Nhiếp ảnh gia Lê Bích:

Hợp duyên với làng quê Bắc Bộ

Miệt mài chụp ảnh làng quê Việt Nam với những nghề thủ công truyền thống, những lễ hội cùng hệ thống đình, chùa, cây đa, giếng nước đến nay, sau hơn 10 năm, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã tìm cho mình một lối đi riêng, được nhiều người nhớ tới như một sứ giả tôn vinh văn hóa Việt.

Hợp duyên với làng quê Bắc Bộ

Phóng viên (PV): Anh đã mất bao lâu để chọn được một lối đi trong nhiếp ảnh?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích (LB): Khi còn học phổ thông tôi đã được tiếp xúc với máy ảnh phim từ bố tôi, ông phải chụp ảnh tư liệu để phục vụ cho việc vẽ tranh. Khoảng năm 2005 phong trào nhiếp ảnh nở rộ. Khi đó các diễn đàn ảnh trên mạng bắt đầu có nhiều, mở ra cơ hội chụp ảnh, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Và tôi đã tham gia diễn đàn ảnh photo.com.vn, sau đó trở thành quản trị viên. Ban đầu chỉ là chơi sau thành chuyên. Quyết định khó nhất của tôi lúc đó là nghỉ việc ở một công ty bất động sản để trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Khi mới chụp ảnh tôi chụp rất nhiều thể loại, đề tài. Sau khoảng ba năm, tôi thấy mình hợp với làng quê Bắc Bộ. Có thể đến chụp ảnh ở làng không phải hẹn trước, ai cũng mỉm cười tiếp đón. Thậm chí mời ăn cơm mặc dù chưa quen biết. Sau dần tôi phát hiện thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa, di sản của làng như: lễ hội, đình, chùa, giếng nước… trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ đang bị phai nhạt dần. Nhận ra điều này nên tôi muốn dùng nhiếp ảnh để lưu giữ và chia sẻ những vẻ đẹp lấp lánh của văn hóa di sản vốn đang dần bị che mờ.

Hợp duyên với làng quê Bắc Bộ ảnh 1

Ông Vũ Huy Đông ở làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đang làm mặt nạ giấy bồi. Ảnh: LÊ BÍCH

PV: Khi đi sâu vào các làng nghề, điều anh cảm thấy day dứt nhất là gì?

LB: Dù nhiều nghề đã thất truyền, nhưng đến nay cả nước có hơn 1.800 làng nghề truyền thống với 115 nghề đã được công nhận. Với tôi, đây là một kho tàng tri thức, nghệ thuật vô giá mà cha ông ta đã để lại cho các thế hệ mai sau.

Một làng mà có nghề ngoài nghề nông ra thường thịnh vượng, và quan trọng hơn nó tạo ra một bản sắc văn hóa. Đơn cử như một gia đình có nghề thì nghề sẽ được truyền từ đời trước sang đời sau trong họ tộc, trong đó lại tự phân công lao động, gia đình chuyên cung cấp vật liệu thô, gia đình chuyên làm phần tinh xảo, sau đó có gia đình chuyên phân phối… tất cả hòa quyện với nhau, tôn trọng nhau. Có thể nói làng nghề cũng là một xã hội thu nhỏ tồn tại khá bền vững. Gần đây việc này đang dần bị phá vỡ. Nhiều làng mất nghề, thế hệ trẻ bỏ nghề truyền thống, nghệ nhân giỏi mất đi… đó là điều tôi thấy day dứt.

PV: Trên trang cá nhân của anh gần đây có đưa nhiều hình ảnh về nghề làm đồ chơi Trung thu bằng sắt tây, nghề làm ông tiến sĩ giấy… Vậy theo anh, có cách nào để những món đồ chơi ấy trở lại đời sống nhiều hơn, hấp dẫn trẻ con thời nay hơn?

LB: Có một thời gian dài tôi tìm hiểu và đi chụp các làng nghề làm đồ chơi Trung thu, qua đó được giao tiếp với người xem, lắng nghe tâm sự của các nghệ nhân làm nghề. Cũng khá ngạc nhiên là một số nghề giờ ít ai biết như nghề làm tàu thủy sắt tây, nghề làm khuôn bánh Trung thu, nghề làm phỗng đất… Qua đó tôi thấy công tác truyền thông cần chú ý nhiều hơn về làng nghề truyền thống. Thêm vào đó cần có nhiều doanh nghiệp, nhà thiết kế… chung sức vực dậy làng nghề. Vừa rồi tôi có dẫn một nhóm bạn trẻ về khảo sát bốn làng nghề đồ chơi Trung thu truyền thống để các bạn có thể thiết kế ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống mang hồn cốt của đồ chơi Trung thu.

PV: Gần đây thấy anh còn hướng dẫn chụp ảnh cho các bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh?

LB: Đúng vậy. Hiện tôi có dạy thêm nhiếp ảnh cho các bạn trẻ ở độ tuổi 15 đến 18. Tôi muốn thử phương pháp mới là dạy cảm thụ nghệ thuật rồi ứng dụng vào nhiếp ảnh. Thí dụ đưa các bạn trẻ xem tranh ở bảo tàng để có cảm nhận về mầu sắc, bố cục sau đó khi ra thiên nhiên sẽ tìm thấy những khoảnh khắc tương đồng. Tôi muốn tạo cho các em góc nhìn về cuộc sống và từ đó sẽ xác định góc máy như cách tôi đã và đang làm.

PV: Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Bích!

Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972, tại Hà Nội. Sau 13 năm đến với nhiếp ảnh, anh đã có nhiều triển lãm cá nhân như: “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội”, “Làng nghề đón Xuân”, “Làng nghề truyền thống Việt Nam”, “Những người giữ hồn Trung thu”, “Sắc màu cuộc sống”… Gần đây anh tham gia dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng và viết sách chung với PGS, TS Trịnh Sinh, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa.