TÁC GIẢ “NGƯỜI CÔNG GIÁO CỘNG SẢN”:

Noi gương cha để rèn luyện

Kính trọng và ngưỡng mộ người cha của mình - Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 - 1967), tác giả Trần Việt Trung đã viết nên cuốn tiểu thuyết “Người công giáo cộng sản”, được NXB Văn học ấn hành. Cuốn sách vừa ra mắt tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Tác giả đã chia sẻ về quá trình viết tác phẩm đặc biệt này.

Tác giả Trần Việt Trung ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: HỮU VIỆT
Tác giả Trần Việt Trung ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: HỮU VIỆT

Phóng viên (PV): Trong bảy năm qua, ông đã hoàn thành bốn cuốn sách dày dặn, mà mỗi cuốn lại nhận được sự chú ý của dư luận, trong đó có giới nhà văn. Với cuốn tiểu thuyết dày đến hơn 600 trang này, hẳn là phải có sự thôi thúc nào đó? 

Tác giả Trần Việt Trung (TVT): Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp, để viết được như các anh chị chuyên nghiệp thì còn xa. Nhớ lại hai cuốn sách trước, một cuốn về người thầy dạy võ, một cuốn về người thầy dạy nghề thuốc, tôi thấy đó chỉ là sự chia sẻ những điều thực tế mình đã được tiếp nhận, trải nghiệm, nhận biết về các người thầy. Và bởi không xác định theo nghề viết chuyên nghiệp nên tôi viết một cách rất thoải mái, không bị đòi hỏi, băn khoăn về các yếu tố như ngôn ngữ, thủ pháp… 

Đến cuốn sách này, thì tôi có cảm nghĩ rằng, con người ta sinh ra từ tinh cha, huyết mẹ, trong người hẳn phải được truyền lại phần nào phẩm chất của cha mẹ. Bản thân tôi dường như có được cái tính cương cường, cứng cỏi mà các cụ lưu lại cho. Vì thế mà có lần người bạn công tác ở nhà xuất bản của Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) hỏi: Ông đã viết về những người thầy rồi, bút lực đang rất mạnh, sao ông không viết về cha mình? Câu hỏi chạm đến vấn đề lịch sử, một con người của lịch sử và trách nhiệm của những người có liên quan, có thông tin và có trách nhiệm phải kể lại. Tôi đáp quả quyết, anh ra đề, vậy tôi sẽ giải! 

Noi gương cha để rèn luyện -0
 

PV: Quay ngược lại thời gian  hơn nửa thế kỷ trước với rất nhiều những sự kiện lịch sử chấn động, những nhân vật lịch sử lớn, những diễn biến đặc biệt trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Đó có phải là thách thức với một người như ông vừa tự nhận không phải là cây bút chuyên nghiệp?  

TVT: Cá nhân tôi nghĩ không làm thì thôi, đã làm thì phải nghiên cứu, tìm hiểu cho đến nơi đến chốn. Đã cầm bút thì phải có trách nhiệm. Tôi đã bàn với các anh, chị trong nhà và bắt tay vào thực hiện với sự theo dõi, đồng hành của cả đại gia đình. Đó là cả một quá trình nhìn lại những diễn biến chung và riêng từ gần một thế kỷ trước, khai thác tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng để tôi có thể hoàn thành bản thảo còn dài hơn 600 trang sách in này, trong thời gian từ năm 2015 đến đầu năm 2017. Cho nên, có những điều mà chúng tôi chờ thời gian thích hợp sẽ công bố tiếp về cha tôi. 

PV: Năm xưa, khi tướng Trần Tử Bình qua đời, ông mới có tám tuổi, ấn tượng với người cha có thể chỉ ở chừng mực nhất định. Sau này để viết, ông có quá trình nghiên cứu, tích lũy, chuẩn bị công phu, dĩ nhiên rồi, nhưng liệu còn có những yếu tố dẫn dắt nào nữa chăng?

TVT: Thật sự khi viết cuốn này, tôi gặp những tình huống không như những cuốn trước. Với tư cách một tác giả, tôi cố gắng tách bạch, không để mình vào vai trò người con viết về cha, về mẹ mình, mà là một người cầm bút viết về những nhân vật trong cuộc đời. Nhưng quả thật, khó có thể nào thoát khỏi những ảnh hưởng nào đó của người con mang theo trong mình ký ức, kỷ niệm, khí chất của cha mẹ. 

Có những chi tiết tưởng ngẫu nhiên nhưng như có gì đó liên hệ với nhau. Thí dụ, khi tôi viết về một sự việc nào đó trong quá khứ liên quan đến cha, thì lúc tôi viết xong gần như trùng với thời điểm diễn ra sự việc đó, chỉ khác về năm. Hoặc có những ngẫu nhiên kỳ lạ, như khi tôi viết về thời điểm cha tôi là ủy viên công giáo xử vụ án Trần Dụ Châu tham ô. Trần Dụ Châu bị tội tử hình. Bỗng nhiên có người gọi điện thoại cho tôi, thông báo, rằng có một nhân chứng đã kể lại khi đó cha tôi - ông Trần Tử Bình đã bố trí hai nhạc công chơi bản Khúc nhạc buồn của Sô-panh tiễn Trần Dụ Châu ra pháp trường, bởi Trần Dụ Châu là người mê âm nhạc. Chi tiết thể hiện sự nhân văn khi ông phải làm cái việc đau đớn với người từng là đồng đội mình. Và tôi đã đưa vào cuốn sách chi tiết rất “đắt” ấy.

PV: Vừa là võ sư, lương y, lại là doanh nhân với rất nhiều công việc mỗi ngày. Vậy ông viết vào lúc nào, công việc có ảnh hưởng gì đến việc viết của ông không?

TVT: Công việc kinh doanh hiện tại của tôi rất bề bộn, có những giai đoạn hệ thống của chúng tôi phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày. Còn nghề y với tôi là một nghề tương đối thoải mái nhưng bốc thuốc, trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho con người, nên bản thân tôi luôn nhắc mình không bao giờ được hời hợt. Về nghiệp võ, tôi nghĩ võ là khí phách, là linh hồn con người Việt trong cuộc đấu tranh giữ nước, chúng ta đã thực hành nó để bảo vệ đất nước của mình. Cha tôi cũng là người theo nghiệp võ, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã sống, chiến đấu đầy khí phách, chúng tôi phải tiếp tục rèn luyện theo những gì mà người đi trước đã dấn thân, dâng hiến. 

Thực tế và những suy nghĩ đó khiến tôi càng thấy mình phải trân trọng, duy trì những công việc đang làm để điều hòa với việc viết lách. Với tâm thế như vậy, tôi rất thoải mái. Thường sau giấc ngủ dài, tôi pha ấm trà, ngồi viết trong một trạng thái tương đối dồn nén, khi đó chữ nghĩa cứ như tràn ra theo mạch viết của mình. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông! Mong ông tiếp tục có những tác phẩm mới!

Là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (được phong tháng 1-1948), Thiếu tướng Trần Tử Bình từng lãnh đạo cuộc nổi dậy của công nhân đồn điền cao-su Phú Riềng 1930, là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia chỉ huy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội tháng 8-1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông từng là  Phó Giám đốc, Chính ủy Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (1950 - 1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (1956 - 1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1959 - 1967).