Duyên nghiệp viết đến thì phải nhận lấy

Nhà văn trẻ Trúc Thiên, sinh năm 1983, vừa đạt giải nhất cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức, với truyện ngắn “Tràng Phan”. Là tác giả năng nổ, anh cũng vừa ra mắt tập truyện ngắn “Mình gọi nhau là cưng” với giọng văn hoạt, đậm chất đời sống nhưng vẫn rất đỗi óng mượt. Anh có cuộc trò chuyện với Thời Nay.

Duyên nghiệp viết đến thì phải nhận lấy

Phóng viên (PV): Tham dự cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức, anh đã kỳ vọng gì?

Nhà văn trẻ Trúc Thiên (TT): Thật ra tôi tham gia cuộc thi vào giai đoạn cuối, những ngày rất sát với hạn nộp tác phẩm. Ban đầu là vì lời hứa với các bạn viết chơi chung, kiểu như rủ rê nhau cùng thi để có một sự giao lưu, chứ kỳ thực không đặt nặng bất cứ điều gì. Chỉ biết viết hết sức mình. Viết những điều mà mình ấp ủ về đề tài phụ nữ và gia đình.

PV: Vinh dự giành giải nhất cuộc thi, điều đó có ý nghĩa gì đối với anh?

TT: Giải thưởng là một điều bất ngờ không dự lượng được trong suy nghĩ của tôi. Nhưng giải thưởng cũng là một điều tuyệt vời mà tôi có được trong quá trình viết hơn hai năm nay. Nó mang một ý nghĩa rất lớn với một người viết trẻ, cho tôi thêm nhiều động lực để viết. Hơn nữa giải thưởng cũng cho tôi thêm niềm tin khi chọn ngã rẽ cuộc đời đến với nghề viết.

PV: Không ít nhà phê bình cho rằng, chất lượng của một số cuộc thi truyện ngắn hiện đang đi xuống? Anh đánh giá về cuộc thi anh vừa tham dự thế nào?

TT: Chất lượng một cuộc thi nó nằm hai phía, một là thí sinh, hai là phía Ban Giám khảo. Thường các tác giả viết rất mong có những cuộc thi để trau dồi, gặp gỡ và giao lưu, cũng như nhận được đánh giá góp ý của thế hệ đàn anh, bậc tiền bối đi trước. Chính các vị Ban Giám khảo mới là động lực thu hút tác giả đến với cuộc thi. Vì giải thưởng vật chất của các cuộc thi nó chỉ mang tính khích lệ, còn lời nhận xét của Ban Giám khảo đối với các thí sinh mới là điều họ mong mỏi.

Cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” vừa qua, giải thưởng hầu hết với các tác giả đoạt giải vẫn chưa phải là quan tâm hàng đầu, tuy nhiên với tên tuổi của các thành viên Ban Giám khảo đã khiến cuộc thi quy tụ gần 1.500 truyện ngắn từ khắp mọi miền gửi về. Các thí sinh liên tục cập nhật bài được chọn vào vòng trong. Thậm chí tìm đọc về nhau, kết nối với nhau để cùng trao đổi thêm nữa về chuyện viết lách, định hướng với văn chương. Tôi cho rằng thành công của cuộc thi là kết nối và tạo được niềm tin cho một thế hệ tác giả trẻ đang loay hoay như chúng tôi.

PV: Giọng viết của anh đậm đặc chất miền Tây Nam Bộ, tập truyện ngắn “Mình gọi nhau là cưng” cũng vừa ra mắt, anh làm gì để tạo nên sự khác biệt?

TT: Tôi sinh ra và lớn lên chính trên mảnh đất TP Hồ Chí Minh, nhưng cái gốc nội ngoại thì lại từ miền Tây Nam Bộ mà ra. Nên khi viết, hầu như văn phong của tôi đi theo lối viết miền tây. Đặc biệt là các phương ngữ tôi hay sử dụng mang đậm cái chất hào sảng nghĩa tình của dân miệt thứ bưng biền. Tuy nhiên, với tập truyện ngắn “Mình gọi nhau là cưng”, tôi bắt đầu làm mới mình bằng cách viết câu chữ ngắn gọn, mang hơi hướng hiện đại, hoặc tôi dịch chuyển mình khỏi không gian miền tây, tôi thử sức mình ở những không gian khác như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt…, những vùng miền tôi đã đi qua và lưu dấu trong tiềm thức của mình. Ngay cả nhân vật của tôi cũng hiện đại hơn, đề tài và tuyến nhân vật được đào sâu về tâm lý hơn.

PV: Theo anh, mục tiêu viết văn của anh làm gì? Để kiếm sống, thể hiện tư tưởng hay để tìm kiếm sự nổi tiếng?

TT: Ban đầu, tôi viết văn bởi đó là đam mê của mình từ ngày còn nhỏ. Sau này, khi đã va vấp với cuộc sống nhiều, tôi coi viết văn như một cách mình giải tỏa stress trong cuộc sống của mình. Chỉ trên trang viết tôi mới thấy mình an lành và thong dong. Tôi vẫn có một công việc ổn định để trang trải cuộc sống. Tôi lại là một người không mong cầu sự nổi tiếng bởi điều ấy sẽ khiến cuộc sống xáo trộn, cho mình hào quang nhưng sẽ lấy đi sự chân phương của mình. Vậy nên, viết đối với tôi đơn giản là duyên và cũng là nghiệp. Duyên đến mình nhận, nghiệp đến thì mình trả. Miễn đời mình thảnh thơi với những gì mình có được.

PV: Và dù gì đi nữa, chuyện viết lách là công việc nhọc nhằn. Anh có dự định gì sắp tới?

TT: Thật ra, nhiều bạn trẻ đang tập tành viết hay độc giả chưa hình dung hết cái nhọc nhằn của nghề viết. Đôi khi mình sống trọn vẹn cảm xúc cho nhân vật thì mình cũng trĩu trịt tới đôi ba ngày dẫu đã khép tác phẩm lại. Hoặc ngay từ chính trong bản thân mình luôn phải đào sâu các tác phẩm để mình không bị nhàm chán. Mà công đoạn đào sâu thì rã rời đầu óc của tác giả.

Định hướng sắp tới của tôi có thể sẽ là tiểu thuyết hoặc truyện dài. Đây là hai “món” mà lúc bắt đầu viết tôi rất ngán, nhưng bây giờ lại thèm. Phải luôn khám phá điều mới mẻ, thử thách khả năng của mình và không dậm chân tại chỗ. Đó mới là một tác giả có trường sức với văn chương.

PV: Xin cảm ơn Trúc Thiên!