Tích cực phòng, chống dịch tại các điểm thờ tự

Những ngày qua, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và ngành văn hóa về việc dừng, giảm quy mô các lễ hội, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, tại các địa bàn cơ sở, hoạt động lễ bái, thắp hương tại đình, chùa, đền… cũng được chính quyền địa phương tăng cường bảo đảm vệ sinh, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. GS, TS, NGƯT Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp, Khoa Sau đại học, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia chia sẻ với Thời Nay về vấn đề này.

Tích cực phòng, chống dịch tại các điểm thờ tự

Phóng viên (PV): Theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh hiện nay, cần hạn chế việc tập trung đông người. Theo GS, làm thế nào để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, cũng như đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa của người dân?

GS Bùi Quang Thanh (BQT): Từ truyền thống, người Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt và thực hành văn hóa tâm linh, coi lễ hội hay các không gian thờ tự là không gian thiêng để từ đó thể hiện tâm tư, tình cảm, cũng như thực hiện các hành vi văn hóa hướng tới đạo lý mang tính truyền thống của cộng đồng quốc gia đa dân tộc là “Uống nước - Nhớ nguồn”, tri ân và tưởng nhớ những người có công với làng xóm, với dân, với nước nói chung. Các hoạt động lễ hội, tâm linh, hoạt động du lịch, có liên quan đến đông đảo người dân trong cộng đồng. Các định hướng, chỉ đạo của các cơ quan chức năng về việc phòng, chống dịch trong thời gian qua là cần thiết và đang phát huy hiệu quả. Theo đó, thì đã tạm dừng tổ chức hoặc yêu cầu có những biện pháp cụ thể, tùy theo quy mô và điều kiện từng địa phương trong quá trình đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, văn hóa mang tính cộng đồng. Yêu cầu cao nhất tại mỗi không gian hay hoạt động tín ngưỡng, văn hóa đó là thực hiện các chỉ dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Những ngày qua, có thể thấy, quần chúng đều ủng hộ và tuân thủ.

Trao đổi trực tiếp và gián tiếp với khá nhiều người dân cũng như cán bộ quản lý văn hóa ở nhiều địa phương, tôi được biết, cộng đồng tuyệt đại đa số đều cho rằng, việc tránh tổ chức sinh hoạt văn hóa đông người là hết sức cần thiết.

Tích cực phòng, chống dịch tại các điểm thờ tự ảnh 1

Người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết để phòng dịch Covid-19. Ảnh: MINH KHIẾU

PV: Ba tháng xuân là thời gian tập trung nhiều lễ hội, cũng như các hoạt động lễ bái, lên đình, chùa thắp hương tại các địa bàn dân cư. Theo GS, cần tiếp tục định hướng và theo dõi như thế nào?

BQT: Với các lễ hội dân gian, có thể có những cấp độ thực hành khác nhau, từ hạn chế đông người tham gia thực hành lễ hội, đến phạm vi/cấp độ hẹp hơn là chỉ tổ chức thực hành hình thức nghi lễ tại không gian thiêng, do đại diện cộng đồng cùng Ban khánh tiết hay Ban quản lý di tích tín ngưỡng thực hiện. Như vậy, sẽ tạo nên sự hài hòa giữa nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một địa bàn dân chúng nhất định, lại đồng thời tuân thủ các khuyến cáo về giữ gìn vệ sinh, giao tiếp trong dân chúng.

PV: Hiện nay, ở các di tích, các điểm thờ tự, dù không đông nhưng vẫn có người dân đến thắp hương. Theo GS, làm thế nào để nâng cao ý thức phòng, tránh dịch trong cộng đồng lẫn các lực lượng chức năng ở địa bàn cơ sở?

BQT: Theo tôi về thực tiễn vẫn đã và đang diễn ra này, cần phải hướng đến ba đối tượng:

Trước hết là, tập trung các hình thức tuyên truyền cho người dân, qua nhận thức của mình phải có ý thức tuân thủ các chỉ dẫn, khuyến cáo của các bộ phận chuyên môn, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và thông qua những người có tri thức hiểu biết trong phạm vi gia đình, dòng họ và rộng hơn là thôn xóm, xã hội.

Thứ hai là, đội ngũ chính quyền các cấp, phải thực hiện tốt việc cung cấp cơ sở vật chất phòng, chống dịch bệnh trong khả năng cho phép, theo đúng luật định; thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kịp thời các địa bàn có nơi thờ tự, có di tích phục vụ thực hành tâm linh, lễ hội… Đồng thời, có các biện pháp ứng phó theo các kịch bản, chủ động trong phạm vi nguồn lực, nhân lực của địa phương. Bên cạnh đó, cần nghiêm trị những kẻ lợi dụng tung tin giả, phá hoại hoặc quấy rối đời sống cộng đồng.

Thứ ba là, bộ phận quản lý tại các di tích tín ngưỡng, các ban khánh tiết, các nhà quản lý văn hóa của từng địa bàn cụ thể phải đặt lợi ích vận mệnh cộng đồng lên trên hết, thường xuyên theo dõi, khuyến cáo người dân đến hành lễ chấp hành các nội quy, quy chế cơ sở thờ tự nói riêng và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, khuyến cáo được ban hành từ các cấp, góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức cho người dân địa phương cũng như du khách nói chung.

PV: Trân trọng cảm ơn GS!