NSND Thái Bảo

Luôn hát về Bác với niềm xúc động chân thành

NSND Thái Bảo đã gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng. Nhưng với chị, “Thăm bến Nhà Rồng” chính là ca khúc để lại nhiều hồi ức, kỷ niệm đáng nhớ nhất. Hướng đến ngày lễ trọng đại kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, NSND Thái Bảo đã cùng với người bạn của mình là đạo diễn NSND Việt Hương thực hiện MV “Thăm bến Nhà Rồng”.

Luôn hát về Bác với niềm xúc động chân thành

Phóng viên (PV): Suốt gần 40 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên chị làm MV, và lại là một MV thể hiện ca khúc về Bác Hồ. Chị có thể chia sẻ với công chúng về điều này?

NSND Thái Bảo (TB): Vì nhiều lý do khác nhau mà tôi chưa từng tổ chức một liveshow, và cũng chưa từng làm MV nào. Gần đây người bạn của tôi, đạo diễn NSND Việt Hương có chia sẻ là cô ấy muốn cùng tôi làm MV về một ca khúc gắn liền với tên tuổi của tôi, vừa là để tri ân khán giả, vừa để lưu giữ lại những đóng góp tôi đã cống hiến trong sự nghiệp của mình. Sau những đắn đo, tôi quyết định làm MV ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”. Tôi muốn làm MV một ca khúc về Bác Hồ vì trong trái tim tôi, Bác luôn giữ vị trí thiêng liêng và khi hát các ca khúc về Bác tôi luôn có một cảm xúc đặc biệt.

PV: Gần 30 năm trước chị đã giành giải thưởng cao nhất trong Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”. Bản thu âm ca khúc này của chị cũng đã được nhiều thế hệ khán giả thuộc nằm lòng. Vậy trong MV sắp phát hành, ca khúc sẽ được phối khí ra sao để lớp khán giả cũ vẫn thấy thân quen và các khán giả trẻ hôm nay thích thú đón nhận?

TB: Nói thật đối với tôi đau đầu nhất là câu chuyện phối khí cho một ca khúc quen thuộc như “Thăm bến Nhà Rồng”. Chắc chắn tôi không thể dùng bản phối cũ, dù cho đó là một bản phối hay đến đâu. Tôi muốn thổi vào ca khúc tinh thần của hôm nay, để làm sao các bạn trẻ khi nghe ca khúc vẫn cảm nhận được sâu sắc các giá trị tư tưởng của tác phẩm nhưng vẫn cảm thấy có chút gì gần gũi với thời đại họ đang sống. Tôi chỉ đóng vai trò như một người kể chuyện, dẫn dắt để câu chuyện tìm đường cứu nước của Bác Hồ sẽ được thẩm thấu qua nhiều lớp khán giả.

Và tôi chọn nhạc sĩ trẻ Lưu Hà An phối khí cho ca khúc này. Ban đầu Lưu Hà An thấy khó. Không phải cậu ấy không làm được một bản phối mới, mà tác phẩm này, cùng với giọng hát của tôi, trên nền phối khí của nghệ sĩ Nguyễn Chín mấy chục năm trước đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả, không dễ để một bản phối mới có thể vượt qua những ấn tượng đó. Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục Lưu Hà An và cuối cùng cậu ấy cũng nhận lời viết bản phối mới cho tôi với điều kiện nếu tôi thấy hay thì sử dụng không thì… bỏ qua. Lưu Hà An là một nhạc sĩ phối khí hàng đầu hiện nay nhưng cậu ấy cũng là một người vô cùng khiêm tốn. Cậu ấy hiểu được rằng với một ca khúc “đóng đinh” vào tình cảm khán giả như “Thăm bến Nhà Rồng” thì việc sáng tạo một bản phối mới vượt qua bản phối cũ không hề đơn giản. Tuy nhiên, khi nhận bản phối của Lưu Hà An, tôi đã phải thốt lên, hay như thế này thì tôi có thể hát đi hát lại cả trăm lần. Lưu Hà An là người rất thông minh khi biết lấy một chút dư âm của bản phối cũ làm nền để chuyển tâm lý cho người nghe dẫn vào một bản phối hiện đại cho ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”. Tôi tin rằng khi MV ra mắt, cả khán giả lớn tuổi và khán giả trẻ đều sẽ thấy thú vị.

PV: Từ khi ra đời đến nay đã hơn 30 năm, nhiều thế hệ ca sĩ đã hát ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”, nhưng người nghe vẫn nhắc tên chị gắn liền với ca khúc như một sự không thể thay thế. Chị cảm thấy như thế nào về điều này?

TB: Trong nghệ thuật có yếu tố định mệnh, hay hiểu đơn giản hơn là cái duyên của mỗi người mỗi thời điểm họ xuất hiện. Tôi cho rằng không phải mình tài giỏi hơn người khác, mà chỉ là tôi may mắn được là ca sĩ hát ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” đầu tiên, khi nhạc sĩ Trần Hoàn mới sáng tác xong. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng chính là người đã chỉ dạy cho tôi cách thể hiện ca khúc đó sao cho đúng với tinh thần của ông nhất. Rồi NSND Thái Ly dạy tôi cách nhả chữ hát sao cho vẫn đúng tiếng phổ thông để ai cũng nghe được, lại đậm hơi hướng Nam Bộ vì ca khúc là nỗi lòng mong chờ Bác của người miền nam. Cái may mắn nữa chính là tôi được sinh ra trên mảnh đất Nghệ An, quê hương yêu dấu của Bác Hồ. Cha tôi ngày xưa lại phụ trách Bảo tàng Kim Liên, nơi cất giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng về cuộc đời của Bác. Từ nhỏ tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện hay về tuổi thơ cũng như những năm tháng đi tìm đường cứu nước của Bác, vì vậy trong lòng tôi luôn sẵn đấy một tình cảm kính yêu với Người. Có lẽ bởi tất cả những điều đó mà mỗi khi biểu diễn một ca khúc về Bác tôi luôn hát với một sự xúc động chân thành, bằng cả trái tim và tâm hồn của mình.

PV: Xin cảm ơn NSND Thái Bảo về cuộc trò chuyện.