PGS Nguyễn Lân Cường - Nhạc và khảo cổ trong một

PGS Nguyễn Lân Cường được biết đến là nhà cổ nhân học nổi tiếng. Nhưng ông còn là nhạc sĩ, đã thành lập và chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony từ hơn 10 năm nay. Các tác phẩm của ông ghi dấu kỷ niệm những chuyến đi, bám sát các đề tài thời sự và còn có một mảng sáng tác thú vị dành cho thiếu nhi… Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với nhà cổ nhân học - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường về hai niềm đam mê đồng hành cùng ông đã hơn 60 năm.

Buổi ra mắt sách Nhật ký trên khóa sol của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.
Buổi ra mắt sách Nhật ký trên khóa sol của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ mối cộng cảm trong mình giữa nghề khảo cổ học vất vả, khô khan, tỉ mỉ với những cảm hứng bay bổng khi sáng tác âm nhạc?
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (NLC):
Tôi được học nhạc khá sớm, từ khi 10 tuổi, sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959, lúc đó tôi mới 18 tuổi. Sau đó (từ năm 1965) tôi mới vào nghề khảo cổ. Rồi âm nhạc và khảo cổ học cứ song hành trong cuộc đời nay đã 80 tuổi của tôi. 

Tôi đi công tác nhiều, đến những vùng xa vùng sâu, đã gặp nhiều hoàn cảnh của con người, đã chứng kiến nhiều sự việc, sự kiện. Những điều đó gây cho tôi nhiều xúc động. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để tôi viết nhạc. Những kỷ niệm trên các chặng đường công tác lại trở về trong các ca khúc của tôi và đó cũng là lý do tôi chọn đặt tên cho cuốn sách mới nhất của mình là “Nhật ký trên khóa sol” mới ra mắt độc giả.

Cũng từ các chuyến công tác, tôi cố gắng chuyển cảm xúc, suy nghĩ với cảnh, với người vào các tác phẩm. Chẳng hạn, tôi đã vào bản Đắc Mế (xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) hẻo lánh ở gần ngã ba biên giới Việt - Lào - Cam-pu-chia và gặp một em nhỏ người dân tộc Brâu ở đó. Tôi hỏi em: “Lớn lên cháu thích làm nghề gì?”. Em bé trả lời rất tự nhiên: “Con chỉ muốn làm cô giáo. Buôn làng con khổ lắm, các cô giáo lên rồi lại về. Chúng con không có cô giáo, toàn các thầy bộ đội dạy thôi. Lớn lên con sẽ làm cô giáo để về dạy chữ cho buôn làng con”. Tôi cũng đã lên một bản rất xa xôi ở vùng Tây Bắc, gặp một em bé H’Mông, em cũng nói là “Không có cô giáo, chỉ toàn bộ đội dạy chúng con”. Tôi rất xúc động và đã chọn chủ đề đó để sáng tác các ca khúc “Con thích làm nghề gì” (ca khúc này được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”. Hoặc bản hợp xướng ba chương “Bài ca địa chất” tôi viết cũng vì thấy sự đồng cảm giữa nghề địa chất và nghề khảo cổ - cùng vất vả với đất, cùng vui sướng khi có những phát hiện từ (dưới) đất… Những chuyến công tác đã sinh ra nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác nhiều tác phẩm. 

Với các đề tài về xã hội, tôi thấy mình có trách nhiệm không chỉ với vai trò của một người làm khoa học mà còn là trách nhiệm và tình cảm chia sẻ của một người hoạt động âm nhạc.  Vì thế tôi luôn theo dõi tình hình thời sự và xúc cảm âm nhạc của tôi cũng theo dòng thời sự đó. Chỉ nêu một chuyện, trong cuộc chống dịch Covid-19, gia đình tôi có đến 9 người làm nghề y cùng tham gia chống dịch. Tôi ở gần và hiểu những nỗi vất vả của họ, thông cảm và đồng cảm với họ. Nhìn vào người thân của mình cũng biết  các bác sĩ khác vất vả bội phần thế nào. Chính vì thế khi gặp bài thơ của anh Vũ Tuấn tôi đã rất xúc động phổ nhạc thành ca khúc “Nếu chiều nay anh không về” chỉ trong ba tiếng đồng hồ và bài hát này đã nhanh chóng được thu âm và phát. Tôi nhận được rất nhiều lời hồi đáp, động viên của bạn xem truyền hình, rất cảm động. Còn có người gửi cho tôi tiền, có người tặng tôi cả một chiếc camera. Tôi lại có thêm phương tiện để làm phỏng vấn (tư liệu) các nhạc sĩ lão thành… (cười).

PV: Mảng sáng tác về thiếu nhi đã được ông dành nhiều tình cảm, tâm huyết và đã có nhiều thành công. Ông có thể chia sẻ với độc giả những điều gì đã làm nên thành công đó và cả những ý hướng mà ông muốn chia sẻ với các nhạc sĩ viết cho thiếu nhi.

NLC: Tôi thấy viết cho thiếu nhi rất khó. Các em thiếu nhi trong sáng và rất công bằng. Bài nào hay thì chúng hát, bài nào dở thì chúng không hát. Phải viết làm sao cho thật trong trẻo, hồn nhiên để chúng thích thú thì chúng mới hát. Tôi cố gắng nói lời của trẻ em, nhìn như trẻ em, suy nghĩ như trẻ em. Có lẽ vì thế mà bài hát “Đèn đỏ dừng lại đèn xanh mới đi” của tôi được giải cao nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong cuộc thi sáng tác bài hát về chủ đề an toàn giao thông - không hẳn là vì nhạc mà chủ yếu là vì ý tưởng và đối tượng hướng đến. Tôi đã chứng kiến một em bé ngồi phía sau phê bình bố sao lại vượt đèn đỏ không như lời cô giáo dạy “đèn đỏ dừng lại, đèn vàng chuẩn bị, đèn xanh mới đi”. Từ lời và ý của em bé, tôi sáng tác bài này rất nhanh và đã thành công.

Tôi còn thấy thời nay bài hát hay cho thiếu nhi ít quá và hiện tượng trẻ em hát bài người lớn lại khá nhiều, cả trên truyền hình. Tôi cũng đã nói chuyện với các nhạc sĩ chú ý tới vấn đề đó. Chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho mảng đề tài này. Đề tài thiếu nhi không thiếu, chỉ có điều khi sáng tác cho thiếu nhi thì mình phải là bạn của thiếu nhi, tâm tình với thiếu nhi. Đôi khi cần quên cái vai trò nhạc sĩ của mình đi…

Tôi cũng nghĩ nhiều đến việc giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi. Ý tưởng đưa âm nhạc dân tộc vào dạy trong các trường phổ thông tôi đã nghĩ từ lâu và cũng có những nhạc sĩ đã cùng đồng hành với ý tưởng đó. Thật vô lý khi trong phần dạy nhạc của chúng ta dân ca các nước khác lại nhiều hơn dân ca nước mình… Và chúng ta cần thay đổi dần điều này.

PV: Nhạc sĩ có thể tiết lộ một chút về những dự định công việc trong tương lai của mình?

NLC: Tôi còn nhiều việc lắm… Còn ba cuốn sách phải hoàn thành “bằng mọi giá” (cười): “Bộ xương nói với bạn điều gì?”, cuốn thứ hai sẽ tổng kết những công trình tôi đã nghiên cứu về cổ nhân học và cuốn thứ ba là “Đi tìm bí mật những ngôi mộ cổ”. Về nhạc, tôi còn phải hoàn thành ba chương hợp xướng về danh nhân Nguyễn Trãi. Đó là những việc lớn, ngoài ra những việc thường xuyên của Hội (Hội Khảo cổ học Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội) tôi vẫn phải làm bình thường, tôi còn phải dạy các em trong dàn hợp xướng Hanoi Harmony các chủ nhật hằng tuần nữa…

PV: Cảm ơn PGS - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường! Chúc ông dồi dào sức khỏe!