Khi lòng đã đủ đầy để chìm sâu cùng trang viết

Từng nhận giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2014, từ đó đến nay, nhà văn Bùi Tiểu Quyên luôn là cây viết năng nổ của phương nam. Mới đây, chị lại ra mắt độc giả cuốn sách thứ 8, là tập tản văn “Sông có bao giờ thẳng” (NXB Phụ nữ). Thời Nay có cuộc trò chuyện với chị.

Khi lòng đã đủ đầy để chìm sâu cùng trang viết

Phóng viên (PV): Từ tập truyện đầu tay “Đi ngược chiều thương” năm 2008, 5 năm trở lại đây năm nào chị cũng có tác phẩm mới. Bên trong Bùi Tiểu Quyên mảnh dẻ là một sức làm việc đáng nể!

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (BTQ): Tôi hay nói vui với bạn bè rằng tôi cũng… manly lắm, mà chẳng ai tin. Vẻ ngoài mảnh dẻ như bạn nói khiến tôi gặp không ít hiểu lầm, cả vui lẫn không vui. Tôi nghĩ yếu sức khác với yếu đuối, với những phần việc mà tôi thích, thường tôi không bao giờ thấy mệt. Cứ chú tâm hoàn thành mọi thứ, sau đó mình có… kiệt sức nằm chèo queo mệt lả cũng không sao cả (cười).

Tôi nghĩ, nếu không làm việc thì con người ta mới trở nên lười suy nghĩ, ít vận động, dễ sinh bệnh tật. Dạo trước, tôi luôn nghĩ công việc là quan trọng nhất. Trong những năm tháng đó, tôi rất sợ mình lãng phí thời gian, sợ tuổi trẻ qua nhanh mà mình chưa kịp làm được những việc mình yêu thích, đến được những nơi mình mong muốn. Cứ mải miết như thế, tôi thấy mình cũng như một con tàu lao qua thời gian. Cho đến khi con tàu ấy đỗ xịch vào sân ga, thì mới giật mình: à, hóa ra là đến ga tuổi già mất rồi.

PV: Độc giả đã nhận diện một Bùi Tiểu Quyên ở truyện ngắn, từ nhẹ nhàng, da diết thời kỳ đầu đến ma mị, ám ảnh trong “Cỏ đồi phương đông” và “Cỏ lau vạn dặm”, rồi Tiểu Quyên ở thể loại tản văn với những thổn thức cùng ký ức và chiêm nghiệm trăn trở với thực tại. Sắp tới độc giả sẽ thấy một Tiểu Quyên với tiểu thuyết hay truyện dài chăng?

BTQ: Sau mỗi tác phẩm được ra mắt, trong đầu tôi lại thường trực có vài ba tựa sách… chuẩn bị viết. Kỳ lạ thế! Nhưng tôi cũng không đặt áp lực lên bản thân là “phải” viết cái này hay cái kia, mà là nghe theo tiếng nói bên trong mình. Rằng: “mình muốn viết gì tiếp?”. Câu hỏi đó được trả lời bằng chính bản thảo tác phẩm - đó là những gì tôi tin rằng lòng mình đã đầy, đủ để ngồi xuống với trang viết và chìm sâu cùng nó. Ngày trước hay nghĩ đến những khái niệm “nấc thang, chinh phục”, nhưng khi biết sống chậm lại thì sẽ thấy “làm điều có ý nghĩa, yên tĩnh” là được rồi.

Khi lòng đã đủ đầy để chìm sâu cùng trang viết ảnh 1

PV: Còn Bùi Tiểu Quyên với những bài báo về chân dung các nhà văn nữa, rất tình và rất riêng. Hoàn toàn có thể sẽ thành một đầu sách mới?

BTQ: Tôi sẽ không nghĩ đến điều đó nếu như chưa có NXB nào “nhắc nhẹ” rằng Quyên chuẩn bị bản thảo đầy đủ về chân dung các nhà văn đi, họ sẽ in (cười). Bạn biết sao không? Vì tôi thấy mình còn nhiều dự định quá, thậm chí là đang giữ lời hứa gửi bản thảo trong năm nay với một đơn vị làm sách. Cho nên cứ phải ngẫm nghĩ, cứ phải tâm tư và lặng lẽ thực hiện. Bài viết về chân dung các nhà văn, thi thoảng tôi vẫn chia sẻ trên facebook, bạn đọc nếu quan tâm hoàn toàn có thể theo dõi.

PV: Vừa viết văn, vừa làm báo, lại theo mảng sách, chị nhìn nhận như thế nào về tình hình văn chương hiện nay, đặc biệt là với các cây viết trẻ?

BTQ: Có thời gian tôi đọc rất nhiều sách tản văn của bạn viết trẻ, sau đó đọc rất nhiều sách du ký, rồi một loạt sách truyền cảm hứng, bên cạnh đó là tự truyện khởi nghiệp… Nhiều đến mức mà tôi nghĩ, bạn đọc trẻ đang được “bơi” trong dòng sách viết cho tuổi mình. Đa dạng, dễ hiểu, truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh bản thân… Đó là điều thật đáng khích lệ với thói quen đọc, nói to tát hơn là văn hóa đọc.

Nhưng, trong thâm tâm tôi vẫn tìm dõi theo những ngòi bút chọn văn chương là đường dài. Mà số đó thì cũng không nhiều. Người viết trẻ hãy cứ viết những gì họ thao thức, thích viết. Nhưng trên đường dài, mong rằng các cây viết trẻ và bạn đọc không để mất dấu nhau.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị!