Nhà văn Như Bình:

“Vẽ cũng là một cách để thiền”

Sau hai năm miệt mài, nhà văn Như Bình lần đầu có tranh tham dự triển lãm chung (cùng Team C Jiu Art) vào ngày 19-3 tới đây tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng chị về niềm đam mê hội họa và triển lãm tranh này.

Bức vẽ “Bên cửa sổ”.
Bức vẽ “Bên cửa sổ”.
“Vẽ cũng là một cách để thiền” -0
Nhà văn Như Bình say mê bên giá vẽ. 

Phóng viên (PV): Bận rộn với công việc viết văn, làm báo, chị đã đến với hội họa như thế nào?

Nhà văn Như Bình (NB): Tôi đi học vẽ cách đây hai năm. Ngày đó do có một vài mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống nên một người bạn lớn của tôi, họa sĩ Đỗ Thúy Hằng đã khuyên tôi đến lớp vẽ để lấy lại sự thoải mái và cân bằng hơn. Nghe lời khuyên của chị, tôi đến lớp vẽ với tâm thế để tĩnh tại, để giảm stress. Càng học, tôi càng mê, càng bị cuốn hút và thích thú vô cùng. Càng học, tôi càng tìm thấy mình ở trong đó, tìm thấy sự tự do tuyệt đối. Trong phần tự bạch của mình ở cuốn sách giới thiệu về triển lãm lần này, nói về lý do đến với việc học vẽ, tôi đã chia sẻ: “Với tôi, vẽ cũng là một cách để thiền. Trong tĩnh tại, ta học cách lắng nghe bản thân, học cách yên lặng, mình đối diện mình để thấu cảm thế giới nội tâm, để nhận biết, để hiểu mình là ai. Hiểu mình không phải để bắt mình đi chinh phục bản thân, vươn tới một điều gì đó, đạt bằng được một tham vọng nào đó... Đôi khi việc hiểu mình chỉ để giúp mình sống vui hơn, bình tĩnh hơn, chậm rãi hơn, biết tôn trọng và yêu thương mình hơn, để hạnh phúc mình có trở nên vô giá hơn”.

Vẽ mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc. Tôi muốn cảm ơn những người bạn đã đưa tôi đến “mối duyên” này. Cảm ơn những người thầy cô và lớp học Jiu Art đã cho tôi thấy cuộc sống có bao điều bất ngờ thú vị phía trước đang chờ ta, chỉ cần bạn biết lắng nghe bản thân và tin vào chính mình.

PV: Vốn đã quen với việc cầm bút viết văn nay lại cầm bút để vẽ, văn chương đã có đóng góp gì cho các bức vẽ của chị?

NB: Nhiều chứ! Văn chương mang lại cho tôi trí tưởng tượng, cảm xúc dồi dào, những sáng tạo mới mẻ. Văn chương mở ra cho tôi nhiều chất liệu cảm hứng. Tôi tưởng tượng sẽ vẽ rất nhiều các bức tranh khác nhau. Nhắm mắt tôi có thể hình dung rõ mồn một về bức tranh mình muốn vẽ. Nhưng vấn đề mình có vẽ được như mình mong muốn, tưởng tượng hay không bởi vẽ vô cùng khó, ngoài kỹ năng, kiến thức còn là năng khiếu trời cho nữa và phải học hành bài bản, kỹ lưỡng. 

Văn học và hội họa là môn khó, là thử thách của mỗi cá nhân. Với riêng tôi, ở tuổi này tôi đi học vẽ cũng là cách tìm kiếm và vượt qua bản thân. Nếu không kiên nhẫn, không tĩnh tại không thể làm quen được với bộ môn nghệ thuật này. Và cũng không có bộ môn nghệ thuật nào cuốn hút như vẽ. Tôi không thể ngồi 4 - 5 tiếng liền tù tì để viết, xem, hay đọc nhưng vẽ thì hoàn toàn có thể. Có những ngày vẽ liên tục 4 - 5 tiếng không nghỉ mà thấy thời gian nhanh như chớp. Nói chung học vẽ rồi mê lắm!

PV: Vẽ là một chuyện nhưng mở triển lãm lại là một câu chuyện khác. Chị có thể cho biết cơ duyên nào đưa chị đến với triển lãm tranh cùng Team C Jiu Art lần này?

NB: Quyết định triển lãm lần này là một kế hoạch chung đã được chuẩn bị suốt cả một năm nay của tập thể các bạn cùng lớp và của thầy Tạ Đình Khiêm, cô Đặng Thảo Ngọc là hai thầy cô hướng dẫn chúng tôi ở tại Trung tâm học vẽ Jiu Art. Thật sự tôi vô cùng may mắn khi được đến ngôi nhà chung này để học vẽ và trải nghiệm bản thân. Các thầy cô là những họa sĩ thành danh, nổi tiếng, song với chúng tôi thầy cô vừa là người thầy, vừa là người bạn tâm giao chia sẻ về câu chuyện nghệ thuật, hướng dẫn cho tôi những bước đi đầu tiên, giúp chúng tôi trải nghiệm và khám phá những khả năng tiềm ẩn. Các thầy cô đã tận tình giúp chúng tôi, yêu thương chúng tôi và giúp chúng tôi có những khám phá mới mẻ về bản thân, về hội họa, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được học vẽ. Và không chỉ vẽ, chúng tôi học được ở thầy cô nhiều thứ trong ngôi nhà chung này.

Việc tổ chức triển lãm nhóm cũng là một cách chúng tôi báo cáo kết quả học tập suốt thời gian qua, đồng thời giúp cho tôi có những trải nghiệm đầu tiên về một sáng tạo mới. Nó đơn giản vậy thôi, như một cuộc chơi thú vị.

PV: Sau mở triển lãm tranh có khi nào chị nghĩ mình sẽ bán tranh?

NB: Ở tuổi này tôi quan tâm sống thế nào cho vui và mình cảm thấy hạnh phúc là đủ. Tôi vẽ tranh để cảm thấy yêu cuộc sống hơn, thấy bình yên hơn và hạnh phúc hơn thôi. Ai thực lòng yêu và thích tranh của tôi thì tôi sẵn sàng tặng. Vẽ được tranh để được tặng người khác với tôi là thành công quá mong đợi rồi. Tôi không dám nghĩ điều gì xa hơn. Vạn sự tùy duyên thôi. Cứ yêu một cách chân thành, bạn sẽ hạnh phúc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn chị!