Đừng “bắt” trẻ trở thành họa sĩ tài danh

Là thành viên giám khảo nhiều cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi, đang làm việc ở NXB Kim Đồng - nơi xuất bản nhiều cuốn sách có liên quan tới mỹ thuật, họa sĩ Tô Chiêm (trong ảnh) chia sẻ về tranh và sách cho thiếu nhi khi năm 2019 đang khép lại.

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây thấy anh làm giám khảo nhiều cuộc thi vẽ tranh mà đối tượng tham gia là các em thiếu nhi. Anh có thể chia sẻ một vài nhận xét về tranh thiếu nhi hiện nay?

Họa sĩ Tô Chiêm (TC): Tranh thiếu nhi giờ đẹp hơn và nhiều kỹ thuật hơn thời chúng tôi. Có lẽ do điều kiện tốt hơn và người hướng dẫn các cháu cũng đông đảo và chính quy hơn. Thông tin trên mạng nhiều hơn. Trong năm 2019, tôi có tham gia chấm cuộc thi tranh do tổ chức UNICEP phát động, và cuộc thi của Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức. Cả hai cuộc thi đều có nội dung về môi trường, và có phạm vi toàn quốc. Để tìm ra một vài em xuất sắc phải nói là rất khó, bởi trình độ các em khá đồng đều.

PV: Vậy điều khiến anh bất ngờ khi bước vào thế giới hội họa của các em thiếu nhi hiện nay là gì? Theo anh, cách nào để gìn giữ sự trong trẻo, hồn nhiên của các em đồng thời phát triển được tài năng hội họa của các em?

TC: Việc một cuộc thi vẽ tranh có số lượng các em gửi tranh dự thi lên tới một, hai vạn thật sự là điều đáng mừng. Đây là kết quả của sự quan tâm của gia đình và nhà trường với bộ môn mỹ thuật. Nhưng có một điều tôi gặp khá nhiều trong các cuộc thi, đó là sự lặp lại của một ý tưởng trên rất nhiều tranh của các em. Tìm hiểu thì được biết đó là do những người hướng dẫn đã đưa ra bức tranh mẫu cho các em vẽ theo... Điều này rất không tốt cho các em. Sự hướng dẫn như vậy sẽ làm cho các em mất đi sự sáng tạo trong môn mỹ thuật. Việc học mỹ thuật tại các trung tâm, lớp năng khiếu thường xuyên là rất tốt bởi nó nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật với các em, nhưng đừng đặt trách nhiệm phải là họa sĩ tài danh lên vai trẻ.

Đừng “bắt” trẻ trở thành họa sĩ tài danh ảnh 1

Cần thúc đẩy nhiều hơn các mô hình giúp trẻ làm quen với mỹ thuật.

PV: Còn từ mảng sách có kèm nhiều tranh minh họa của Việt Nam thời gian qua được cho là có nhiều khởi sắc khi các đơn vị xuất bản đầu tư in ấn, và lớp họa sĩ trẻ có những sáng tạo mới. Từ góc độ là người đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, trực tiếp làm sách cho thiếu nhi, anh có thể dẫn chứng rõ hơn, chỉ ra một vài gương mặt họa sĩ vẽ minh họa có dấu ấn?

TC: Chỉ riêng trong một, hai năm vừa rồi, tôi thấy các sách Art book đã được tập trung đầu tư và xuất bản. Không phải nhà xuất bản nào cũng có thể làm Art book vì thể loại này cần một sự đầu tư tài chính rất lớn. Có thể kể một vài nơi đã làm thể loại này thành công, đó là NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, nhà sách Đông A... với những ấn phẩm như “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiện và ác và cổ tích”, “Những nàng công chúa”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”... Nói tới các họa sĩ nổi trội trong lĩnh vực này có thể kể tới Tạ Huy Long, Nguyễn Thành Phong... ở miền bắc, còn ở miền nam có thể nói tới Lê Bích Khoa, Phạm Hoàng Giang, Lý Minh Phúc, Đỗ Thái Thanh... Họ đều đã trưởng thành từ truyện tranh và đã có những người đã vươn tới các thị trường khó tính như châu Âu...

PV: Theo anh trong dòng sách này có điều gì cần căn chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả, thậm chí vươn ra thị trường sách khu vực và thế giới?

TC: Tôi nghĩ các ban biên tập mỹ thuật của các đơn vị xuất bản cần phát hiện thêm những họa sĩ trẻ có khả năng và mạnh dạn giao việc cho họ. Nhưng đừng áp đặt “gu” vẽ bởi thế sẽ làm họ thui chột ngay khả năng và rất dễ trở thành “công nhân mỹ thuật”. Còn một điều nữa mà các họa sĩ trẻ cũng cần phải chú ý đó là xây dựng các “group” (nhóm), đây là điều chúng ta đang rất thiếu... mà các ngành công nghiệp truyện tranh trên thế giới thì lại vô cùng chú trọng.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ Tô Chiêm!