Lạc quan về nhạc cổ điển ở môi trường trong nước

Sau thời gian tu nghiệp ở Ru-ma-ni, nghệ sĩ - tiến sĩ chuyên ngành Cello Đinh Hoài Xuân đã trở về nước và có nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô vẫn say mê thực hiện dự án “Một triệu bàn tay chạm tới Cello” vào năm 2020. Trong thời gian này, Đinh Hoài Xuân cùng lúc ra mắt các sản phẩm âm nhạc cổ điển: Album “Ja vstretil vas” (Em gặp anh), album “Salut d’Amour” (Xin chào tình yêu), Video âm nhạc đen trắng cổ điển “Giọt nước mắt của Jaccqueline”. 

Lạc quan về nhạc cổ điển ở môi trường trong nước

Phóng viên (PV): Nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển sau khi du học sẽ ở lại nước ngoài định cư, đơn giản là bởi nơi ấy có nhiều điều kiện để phát triển con đường nghệ thuật. Tại sao chị lại quay về?

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân (ĐHX): Tôi nghĩ nếu bản thân tự tạo con đường cho mình thì dù ở đâu cũng có thể phát triển được, theo cách này hay cách khác. Về nước, tôi vừa thực hiện các dự án quốc tế của mình đồng thời hướng bản thân ra thế giới, tìm nét giao thoa giữa âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều này giúp khán giả trong nước tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc cổ điển, còn khán giả quốc tế yêu mến hơn các làn điệu truyền thống của dân tộc ta. Đó là hướng đi của tôi. Với môi trường trong nước, tôi cũng có thể làm được nhiều điều như mang âm nhạc cổ điển và cây đàn Cello đến tiếp cận thế hệ học sinh, sinh viên ở nhiều vùng miền thông qua dự án “Một triệu bàn tay chạm Cello”, thường xuyên mời các nghệ sĩ quốc tế cùng biểu diễn trong chuỗi hòa nhạc “Cello Fundamento concerts” tại Việt Nam.

PV: Có những nhận định cho rằng, điều kiện các nhà hát và môi trường trong nước chưa thuận lợi với nghệ sĩ nhạc cổ điển, chị nghĩ sao?

ĐHX: Tôi thấy môi trường âm nhạc và những điều kiện khác nói chung thì còn thiệt thòi nhiều cho các nghệ sĩ nhạc cổ điển. Nhưng âm nhạc cổ điển vẫn luôn có dòng chảy bền bỉ, sâu sắc trong lòng khán giả và đặc biệt ngày càng có chiều hướng phát triển tích cực với những gương mặt trẻ tài năng đầy tâm huyết đang quyết tâm cống hiến cho âm nhạc cổ điển nước nhà. Một tín hiệu đáng mừng nữa, lượng khán giả ngày càng nhiều hơn, vốn am hiểu ngày càng sâu rộng hơn. Tôi nhìn thấy điều tích cực nhiều hơn về âm nhạc cổ điển đang diễn ra. 

PV: Chị gặp thuận lợi và khó khăn gì khi hoạt động nghệ thuật trong nước?

ĐHX: Khó khăn thì nhiều lắm nhưng bản thân tôi đã chọn theo con đường của riêng mình nên khó cũng phải tự mình tìm ra cách giải quyết. Tôi hiện không giảng dạy hoặc công tác ở đơn vị nào, bởi tôi nghĩ rằng mỗi nghệ sĩ có một cách cống hiến riêng. Tôi chọn cách tự vẽ ra con đường bằng các dự án do mình sáng lập và cố gắng đi đến cùng với các dự án đó. Các dự án đều mang tính lâu dài đi cùng cả cuộc đời sự nghiệp. Thuận lợi là tôi đang được sống và làm việc ngay trên quê hương mình, điều này cho tôi động lực tinh thần lớn lao lắm. 

PV: Dịch Covid-19 có thể còn chưa kiểm soát được, chị chia sẻ gì về những giải pháp để nghệ sĩ được hoạt động nghề nghiệp?

ĐHX: Có tình yêu thì hoàn cảnh nào cũng có thể nở hoa được. Cảm giác đứng trước hàng trăm khán giả biểu diễn thì tuyệt vời, lâng lâng không gì sánh được, nhưng khi buộc phải tạm ngưng, đó chính là lúc bản thân tôi lấy thời gian ấy để tập luyện chuyên sâu hơn, để trình độ ngày càng được rèn giũa, âm nhạc ngày càng tinh tế... Mọi thứ sẽ như chiếc lò xo, càng được nén thì khi bung ra lực càng lớn. Tôi cũng tự học cách thích nghi hoàn cảnh, cách hòa vào dòng chảy âm nhạc số bằng các dự án chuyển đổi số mà trên thế giới đã áp dụng đến độ thành công lớn. Nếu nghệ sĩ cổ điển ở Việt Nam không áp dụng sớm thì khả năng bị tụt lùi lại phía sau là điều chắc chắn. 

PV: Ngoài biểu diễn, chị có kế hoạch gì về truyền dạy kiến thức và thực hành nhạc cổ điển tới thế hệ tương lai? 

ĐHX: Tôi vẫn tập luyện để ra sản phẩm, ra album, thực hiện các dự án lan tỏa đến cộng đồng, nếu truyền được thêm cảm hứng phấn đấu cho các bạn trẻ thì đó là điều rất nên làm. Còn giảng dạy có lẽ để sau, lúc tôi có nhiều thời gian hơn bởi không ai làm được nhiều việc cùng lúc. Mỗi giai đoạn tôi tập trung cho một việc cụ thể và toàn tâm toàn ý thực hiện nó mới được. 

PV: Ngoài âm nhạc, chị còn trở thành đại sứ bảo vệ môi trường. Cụ thể sẽ có những chương trình, hành động gì để lan tỏa thông điệp đó, nhất là sự kết hợp với âm nhạc?

ĐHX: Khi nhận lời cộng tác cùng tMonitor và giám đốc trẻ tuổi tài năng Vũ Hải Nam, tôi biết rằng đây là việc ý nghĩa, lan tỏa, bởi tôi quan niệm “bảo vệ môi trường chính là bảo vệ những gì thân yêu nhất của chúng ta”. Chúng tôi sẽ bắt tay thực hiện nhiều hoạt động đến cộng đồng, cụ thể bằng chương trình nhạc cổ điển vì môi trường dự kiến tổ chức tại Huế trong năm nay. Bên cạnh đó, truyền thông điệp tới thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên cũng là mục đích tôi hướng đến. Được sống và hít thở trong một môi trường an toàn, sạch đẹp rồi nghe những bản nhạc bất hủ kinh điển của nhân loại, đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?

PV: Cảm ơn nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân về cuộc trò chuyện!

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân tốt nghiệp thủ khoa Học viện Âm nhạc Huế. Cô học hệ thạc sĩ biểu diễn Violon Cello tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhận học bổng tiến sĩ của hai Chính phủ Việt Nam và Ru-ma-ni chuyên ngành biểu diễn Cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bu-ca-rét. Năm 2019, Đinh Hoài Xuân về nước với tấm bằng tiến sĩ Cello đầu tiên tại Việt Nam. Vừa qua, tác phẩm “Khúc phiêu du một đời” do cô biểu diễn sau khi phát hành trên nền tảng số quốc tế đã lọt top đầu trong bảng xếp hạng của kênh Apple iTunes.