Kích cầu du lịch cần hướng tới tổng thể

Tuy chưa mở cửa đón khách quốc tế nhưng ngành du lịch đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực khi hàng loạt các hoạt động kích cầu du lịch được triển khai rộng khắp trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Dư luận đang tiếp tục quan tâm đến vấn đề này, thậm chí có cả nghi ngờ về hiệu quả chưa như mong muốn. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam chia sẻ với Thời Nay.

Kích cầu du lịch cần hướng tới tổng thể

Phóng viên (PV): Gần đây có luồng dư luận cho rằng, việc kích cầu giá rẻ không đem lại lợi ích cho du lịch như mong muốn. Là người tích cực tham gia hoạt động này quan điểm của ông như thế nào?

Ông Vũ Thế Bình (VTB): Việc kích cầu là để tất cả mọi người cùng vào cuộc, làm sống lại các hoạt động kinh tế, không phải lấy lợi ích kinh tế lên trên hết mà phải lấy không khí hoạt động để đẩy mọi thứ lên. Đã là kích cầu không nói đến quyền lợi nữa. Đã vất vả rồi thì cố thêm chút nữa, đến khi đông khách rồi trở lại nhịp độ bình thường thì kinh doanh trở lại. Nếu không làm gì, chỉ ngồi chờ kinh doanh trở lại thì có khi không kịp duy trì đến khi hết dịch. Kích cầu để đem lại lợi ích cho mọi người thì phải là lợi ích cho tổng thể cả nền kinh tế chứ không phải lợi ích cho cá nhân. Hiểu kích cầu thì phải rõ như thế.

Mục tiêu của kích cầu là làm mọi thứ hoạt động trơn tru trở lại chứ không phải là đóng băng, khởi động vận hành cả bộ máy cùng hoạt động, chứ không phải chỉ là động tác. Người du lịch đến một vùng nào đó người ta tiêu pha một chút khiến cho lực lượng phục vụ du lịch ở khu vực đó bắt đầu trỗi dậy, đi trồng rau, nuôi gà vịt… thì cuộc sống trở lại bình thường. Kích cầu làm sống lại các hoạt động bình thường vốn đang bị trầm lắng, hiệu quả là quá trình chứ không phải là nay kích cầu mai có tiền ngay, tiền kích cầu không phải là tiền để nuôi dưỡng một người mà là tiền để nuôi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn. Nhiều người đòi mở kích cầu là phải có tiền ngay, nếu thế không ai đến với họ cả.

Kích cầu du lịch cần hướng tới tổng thể -0
Khách du lịch tham quan cồn Thới Sơn (Tiền Giang). Ảnh: ANH QUÂN 

PV: Có nhận định rằng du lịch khủng hoảng mới chỉ là ban đầu, tình trạng này sẽ kéo dài và đặc biệt nghiêm trọng trong vài tháng tới?

VTB: Ai cũng có quyền nhận định, dự đoán. Có người bi quan, người tích cực, còn chúng ta phải cố gắng cân bằng. Rõ ràng là sẽ khó khăn, còn khó khăn. Nhưng không thể nào cứ than là còn khổ lắm, còn gay go lắm. Ngồi thu lu một chỗ rồi than vãn thì sao có thể thay đổi gì được. 

PV: Ông có nhận định như thế nào về những đổi thay của ngành công nghiệp không khói sau một thời gian ngắn triển khai các hoạt động kích cầu du lịch?

VTB: Nhiều người lao động đi làm lại rất vui. Nhiều người lao động trong ngành du lịch đều chia sẻ với người chủ để cùng nhau làm sống lại hoạt động du lịch. Nhiều người không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần đi làm. Thậm chí nhiều khách sạn người lao động đến làm chưa có tiền lương mà chỉ được ăn một bữa trưa, nhưng người ta vẫn đến, vẫn làm. Khi cả khách sạn đèn sáng, mọi người làm việc tấp nập sẽ đem tới cho du khách cảm giác an toàn. Mà an toàn thì họ sẽ đến, đó là cái quan trọng mà ngành du lịch cần. Còn theo tôi nếu cứ đóng cửa im ỉm chẳng có hoạt động gì thì chẳng khách nào dám đến. 

PV: Liệu việc giảm giá trong các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch sẽ khiến mọi chi phí được giảm tới mức tối thiểu như vậy liệu có làm triệt tiêu nhiều dịch vụ mà đáng lẽ du khách được hưởng và nên hưởng?

VTB: Quan điểm này chỉ dành cho các việc buôn bán đơn thuần chứ không phải kích cầu. “Nhịn miệng đãi khách” - các cụ đã dạy từ hàng nghìn năm qua một câu đơn giản như thế, không thể lấy lợi ích của mình lên trên, mà lợi ích của khách phải đặt lên trên hết thì mới sống được. Hiểu theo cách chỉ lo cho mình thôi là chưa đúng về kích cầu du lịch.

PV: Xin cảm ơn ông!