Họa sĩ Phạm Hà Hải:

Khi nhu cầu sáng tác ngập tâm trí

Thuộc thế hệ 7X, họa sĩ Phạm Hà Hải (trong ảnh) được nhiều người biết đến. Trong những ngày này, anh đang ở nhà hoàn thiện chuỗi tác phẩm mang tựa đề Nhật ký mùa.

Khi nhu cầu sáng tác ngập tâm trí

Phóng viên (PV): Những ngày này ở nhà phòng dịch, anh vẽ gì?

Họa sĩ Phạm Hà Hải (PHH): Tôi may mắn có xưởng họa nằm ngay tại nhà, nên mọi sinh hoạt trong những ngày này không ảnh hưởng đến công việc. Lúc này, tôi vẫn đang vẽ chuỗi Nhật ký mùa, bắt đầu từ 2019 và dự kiến cuối năm nay mới có thể khép lại.

PV: Anh có thể chia sẻ lý do khi đang công tác lại xin nghỉ để chuyên tâm cho hội họa?

PHH: Năm 2005, tôi vào làm công việc hành chính. Thời gian đó các con tôi còn nhỏ, đã khiến công việc sáng tác bị chi phối và ngắt quãng liên tục. Đã hai lần chuyển nhà ở và tám lần chuyển xưởng vẽ, mà việc thuê xưởng vẽ rất bị động và không được chỉnh trang theo thẩm mỹ của mình. Tôi có một định hướng phải là nhà ở và xưởng vẽ cùng nhau để mình có sự ổn định làm việc và không gian đủ điều kiện vẽ. Sau bốn năm quyết tâm tôi đã đạt được mục tiêu này vừa đúng lúc các con đủ lớn, không cần nhiều sự chăm sóc trực tiếp từ mình nữa. Và vì thế, quyết định ra hoạt động tự do với tôi lúc này là rất nhẹ nhàng.

Khi nhu cầu sáng tác ngập tâm trí ảnh 1

Một bức minh họa của họa sĩ Phạm Hà Hải.

PV: Trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, cảm giác của anh như thế nào?

PHH: Là họa sĩ chuyên nghiệp, với cá nhân tôi là sung sướng nhất, hài lòng nhất. Những bước ngoặt trong hơn 20 năm qua kể từ khi ra trường có thể hiểu rằng đời sống con người cùng đời sống sáng tác có liên quan đến nhau. Khi bạn phải làm “những việc khác” có nghĩa là tâm trí bạn dành cho mạch sáng tác bị giảm đi và nếu cứ liên tục bị ngắt quãng hoặc kéo dài thì rất nguy hiểm. Trong thâm tâm bạn đặt sự nghiệp của mình là sáng tác thì bạn luôn phải tự đấu tranh, giành giật để trở lại ngay “chỗ của mình” sau khi hoàn thành cái công việc kia. Tôi đã bị như vậy trong 20 năm, dù cố gắng mấy bạn cũng thấy rõ đời sống ấy chỉ là tạm, khi nhu cầu sáng tác ngập tâm trí bạn thì bạn cũng không làm việc khác thật tốt được. Thậm chí gần đây tôi dễ dàng từ chối những công việc trả lương rất cao bởi tôi đã mất khá lâu để giờ đây được sống đời sống mình muốn, hằng ngày với đời sống sáng tác cá nhân mình.

PV: Anh còn được biết tới là họa sĩ vẽ minh họa trên sách báo văn nghệ. Công việc này đến với anh như thế nào?

PHH: Tôi bắt đầu vẽ minh họa cho các báo, tạp chí văn nghệ đã 15 năm nay. Lần đầu là cho tờ Văn nghệ do họa sĩ Thành Chương mời, khi ấy họa sĩ Thành Chương sắp nghỉ hưu (năm 2005). Tôi yêu thích minh họa - trong khi tôi rất chán khi thấy rất nhiều tranh hội họa của ta sáng tác với chất lượng minh họa. Khi minh họa, tôi rất tôn trọng văn bản nên luôn đọc kỹ và tư duy tạo hình cho nó. Thường thì vẽ là được ngay nhưng cũng có một số lần không ưng, một số lần phải vẽ bức thứ hai, thứ ba mới ưng. Ban đầu tôi không đặt vấn đề minh họa là mảng lớn gì trong sự nghiệp mà đơn giản là thích, đến bây giờ vẫn thích, có cơ hội xin làm mà được làm là vui lắm, thậm chí không để ý nhuận bút từ minh họa, không có cũng vẫn vui. Tôi muốn vẽ cho mọi người xem, cho bạn đọc thấy tôi nghĩ gì khi tiếp xúc văn bản ấy.

PV: Việc vẽ minh họa bổ sung hay chi phối cảm hứng, thời gian sáng tác của anh?

PHH: Cũng không chiếm nhiều thời gian, tôi đọc nhanh và có khi phát hiện ra ngay chi tiết để vẽ. Phải nói rất thật là văn học dịch do được tuyển chọn giới thiệu nên phần lớn là tác phẩm hay và ở đó những áng văn thật lấp lánh, tầng lớp mầu sắc và sự tưởng tượng, mà đó là điều chưa nhiều trong các truyện ngắn trong nước. Tuy nhiên, qua những văn bản ấy, tôi biết cuộc sống chung quanh, cả những câu chuyện lịch sử qua lăng kính nhà văn... Tôi không lấy minh họa như phác thảo cho sáng tác vì sáng tác là mạch tư duy riêng của tôi về thiên nhiên phương Đông, về những liên hệ tạo hình và thẩm mỹ cá nhân mình, nhưng minh họa đôi lúc chợt cho mình nhận ra những chi tiết biểu cảm, những xúc cảm thẩm mỹ chất liệu mà mình lại nhặt nó ra và triển khai hoàn chỉnh trong sáng tác. Có khi, bạn nghề bảo phát triển nó thành tranh đi hoặc bảo thành tranh rồi còn gì, mình chỉ tâm niệm là minh họa cũng để dành cho công chúng, và như thế luôn cần tận lực, tận tâm mình.

PV: Theo anh, thế nào là một minh họa đẹp?

PHH: Minh họa đẹp là đồng hành với văn bản bằng đôi cánh tạo hình.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ!