Nguyễn Nhược Pháp có nhiều hơn bài thơ “Chùa Hương”

Tìm lại di sản của người xưa là công việc vô cùng nhọc nhằn, đòi hỏi ở người sưu tầm một đam mê và lòng kiên trì bền bỉ. Vừa qua, cuốn sách “Hoa một mùa” (NXB Phụ nữ, 2018) là tập hợp toàn bộ các sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch và phê bình văn học bằng tiếng Pháp của Nguyễn Nhược Pháp đã trình làng, tạo nên sự bất ngờ và thích thú với bạn đọc. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Lân Bình (trong ảnh) - người biên soạn cuốn sách.

Nguyễn Nhược Pháp có nhiều hơn bài thơ “Chùa Hương”

Phóng viên (PV): Là người biên soạn cuốn sách, xin ông cho biết những ấp ủ muốn gửi tới bạn đọc?

Ông Nguyễn Lân Bình (NLB): Đáng tiếc rằng bên cạnh tác phẩm bất hủ là bài thơ “Chùa Hương” mà Nguyễn Nhược Pháp sáng tác lúc 22 tuổi (1932), hầu như lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ 20 đã không đề cập đến những sáng tác khác của ông trong lĩnh vực thơ mới, chứ chưa nói đến các thể loại khác như truyện ngắn, kịch và phê bình. Đó là lý do sâu xa đẩy tôi đến quyết tâm, phải cố gắng sưu tầm và tổng hợp những di cảo của ông.

Tôi đã lặng người khi lần đầu tiên cầm cuốn sách trên tay ngày 8-10-2018. Có quá nhiều lý do để tôi xúc động, nhưng cái lý do lớn nhất, đó là sách đã ra đúng tháng giỗ lần thứ 80 của nhà thơ. Tôi tin rằng, nhất định các bạn cũng sẽ có cơ hội để biết cái cảm giác đắt giá như thế nào khi cầm cuốn sách trên tay, vì tôi là kẻ may mắn, quá một lần được chứng kiến những cảm xúc của nhiều người khi nhận được cuốn sách.

PV: Ông được nghe các cụ kể lại về Nguyễn Nhược Pháp thế nào? Những chi tiết nào gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong ông?

NLB: Trong gia tộc hay gia đình đông con, đông cháu nào cũng vậy, việc tiếp cận, lĩnh hội những giai thoại, những câu chuyện kể của các bậc cha chú rất khác nhau. Riêng với tôi, khi được chứng kiến các bác tôi, cha và chú tôi (đều là con cụ bà cả Nguyễn Văn Vĩnh) mỗi lần nhắc đến Nguyễn Nhược Pháp, tất cả mọi người đều gọi giống nhau là: anh Pháp!

Khi tôi xâu chuỗi những câu chuyện về Nguyễn Nhược Pháp, và phải khẳng định: Từ lúc còn rất ít tuổi, trong quan hệ gia đình, Nguyễn Nhược Pháp luôn thể hiện tính đầu đàn, vai trò thủ lĩnh với sự ứng xử thông minh và đa dạng trước các tình huống, mà như thế, gọi ông là anh có lẽ là đương nhiên!

Nguyễn Nhược Pháp có nhiều hơn bài thơ “Chùa Hương” ảnh 1

PV: Nguyễn Nhược Pháp được biết đến là nhà thơ và nổi tiếng nhất là bài thơ Chùa Hương đã được phổ nhạc. Nhìn vào khối lượng các sáng tác của tác giả “Chùa Hương” với ba truyện ngắn, sáu vở kịch và 10 bài phê bình văn học bằng tiếng Pháp mới thấy sức lao động của Nguyễn Nhược Pháp thật đáng nể. Trong quá trình biên soạn toàn bộ những tư liệu này, ông đã gặp được những thuận lợi và vấp phải những khó khăn, trở ngại gì?

NLB: Xin thưa, nếu thuận lợi đã có rất nhiều người làm rồi, không đến lượt tôi. Nhưng nói là khó khăn, thì điều đó cũng không hẳn. Chỉ có điều, riêng với tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ có điều gì là dễ, nếu muốn thực hiện cho thật chất lượng và chuẩn mực.

Tuy nhiên, cái thuận lợi căn bản nhất khi làm công việc này, đó là tôi thấy quá lạ về một người trẻ như thế, mà giỏi như thế, khi thông qua tác phẩm “Chùa Hương”. Thật sẽ rất dài để chúng ta bình luận về cái tài của Nguyễn Nhược Pháp, khi ông đã đưa được cả một mảng cuộc sống văn hóa của người Việt dưới góc nhìn sinh động và lạc quan vào bài thơ của mình. Chính cái xuất sắc đó của Nguyễn Nhược Pháp, đã khích lệ tôi rất nhiều.

PV: Trong kế hoạch của mình, ông có tiếp tục xây dựng Tủ sách tinh hoa của gia tộc mình như với cuốn “Hoa một mùa” này không?

NLB: Đương nhiên, là tôi sẽ tiếp tục việc cho ra đời những cuốn sách tiếp theo của những người thân trong gia đình chúng tôi, chừng nào tôi còn tỉnh táo. Tôi nuôi hy vọng, sẽ làm được một cuốn sách có các tác phẩm của ba người anh của Nguyễn Nhược Pháp là bác sĩ Nguyễn Hải (1901), họa sĩ Nguyễn Giang (1904), và kĩ sư Nguyễn Dương (1913), để công chúng có cơ hội hiểu thêm, về thế nào là môi sinh văn hóa mà Nguyễn Văn Vĩnh đã tạo ra cho các con mình đầu thế kỷ 20.

PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

Ông Nguyễn Lân Bình: Vào những năm tháng các bác, các chú của tôi còn khỏe mạnh, người nào cũng đem trong lòng sự kính nể, sự hãnh diện về một người bố xuất chúng, giỏi giang và người anh tài hoa mà xấu số của mình vô hạn. Nhờ cái tâm thế này, mà những người em của Nguyễn Nhược Pháp như Nguyễn Phổ (1917), Nguyễn Kỳ (1918), Nguyễn Thị Mười (1919), Nguyễn Hồ (1923) đã dốc lòng đi sưu tầm những di cảo của bố và anh trai đem về cất giữ. Những năm 80 cực kỳ khó khăn và đói nghèo, hai ông Phổ và Kỳ, đã phải giật gấu vá vai, gom góp từng đồng để chi phí cho việc tìm tòi, sao chép tư liệu.