Tự đi con đường riêng

2019 là năm nhà văn Lê Minh Khuê (ảnh trên) có nhiều niềm vui. Giữa năm, NXB Trẻ ra mắt bộ “Lê Minh Khuê tuyển tập” dày hơn 1.000 trang. Những ngày cuối năm, nhà văn lại vinh dự được trao hai giải thưởng văn học là Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông - Nam Á cho tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua”, và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu văn học trọn đời.

Tự đi con đường riêng

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, những giải thưởng văn học mới được nhận có vị trí như thế nào trong hành trình văn học của bà?

Nhà văn Lê Minh Khuê (LMK): Được giải thưởng thì vui ở khía cạnh có người đọc tác phẩm của mình, đánh giá nó. Vui vì có một dấu ấn trong công việc lâu dài, giúp mình có nghị lực hơn (Cười).

PV: Với bà, giải thưởng văn chương có tác động gì đến những sáng tác văn học không? Ví như giải thưởng văn học đầu tiên bà đạt được chẳng hạn, có phải là cú huých, hay thỏi nam châm giữ bà bước sâu vào văn chương?

LMK: Giải thưởng giúp tôi có nghị lực hơn vì được đánh giá xứng đáng. Nhưng giải thưởng là dành cho một việc đã hoàn thành, không trông mong vì có giải thưởng mà không làm việc tiếp. Giải thưởng đầu tiên của tôi cũng vui nhưng là một cú huých thì không. Tính tôi khá bình thản trước mọi việc, không bao giờ bị sốc trước thành công hay thất bại. Tôi bước sâu vào con đường văn chương là do tôi yêu thích nó.

PV: Yêu thích, và vì thế, sau hơn nửa thế kỷ rong ruổi cùng văn chương, bà để lại dấu ấn trên văn đàn với những truyện ngắn, truyện vừa có phong cách, dấu ấn riêng, được nhiều bạn đọc nhớ tới. Mới rồi, ở tuổi 70, bà được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu văn học trọn đời. Bà có bất ngờ không?

LMK: (Cười) Cũng bất ngờ đấy, vì có nhiều người xứng đáng hơn, cần được tôn vinh ở tuổi 70.

PV: Theo bà, một giải thưởng sẽ trở nên ý nghĩa khi nào?

LMK: Nhận giải thưởng xong thì làm việc khác chứ, nó sẽ không có nhiều ý nghĩa nữa trong thời gian tiếp theo.

PV: Năm qua, nhà văn Lê Minh Khuê như có ý gói ghém lại một hành trình văn chương của mình bằng việc đồng ý cho xuất bản tuyển tập gồm hai tập truyện ngắn và truyện vừa dày hơn 1.000 trang khổ lớn. Vì sao bà muốn chủ động làm điều này? Phải chăng bà muốn cung cấp một văn bản chuẩn nhất tới độc giả, khi sức khỏe và tinh thần còn hoàn toàn minh mẫn?

LMK: Có lẽ như thế thật (Cười). Một số văn bản in trong hai tập tuyển đã được sửa chữa tốt. Nếu có ai đọc thì xin đọc hai tập tuyển này. Phần tác phẩm còn lại, khá nhiều, chắc lúc nào đó tôi sẽ xem lại và sửa chữa cho tốt.

PV: Viết, ở thời điểm này, với nhà văn Lê Minh Khuê có vị trí như thế nào trong thời gian biểu mỗi ngày?

LMK: Tôi làm việc khá tùy hứng. Một người phụ nữ trong gia đình không phải lúc nào cũng đặt giờ giấc cho sáng tác trong ngày. Bao nhiêu việc không tên luôn chờ ta. Và phải làm tốt việc gia đình đã. Lúc nào thật rảnh rỗi thì viết.

PV: Thế còn thời trẻ, bà có thường đặt kế hoạch sáng tác cho mình không?

LMK: Không đâu, tôi không có kế hoạch lâu dài gì. Viết được gì thì viết thôi.

PV: Khi đã gặt hái được nhiều giải thưởng, khi đã chủ động tuyển chọn những tác phẩm ưng ý của mình, thì lúc này, quan niệm về văn chương của bà có thay đổi so thời trẻ không?

LMK: Từ thời trẻ đến bây giờ tôi chỉ nghĩ một điều: Viết cho cẩn thận. Nên cẩn thận từ dấu chấm, dấu phẩy. Để làm nên một phong cách, thậm chí là có sự khác biệt, để những độc giả yêu quý của mình có thể nhận ra tác phẩm dù không in tên. Đó là việc rất khó. Tôi quan niệm như vậy nhưng chắc chưa làm được nhiều.

PV: Thưa nhà văn Lê Minh Khuê, trong văn chương, bà có người thầy hay thần tượng nào không? Bà có thể đưa ra một chỉ dẫn hoặc lời khuyên cho các tác giả trẻ, để họ có thể vượt qua được cái bóng của thần tượng, tránh bị ảnh hưởng, hoặc tệ hơn là đạo văn?

LMK: Có những thần tượng cho từng thời kỳ, nhất là thời tôi đọc sách nhiều. Nhưng không nên nghĩ đến thần tượng đó khi viết lách. Đó là thành công của người ta. Là phong cách của người ta. Khi làm việc hãy tự đi con đường riêng. Tôi nghĩ cũng có thể có ảnh hưởng, nó phảng phất thôi, chứ không nên để cái bóng thần tượng đè nặng lên mình. Khi viết xong nên đọc lại cho cẩn thận, nếu thấy giống giống gì đó thì nên bỏ đi.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Minh Khuê!