“Mắt trùng khơi” - Mắt của tình người

Vẫn chủ đề xuyên suốt là biển đảo và người lính, chỉ ba tháng sau khi tập sách “Nơi đầu sóng” (NXB Văn học, 2019) được phát hành, nhóm tác giả Trần Thành - Lữ Mai tiếp tục xuất bản tác phẩm mới “Mắt trùng khơi”. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với kỹ sư Trần Thành về những điều đặc biệt phía sau tác phẩm.

“Mắt trùng khơi” - Mắt của tình người

Phóng viên (PV): Thưa anh, vì sao trong một thời gian ngắn, nhóm tác giả lại quyết định in hai tập sách?

Kỹ sư Trần Thành (TT): Chuyện về biển đảo quê hương thì kể mãi không hết. Trong quá trình xuất bản tập sách “Nơi đầu sóng”, có những câu chuyện chúng tôi đã viết mà chưa đưa vào tập. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy cuối năm sẽ có những chuyến tàu tặng quà, chúc Tết các chiến sĩ nơi hải đảo nên quyết định xuất bản “Mắt trùng khơi” làm món quà xuân tặng các anh. Thời điểm đó cũng đúng dịp chào mừng 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019).

PV: Cùng chủ đề biển đảo, vậy “Mắt trùng khơi” có điểm gì khác “Nơi đầu sóng”?

TT: Dù là mạch tiếp nối các câu chuyện của “Nơi đầu sóng” nhưng tác phẩm chúng tôi đề cập nhiều đến con người, số phận… Không chỉ có những người ở nơi tiền tiêu đang làm nhiệm vụ giữ biển, mà nơi đất liền cũng có rất nhiều số phận, cuộc đời đang chung nhịp với biển đảo. Họ là những người cha, người mẹ, người vợ sống trong đợi chờ; những người con bao năm đi học thiếu người bố đưa đến trường; những người cần mẫn làm nhiệm vụ nối đất liền với biển đảo là các thủy thủ can trường; những lực lượng trông giữ “mắt biển” là hải đăng, ra-đa… Đó là những con người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Mắt trùng khơi” - Mắt của tình người ảnh 1

PV: Vậy câu chuyện và hình ảnh nào để lại trong anh nhiều ấn tượng?

TT: Kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là những ánh mắt ở nơi cầu cảng. Tôi luôn dành thời gian quan sát và chụp rất nhiều ảnh chủ đề đó. Có những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng, lặng lẽ nhìn mà khoảng cách cứ xa dần khi tàu rời bến; có ánh mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mình sắp đặt chân lên; cũng những ánh mắt đó lại bịn rịn, bần thần khi hoàn thành nhiệm vụ, rời đảo về đất liền, xa rồi đấy mà vẫn chan chứa yêu thương; rồi những cặp mắt hòa trong cặp mắt khi con tàu chuẩn bị cập mạn về đất liền, chưa nắm được tay nhau đâu mà sao người trên tàu và người dưới cảng lại gần gũi đến thế... Hay như hình ảnh con tàu 521 khi ngang qua bình minh, tôi nhìn thấy chính trị viên Quách Minh Phú đứng trên ca-bin, giơ tay chào. Chúng tôi đã ở mười mấy ngày với nhau, tâm sự, giãi bày và hứa hẹn rất nhiều nhưng lúc chia tay, chưa biết khi nào sẽ gặp lại. Các anh lênh đênh trên biển, lúc nào cũng có nhiệm vụ trên vai… Tàu vượt mép xanh, ngang qua một vùng sáng huy hoàng, thuần khiết, muốn nhìn rõ tàu, chỉ có thể qua ống kính tele. Tôi thấy người lính ấy dõi mãi về phía đảo. Thế mới biết, chốn khơi xa, người ra đi và ở lại, cảm xúc rưng rưng đến thế nào khi sợi dây kết nối mong manh đang dần khuất. Rất nhiều những hình ảnh như thế chúng tôi đưa vào cuốn sách. Đó đều là những kỷ niệm đẹp đẽ và đã từ khá lâu rồi, giờ vẫn hiện hữu trong tôi, sống động, rõ nét… bởi nó thấm đẫm tình người.

PV: Trong quá trình xuất bản, phát hành sách, nhóm tác giả đã nhận được sự hỗ trợ thế nào từ các cá nhân, tổ chức trong xã hội?

TT: Chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ. Có những cá nhân, đơn vị ủng hộ kinh phí xuất bản ngay từ khi bản thảo mới hình thành. Nhiều cá nhân khác cũng rất nhiệt tình, như họa sĩ vẽ bìa, người góp ý nội dung, anh em hải quân tham gia chia sẻ hồi ức... Đặc biệt nhất vẫn là độc giả, những người đã đọc cuốn “Nơi đầu sóng” đã tiếp tục động viên, khích lệ chúng tôi, nhiều người đồng hành trong việc mua sách tặng bộ đội ngoài đảo đợt Tết này.

PV: Vậy còn khó khăn trong quá trình làm sách?

TT: Về nội dung, chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm tính khách quan trung thực, còn nghệ thuật cũng cần hài hòa, đạt yếu tố văn học. Từ khi xây dựng đề cương sách đến lúc hoàn thiện bản thảo, chúng tôi luôn đau đáu với từng con chữ, trở đi trở lại với những hình ảnh, hình tượng. Đời sống bộ đội hải quân thì giản dị lắm, nhưng lại rất giàu cảm xúc bởi ở đó thấm đẫm tình người với tinh thần hy sinh cao cả. Tôi tiếc rằng năng lực, tầm nhìn mình có hạn nên chưa thể diễn đạt thật trọn vẹn những gì vốn có.

PV: Xin cảm ơn anh!

Kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành sinh năm 1973, đã tám lần đến với Trường Sa và là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ứng dụng thử nghiệm. Anh chia sẻ: Sau khi “Nơi đầu sóng” phát hành, chúng tôi nhận được nhiều kết nối từ bộ đội. Có người từng quen biết trong những lần đến với biển đảo, có cả người chỉ gặp nhau qua sách. Những người lính truyền nhiều động lực cho chúng tôi thực hiện cuốn sách tiếp theo. Qua sách vở, họ không chỉ gần gũi chúng tôi hơn mà còn chia sẻ thêm được với nhiều đồng đội khác...