giáo sư giảng dạy về triết học, thông thường mọi người nghĩ triết học rất khô khan, nó có mâu thuẫn gì với thể loại tản văn rất cần sự mềm mại và cảm xúc không?

TKL: Tôi nghĩ, nó không hề có sự tương phản, mà đó chính là điểm mà tôi muốn nhấn mạnh. Chúng ta có định kiến về triết học là khô khan. Thực ra triết học chính là sự đam mê, là thương, là yêu, yêu sự thật, yêu cái chân chất, không mầu mè, không pha trộn. Tôi muốn làm thế nào để ở trong tản văn của mình luôn luôn có một chút đứng lùi về sau, mặc dù say mê nhưng tỉnh giấc mê thì tôi lại là một con người khác, tôi lại nhìn sự vật một cách khác. Đọc tản văn của tôi sâu hơn có thể nhìn thấy những khúc mắc mâu thuẫn đó.

Khi nào tôi cũng có một bước lùi để nhìn sự vật. Bước lùi này là triết học, nhưng nó không kém phần thi vị, là sự cố gắng để tìm một văn phong khác, là văn phong tôi có thể chấp nhận được với góc nhìn của một người duy lý.

PV: Huế trong tâm tưởng của bà có khác nhiều so với Huế bây giờ không?

TKL: Ngày trước Huế êm đềm hơn nhiều, ít dân hơn, bây giờ, thành phố đông đúc, nhà cửa đã đổi khác, chỉ còn dòng sông Hương, đỉnh Kim Phụng là không đổi.

PV: Bà từng tổ chức triển lãm áo dài Huế xưa “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” ở Viện Goethe, phải chăng đây cũng là một công cuộc bảo tồn văn hóa Huế?

TKL: Áo dài cũng là một cuộc đi tìm, lưu giữ lại vẻ đẹp Huế. Hiện tại, tà áo dài không còn ở trên mỗi con đường xứ Huế, gần như đã bị lãng quên. Tôi muốn lưu giữ vẻ đẹp của áo dài - một tác phẩm nghệ thuật tập thể của người may áo, người chọn áo, người mặc áo. Tất cả làm thành một nếp sống, văn hóa của người Huế và rộng hơn là của Việt Nam.

PV: Ngoài áo dài, bà có đang thực hiện một dự án nào khác không?

TKL: Tôi cũng đang sửa sang lại căn nhà vườn ở Huế, giữ lại được đúng tinh thần của khu nhà vườn Huế xưa, để mọi người vào thăm thấy một khu vườn rất Huế, thấy được nếp sống của người Huế xưa.

Tôi mong muốn làm thế nào để giới trẻ của Huế và trong nước có thể tiếp cận được với những đối thoại Đông - Tây, của ta và của người, làm thế nào để giới trẻ thông minh sáng tạo, để vừa tiếp cận được cái mới, vừa không bị mai một, luôn tìm được trong cái giao thoa mới - cũ cái nét của riêng mình.

Làm thế nào để mình hiểu hơn được truyền thống bản sắc của mình, khi đó mình mới không bị đồng hóa, biết sử dụng cái mới để tạo ra được cái độc đáo của riêng mình.

PV: Xin cảm ơn bà!