Nhà nghiên cứu Trịnh Bách khôi phục đèn Trung thu:

Vì đẳng cấp văn hóa Việt

Những chiếc đèn lồng con thỏ, đèn lồng cá chép, đèn lồng con bướm rồi nhiều mẫu con giống bột mầu tưởng đã vắng bặt trên thị trường suốt nhiều thập niên, nay bỗng trở lại, góp cho mâm cỗ Trung thu thêm sinh động. Người góp công khôi phục những nét đẹp văn hóa ấy là nhà nghiên cứu Trịnh Bách.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách khôi phục chiếc đèn lồng Trung thu trước năm 1975.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách khôi phục chiếc đèn lồng Trung thu trước năm 1975.

Phóng viên (PV): Mấy năm gần đây cứ thấy ông mải miết phục hồi những chiếc đèn Trung thu xưa. Vậy ông có thể chia sẻ về điều này?

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách (TB): Sau khi đã về lại quê hương, tôi thấy trẻ em không được biết đến những đèn lồng Trung thu cổ truyền độc đáo của nước mình. Cho nên ngay từ khi bắt đầu việc phục dựng lại vải vóc, trang phục cung đình, tôi cũng đã tìm cách cố gắng đem các đèn lồng trở lại cho các em.

Từ năm 2007, tôi đã mày mò ở khu Phú Bình (quận 11, TP Hồ Chí Minh) là nơi vẫn sản xuất đèn Trung thu từ khi tôi còn bé, tìm nghệ nhân tâm huyết có tay nghề để phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Mãi đến 2017 tôi mới có cơ duyên gặp được gia đình bà quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở đấy. Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp (Nam Trực, Nam Định). Từ khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là các em Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Trọng Thành, con trai cụ Văn. Họ rất kiên nhẫn, sáng dạ và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề…

Thời điểm đó, chúng tôi bắt đầu phục dựng lại mẫu đèn của phong cách Sài Gòn cũ mà tôi vẫn được thấy và được chơi ở Sài Gòn khi còn nhỏ. Sau đó, chúng tôi cũng đã hồi phục được một số đèn theo phong cách Báo Đáp xưa, của những năm 1950. Các mẫu đèn này đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công chúng.

Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em. Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến làng Báo Đáp. Đèn Trung thu của người làng Báo Đáp làm nổi tiếng đến nỗi nhiều bảo tàng ở Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung thu rất đẹp, tinh xảo làm từ những thập niên đầu thế kỷ 20.

PV: Bên cạnh những chiếc đèn Trung thu, còn thấy ông phục hồi những con giống bột mầu từng xuất hiện rất nhiều ở Hà Nội trong mùa trăng tháng Tám?

TB: Đúng, ngày xưa ở Hà Nội có những con giống làm bằng bột cho trẻ em vào dịp Trung thu. Đây cũng là một nghệ thuật độc đáo của người Việt Nam mình. Cũng như đèn Trung thu, các con giống bột xinh đẹp hiện vẫn được các bảo tàng châu Âu gìn giữ, và ghi chú rõ là con giống bột mầu dành cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu Hà Nội.

Con giống bột Trung thu Hà Nội có ba xuất xứ là khu vực Đồng Xuân (các phố Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Mã…), Phố Khách (Hàng Buồm, Mã Mây…), và nhất là làng Xuân La, Phú Xuyên. Vì lý do lịch sử mà các con giống bột Hà Nội từ lâu nay hầu như đã bị thất truyền. Hầu như không còn ai biết đến chúng nữa. Những năm 1995, 1996 tôi vẫn thấy một thiếu nữ bán con giống bột Trung thu ở chợ Trung thu phố Hàng Mã. Sau đó không thấy nữa, vì nghe nói bà cụ làm con giống đã quá lớn tuổi cho nên không còn tiếp tục giữ nghề được nữa.

Từ năm 1998, tôi đã gặp được em Đặng Văn Hậu, một thiếu niên nặn con “bánh chim cò” Phú Xuyên rất khéo tay. Lúc đó hỏi Hậu và ông ngoại về con giống bột Trung thu Hà Nội thì cả hai đều không biết. Đến năm 2017, Hậu may mắn được gặp bà Phạm Nguyệt Ánh ở Nhân Hòa, Hà Nội. Bà Nguyệt Ánh trước kia ở Đồng Xuân, là nghệ nhân cuối cùng của dòng giống bột Đồng Xuân còn sót lại hiện nay. Với kiến thức của bà Nguyệt Ánh, tay nghề của Đặng Văn Hậu, và ký ức của tôi, chúng tôi đã hồi phục lại được cả ba dòng con giống bột và con bánh chim cò nói trên.

PV: Quá trình phục hồi hẳn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

TB: Đúng vậy. Khó nhất là tìm được nghệ nhân biết nghề, yêu nghề và nhất là có lương tâm nghề nghiệp. Rồi tìm lại được nguyên liệu gốc cũng khó. Vì bao năm chiến tranh, thiếu thốn, nhiều ngành nghề đã bị mai một. Phần đông người ta đã không còn biết đến các ngành nghề này nữa.

PV: Thông qua việc khôi phục những món đồ chơi Trung thu truyền thống ấy, ông muốn gửi gắm điều gì?

TB: Cá nhân tôi chỉ dám mạo muội phục hồi những gì mình biết rõ ràng một cách nói có sách, mách có chứng mà thôi. Qua việc làm của mình, tôi không dám nhắn nhủ điều gì. Chỉ giản đơn là khôi phục lại được những gì đẹp đẽ của đất nước mà mình có thể. Và để cho mọi người biết được sự quý báu và đẳng cấp của nền văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, ai cũng có mong ước hồi phục lại các di sản mà vì các lý do lịch sử đã bị mai một. Nhưng đã dấn thân vào thì phải làm việc một cách đứng đắn, bài bản với kiến thức vững vàng. Không được tùy tiện, làm ẩu để mọi người, nhất là thế giới, có thể hiểu lầm về non nước mình. Đấy là điều sẽ mang tội với cha ông…

PV: Trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Trịnh Bách!