Đạo diễn Nga Philipp Abryutin:

Tìm hiểu thị hiếu khán giả Việt

Bảy bộ phim của Nga được chiếu trong khuôn khổ “Tuần lễ phim Nga tại Việt Nam” (diễn ra từ ngày 9 đến 13-12 tại Hà Nội) đều nhận được sự chào đón tích cực của đông đảo khán giả. Thời Nay có cuộc trao đổi với đạo diễn Philipp Abryutin, thư ký Hiệp hội các nhà làm phim Nga về hướng phát triển của nền điện ảnh Nga đương đại.

Tìm hiểu thị hiếu khán giả Việt

Phóng viên (PV): Tại sao Bộ Văn hóa LB Nga và hai xưởng phim danh tiếng “MosFilm” và “Fest-Film” lại lựa chọn bảy tác phẩm điện ảnh mới này để đem tới Việt Nam?

Đạo diễn Philipp Abryutin (PA): Mục tiêu của ban tổ chức Tuần lễ phim Nga năm nay là mang tới Việt Nam những bộ phim đặc sắc, đã được khán giả Nga và nhiều nước đón nhận, để phản ánh đầy đủ về sự phát triển của nền điện ảnh Nga hiện đại. Nếu nhìn vào chương trình của Tuần lễ phim lần này có thể thấy mỗi bộ phim đại diện cho một thể loại khác nhau. “Những cô tình nhân” chiếu tại ngày khai mạc là một phim hài rất đặc sắc, trong khi đó “Trận chiến vì Sevastopol” là phim về đề tài chiến tranh, “Matilda” - lịch sử, “Nghệ thuật thuần khiết” - trinh thám, “Các nhà vô địch - Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” - chính kịch thể thao, “Anna Karenina: Chuyện tình của Voronsky” - phim tình cảm, còn “Chàng trai đến từ bãi tha ma” là phim hài - kinh dị. Cả bảy bộ phim đều được quay cách đây vài năm và có thể coi là đại diện của điện ảnh Nga hiện đại mà chúng tôi muốn truyền tải tương đối bao quát đến khán giả Việt lần này.

PV: Khán giả Việt Nam quen thuộc và rất yêu mến các bộ phim Liên Xô (trước đây) như “Số phận trớ trêu”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Mát-xcơ-va không tin những giọt nước mắt”, “Số phận một người đàn ông”, “Kế hoạch “Y” và những cuộc phiêu lưu khác của Shurik”… Điện ảnh Nga hiện đại có vẻ ít được nhắc tới tại Việt Nam. Tuần lễ phim lần này tại Hà Nội có phải là một sự thử nghiệm?

PA: Đúng vậy, có thể nói đó là một sự thử nghiệm. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem thị hiếu của khán giả Việt Nam và khán giả Nga có khác nhau nhiều không. Theo cá nhân tôi, sự thử nghiệm khá thành công. Trong các buổi chiếu tại Tuần lễ phim Nga tại Việt Nam, khán giả tới gần kín các gian phòng. Dĩ nhiên, nhiều đề tài, hoặc khía cạnh trong phim Nga hiện đại vẫn còn lạ lẫm với không ít khán giả Việt Nam. Song, tiếng cười, tiếng xuýt xoa, hay ánh mắt hồi hộp, thích thú, sợ hãi… của khán giả chứng tỏ, phim đương đại của Nga bước đầu chinh phục được các khán giả Việt Nam.

Khán giả đã khác xưa và bản thân điện ảnh cũng thay đổi. Đó không đơn thuần là bước ngoặt, mà là sự phát triển mang tính kế thừa. Chúng tôi, những nhà làm phim hiện đại của Nga, có trách nhiệm tiếp tục phát triển nền điện ảnh mà các thế hệ nhà làm phim đi trước đã gây dựng.

PV: Khán giả Nga đón nhận phim trong nước như thế nào? Ở Nga có chuyện phải vận động khán giả tới rạp để “cứu” phim của các nhà làm phim trong nước không, khi mà ngày nay phim “lậu” bị tải lên internet một cách quá nhanh chóng. Đó là chưa kể tới sự cạnh tranh khốc liệt giành khán giả giữa các nền điện ảnh khác trên thế giới?

PA: Dĩ nhiên, điện ảnh Nga cũng có những giai đoạn khó khăn nhất định và cũng không phải bộ phim Nga hiện đại nào cũng đạt chất lượng tốt. Giới trẻ Nga cũng bị hấp dẫn bởi các bộ phim toàn cầu, như các phim về siêu anh hùng của Mỹ, hay phim của các nước phương Tây khác. Những năm gần đây, tại Nga, phim do các nhà làm phim trong nước sản xuất chiếm hơn 20% thị phần ở các rạp. Đặc biệt, trong ba tháng đầu năm 2018, phim trong nước thậm chí còn chiếm tới gần 50% thị phần. Đó là một con số không hề nhỏ và tôi tự hào về điều đó.

Đạo diễn Philipp Abryutin: “Chúng tôi cũng đầu tư cho những thể loại mới với ngân sách rất lớn, cho cả phim chiếu rạp và phim truyền hình trên các kênh quốc gia. Tuy nhiên, một bộ phim hay, thu hút được khán giả không phụ thuộc vào thể loại hay ngân sách đầu tư. Có quá nhiều yếu tố để định lượng một bộ phim thành công hay là không, từ đề tài, cách khai thác chất liệu, cải biên từ các tác phẩm văn học… Tựu trung lại, đề tài được khán giả Nga quan tâm nhất vẫn là về câu chuyện của những người bình dị quanh ta và những vấn đề thường nhật mà họ phải đối mặt”.