Đạo diễn Lê Quý Dương:

Tự dịch thơ thêm hứng khởi sáng tạo mới

Nhiều người bất ngờ khi mới đây đạo diễn Lê Quý Dương, vốn được biết đến nhiều qua các chương trình sân khấu, các lễ hội nghệ thuật, đã xuất bản tập thơ “Ký họa cơn mê” (NXB Hội nhà văn). Đặc biệt, anh đã tự dịch thơ của mình, để hướng tới cả độc giả nước ngoài và độc giả Việt Nam. Đạo diễn, tác giả Lê Quý Dương trò chuyện với Thời Nay. 

Tự dịch thơ thêm hứng khởi sáng tạo mới

Phóng viên (PV): Thưa anh, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, giờ đây anh mới công bố một tác giả thơ trong mình?

Đạo diễn Lê Quý Dương (LQD): Do tôi không có ý định đi theo con đường trở thành nhà thơ, mà thơ tự đến với tôi lúc nào, thì tôi viết ra lúc đó. Thơ vang lên trong tôi bằng ngôn ngữ nào, thì tôi viết ra bằng ngôn ngữ đó. Tôi rất tự do với thơ, cho nên trong 30 năm qua, tôi có viết thơ những lúc bất chợt, và rồi để đó thôi. 

“Khoe vui” chút nhé! Tôi cũng từng đoạt giải thưởng văn học “Tác phẩm tuổi xanh” năm 1991 với truyện ngắn “Những ngọn lửa sẽ còn cháy mãi” đấy! Năm nay, do Covid-19, các sự kiện lễ hội lớn khó tổ chức, tôi dành thời gian cho thơ, gom lại những bài thơ của mình và xuất bản.

Tự dịch thơ thêm hứng khởi sáng tạo mới -0
 

PV: Thơ in song ngữ, và anh đã tự dịch thơ của mình. Anh có thể chia sẻ việc dịch thơ của chính mình có dễ hơn so dịch giả khác không?

LQD: Không hề dễ, nhưng khá thú vị! Ban đầu, tôi thấy việc chuyển ngữ không hoàn toàn có thể giống y chang về cảm xúc, về ý tứ so bản tiếng Anh. Có lẽ do ngôn ngữ Việt với từ tương đương được chọn không gói hết được những gì ngôn ngữ Anh hàm chứa, hoặc màu sắc lại không hoàn toàn giống với từ gốc Anh.

Sau đó, tôi gửi bản tiếng Anh cho biên tập viên Ricardo Abad (người Philipines, ông là một tiến sĩ xã hội học và nghệ sĩ sân khấu) để ông biên tập. Trong quá trình biên tập, ông đã đưa ra một số gợi ý về các từ thay thế trong một số câu thơ. Khi đọc lại bài thơ và những từ tiếng Anh mà Ricardo Abad gợi ý, tôi chợt nảy ra thêm những ý tưởng mới, nới rộng trường ý tưởng, cảm xúc, và thế là tôi tiếp tục chỉnh bản gốc tiếng Anh, sau đó làm lại thơ bản tiếng Việt. 

Như vậy, bài thơ hoàn toàn không như ban đầu khi tôi mới sáng tác. Sự thay đổi, làm mới thơ qua quá trình dịch, biên tập, chỉnh sửa cả hai văn bản tiếng Việt và tiếng Anh này đem lại hứng khởi sáng tạo mới cho thơ tôi.

Tự dịch thơ thêm hứng khởi sáng tạo mới -0
 Tranh “Bồi hồi ký ức” của Phan Tuấn Ngọc trong tập thơ.

PV: Trong 2000 bản in, có 80 bản đặc biệt để dành tặng những người đặc biệt, và bán đấu giá. Anh có thể chia sẻ thêm về sự kiện đấu giá thơ sắp tới không?

LQD: Tôi đã in tập thơ với bốn mầu kỳ công, những bức tranh đẹp, hợp cùng thơ. 80 bản sách đặc biệt được đóng bìa da, chế tác thủ công cầu kỳ để tặng những người đặc biệt và bán đấu giá cho những người sưu tập sách. Bạn có thể đọc thơ, ngẫm ngợi, bạn có thể ngắm tranh, thỏa mãn thị giác. Một cuộc du hành, thưởng ngoạn thơ - họa trong thời gian và không gian. Đó cũng là tập sách thơ song hành với họa mang đến cho tôi niềm vui kỳ lạ. 

Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc khi những vần thơ rất riêng tư trải dài theo nhiều năm tháng đó đây của mình trên trái đất này giờ được cộng hưởng với sự sáng tạo của 15 họa sĩ trẻ trên khắp các miền đất nước. Thơ của tôi và những bức họa của họ như lấy nguồn cảm hứng từ trong nhau, sinh ra cho đời vì nhau, khi hòa quyện, khi đồng hành trong cuộc rong chơi ngắn ngủi trên cõi đời. Và còn những người đồng hành khác mà tôi biết ơn, sẽ được tặng ấn bản đặc biệt.

Một nửa số ấn bản đặc biệt sẽ dùng để bán đấu giá trong sự kiện ra mắt sách vào tháng 12-2020. Toàn bộ số tiền bán đấu giá sách thơ sẽ được dùng hỗ trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả bão lũ. 

PV: Xin cảm ơn anh!