Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam:

Hiện thực hóa tầm nhìn cho Hoàng thành Thăng Long

Trong dịp kỷ niệm 10 năm khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị của UNESCO cho khu di sản trong thời gian tới.

Hiện thực hóa tầm nhìn cho Hoàng thành Thăng Long

Phóng viên (PV): Xin ngài cho biết những nhìn nhận của UNESCO với quá trình phát hiện, xây dựng và đệ trình hồ sơ khu di sản để được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa thế giới ngày 31-7-2010? 

Ông Michael Croft: Quá trình phát hiện, nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử và chứng minh khoa học đối với các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản cách đây 10 năm hẳn đã không hề dễ dàng. Công sức, tâm huyết và cả quá trình đó, khi tham chiếu với chính Công ước Di sản thế giới 1972 cho thấy chính xác ý nghĩa và tinh thần của Công ước này, như đã chỉ rõ trong tiên đề lý do ra đời của Công ước này, nhằm “bảo tồn các tài sản độc nhất và không thể thay thế được, mặc dù chúng thuộc về dân tộc nào”. Sự hợp tác của đoàn công tác và các nhà khoa học Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc kịp thời nhận diện và đưa khu di sản này vào khung pháp lý (để) được bảo vệ ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

PV: Xin ông cho biết ý kiến đánh giá của UNESCO về việc thực hiện những khuyến nghị của UNESCO tại khu Di sản Hoàng thành Thăng Long theo Công ước 1972 về việc bảo vệ các di sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia?

Ông Michael Croft: Sau 10 năm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, đến nay Khu Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã là một điển hình mẫu mực ở Việt Nam cho mô hình của một Khu Di sản thế giới gắn với tinh thần của Công ước 1972.

Trên phương diện nghiên cứu bảo tồn, UNESCO đặc biệt đánh giá cao mức độ quan tâm và việc dành nguồn lực, cùng các điều kiện cho phép công tác khai quật khảo cổ học, đối chứng sử học, tư liệu minh văn cùng hàng loạt các nghiên cứu thực địa và so sánh tại khu di sản và tham chiếu quốc tế để làm rõ hơn các căn cứ khoa học và hoàn chỉnh tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di sản sau khi được ghi danh. Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn là các kết quả nghiên cứu khoa học này thường xuyên được giới thiệu rộng rãi với cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế, cũng như giới thiệu với công chúng thông qua hàng chục cuộc trưng bày.

Trên phương diện quản lý, có hai kết quả nổi bật được ghi nhận: Một là quá trình điều phối liên ngành để bảo đảm thực hiện khuyến nghị “nhất thể hóa quản lý”. Để bảo đảm thực thi khuyến nghị này, bên cạnh vai trò và nỗ lực đặc biệt của chính quyền thành phố Hà Nội, có sự đóng góp và hợp tác quan trọng của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan của Chính phủ. Hai là các nhà quản lý di sản đã mở rộng và duy trì hợp tác quốc tế. Chúng tôi vui mừng nhận thấy sau 5 năm đầu tiên thực hiện các dự án hợp tác quốc tế đa phương thông qua UNESCO, các liên kết và hợp tác quốc tế được tiếp nối với hàng loạt các dự án nghiên cứu song phương với các nhà khoa học và các khu di sản của Nhật Bản và Pháp.

PV: Xin ông cho biết, UNESCO có những khuyến nghị nào đối với Di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong tương lai?

Ông Michael Croft: Trong giai đoạn tiếp theo, những thách thức lớn vốn quen thuộc với các khu di sản khác ở Việt Nam như: áp lực dân số, tốc độ đô thị hóa hay rủi ro thiên tai không đến với khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhưng Khu Di sản thế giới này sẽ phải đối diện những thách thức chủ yếu trên ba phương diện chính: Khó khăn khi muốn xác định các dữ liệu và căn cứ khoa học trong quá trình ra quyết định phục hồi một số công trình có ý nghĩa lớn đối với hồ sơ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản; khó khăn khi muốn truyền tải được tới công chúng những giá trị nổi bật toàn cầu mang tính hàn lâm và học thuật cao. Và còn có thách thức trong việc kết nối cộng đồng của một khu di sản vốn có cấu trúc tách biệt với cộng đồng dân cư trong khi chính sách này ngày càng được nhấn mạnh trong các hướng dẫn của UNESCO khi thực hiện Công ước 1972.

Để cân bằng và hóa giải những thách thức đó cần duy trì sự quan tâm và đầu tư nguồn lực ở mức cao nhất cho công tác nghiên cứu, bổ sung các hồ sơ khoa học hiện có, đối chiếu các tư liệu lịch sử, mở rộng các nghiên cứu khảo cổ học và tư liệu hóa; tham vấn khoa học đầy đủ theo Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972. Những hoạt động diễn giải của khu di sản cần sự quan tâm và đầu tư cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và cả hệ thống các phương tiện (kỹ thuật) hỗ trợ, kết hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế sáng tạo, phục dựng và tái hiện các không gian lịch sử văn hóa tại một số điểm thích hợp trong khu di sản và trong môi trường kỹ thuật số.

Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội vừa chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu, Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long có thể đi đầu trong việc tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, tái hiện và kết nối khu di sản với hệ thống “bách nghệ kinh kỳ”, với hơn 1.300 làng nghề và cộng đồng nghề thủ công truyền thống của vùng Hà Nội.

PV: Trân trọng cảm ơn ngài Michael Croft!