NSƯT Tiến Hợi cố vấn cho NSƯT Mạnh Thắng vào vai Bác Hồ

Chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vở chèo “Biên giới mùa thu ấy” của TS Trần Đình Ngôn do Nhà hát Chèo Hải Dương đang được tích cực hoàn thiện dàn dựng. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ, NSƯT Kim Hoàn, (ảnh dưới) Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương và cũng là nhạc sĩ của vở chèo này.

Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

Phóng viên (PV): Đề nghị nhạc sĩ giới thiệu bối cảnh của tác phẩm này?

Nhạc sĩ, NSƯT Kim Hoàn (KH): Vở chèo lấy bối cảnh sự kiện mùa thu năm 1950, khi quân đội ta đang chuẩn bị tiến hành giải phóng các tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Khi đó, Bác Hồ đã tới thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, dân công hỏa tuyến. Bác tham gia bàn bạc, hoạch định kế hoạch tác chiến với Bộ Chỉ huy chiến dịch, cùng bộ đội hành quân lên biên giới, trực tiếp chỉ huy chiến đấu… Sự hiện diện của Bác đã cổ vũ, tạo nên sức mạnh thần kỳ quyết định tới thắng lợi toàn diện của Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950, mở ra thời kỳ mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

PV: Đã có nhiều vở chèo về Bác Hồ được dàn dựng và công diễn, nhà hát làm gì để tạo ra nét riêng, hấp dẫn với khán giả trong vở chèo này?

KH: Lâu nay, nhà hát thường dàn dựng những vở chèo mang đề tài dân gian, lịch sử, dã sử. Khi bắt tay vào dàn dựng vở chèo “Biên giới mùa thu ấy” với đề tài chiến tranh cách mạng mang phong cách sử thi, có nhiều khác biệt về cách thể hiện lời thoại, phong cách và tiết tấu biểu diễn. Đây là sự thay đổi không hề dễ dàng và khá mất thời gian với mỗi cá nhân. Thế nhưng, được dàn dựng một vở chèo về hình tượng Bác Hồ là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời làm nghề của mỗi nghệ sĩ. Anh chị em nghệ sĩ, diễn viên đã miệt mài luyện tập từng lời thoại, động tác, bài ca, khúc nhạc…

PV: Dựng chèo về Bác Hồ là một thử thách không nhỏ với bất kỳ nhà hát nào?

KH: Lãnh đạo Nhà hát và ban chuyên môn phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều. Trong số các gương mặt nghệ sĩ ở Nhà hát thì NSƯT Trương Mạnh Thắng có lợi thế hơn cả, bởi anh là nghệ sĩ lâu năm, đã có kinh nghiệm diễn xuất vào vai các danh nhân như Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Huyền Quang Tôn Giả… Mạnh Thắng có chất giọng trầm ấm, truyền cảm, có vóc dáng khá giống với Bác Hồ và đặc biệt anh có niềm đam mê, nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc. May mắn là NSƯT Tiến Hợi, người vào vai Bác Hồ thành công nhất, đã nhận lời làm cố vấn hình tượng Bác cho vở diễn này.

PV: Trong một vở chèo bên cạnh việc diễn xuất thì âm nhạc cũng đóng phần rất quan trọng. Hẳn ông cũng ý thức được vinh dự đầy thử thách này?

KH: Đây là cơ hội đặc biệt trong đời làm nghệ thuật của mình. Sau quá trình nghiên cứu kịch bản, tôi đã bắt tay vào sáng tác nhạc nền, ca khúc. Từ quá trình thẩm thấu nội dung kịch bản, tôi đã lựa chọn một số giai điệu chèo truyền thống làm mạch nguồn để phát triển thành những bài ca, khúc nhạc, tạo nên những điểm nhấn về cảm xúc để hỗ trợ cho diễn xuất, nối kết những lớp trò và góp phần làm đậm nét hơn chủ đề của vở.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc vở diễn đến với đông đảo khán giả!