Nhà văn Kiều Bích Hậu:

Con đường dịch thuật đang mở rộng hơn

Bằng những nỗ lực tự thân, nhà văn Kiều Bích Hậu và nhóm cộng sự đang tiếp tục giới thiệu nhiều tác phẩm của tác giả văn học Việt Nam ra in ấn ở nước ngoài và ngược lại. Chị trò chuyện với Thời Nay về những tín hiệu mới trong công việc “đam mê quá mức” nhưng vẫn còn khá đơn độc này.

Nhà văn Kiều Bích Hậu cùng đồng nghiệp nước ngoài trong một chuyến thực tế Hà Nội.
Nhà văn Kiều Bích Hậu cùng đồng nghiệp nước ngoài trong một chuyến thực tế Hà Nội.

Phóng viên (PV): Việc làm cầu nối của chị đang có những tiến triển khả quan. Chị có thể chia sẻ về quá trình này?

Nhà văn Kiều Bích Hậu (KBH): Từ khi viết văn, tôi đã hay tìm hiểu về các nhà văn nước ngoài, nhận thấy rằng sở dĩ tác phẩm của họ được bạn đọc thế giới biết đến nhiều, một phần do có quan hệ tốt với các NXB, các biên tập viên văn học, các đại diện văn học ở nước ngoài. Tôi cũng biết rằng, các tác phẩm văn học đến được với đông đảo bạn đọc trên toàn cầu là nhờ “ông lớn” Amazon. Khoảng năm 2010, tôi đã thầm ước tác phẩm của mình được bán trên mạng Amazon nên đã tìm hiểu các kênh để có thể thực hiện.

Cho đến khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia hội nghị quảng bá văn học và gặp gỡ các bạn nhà văn, các biên tập viên, chủ các NXB, chủ bút các tờ báo, tạp chí nước ngoài, thì tôi chủ động trò chuyện với họ để tìm hiểu đường đi nước bước trong việc đăng và xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài. 

Sau đó, tôi thực hiện cho mình trước, với một số truyện ngắn và tập thơ xuất bản ở nước ngoài vào năm 2019, 2020. Tôi cũng dịch tác phẩm của bạn văn nước ngoài để in báo chí Việt Nam. Sau đó tôi tiến hành cho các bạn văn khác. Tôi cũng trình bày kết quả với lãnh đạo Hội và được ủng hộ trong việc khơi một kênh nhanh chóng và mới mẻ trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Thật ngạc nhiên khi thời gian gần đây, có một số biên tập viên, chủ bút nước ngoài mà tôi chưa bao giờ biết đến, đã qua một cách nào đó, biết đến tôi và chủ động tìm đến tôi và đề nghị gửi tác phẩm của tôi cho họ sử dụng. Tuy nhiên, tôi đã nói với họ rằng ở Việt Nam có nhiều tác giả khác, cũng có tác phẩm rất giá trị và tôi muốn giới thiệu họ, thay vì giới thiệu tác phẩm của một mình tôi mà thôi. Những chủ bút này đồng ý, thế là tôi tổ chức dịch và đưa tác phẩm của bạn văn cho họ. Thật vui khi thấy tác phẩm văn học của Việt Nam được đăng ở các báo chí văn học nước ngoài!

PV: Có thể nhận thấy một số báo, tạp chí văn chương rất “mở” với sự kết nối này. Chị nhận ra ở đó điều gì đáng suy nghĩ?

KBH: Tôi nhận thấy là họ cũng như chúng ta, dành “đất” để giới thiệu các nền văn học trên thế giới. Họ từng giới thiệu nhiều các nền văn học khác, nhưng văn học Việt Nam thì còn ít giới thiệu hoặc chưa bao giờ giới thiệu. Tôi hiểu rằng trước đây chúng ta chưa chủ động kết nối với họ, chứ không phải do tác phẩm của ta ít giá trị. Thực tế là khi tôi gửi tác phẩm văn học Việt Nam cho họ, thì họ đã dịch và cảm nhận tốt về tác phẩm, cho xuất bản ngay.

PV: Một số cảm nhận, phản hồi từ phía đồng nghiệp ở nước ngoài?

KBH: Một dịch giả Hungary nhận xét, lần đầu tiên anh được tiếp cận với tác phẩm văn học Việt Nam, của tác giả Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam và rất xúc động. Trước kia, anh chỉ được tiếp cận các tác phẩm về chiến tranh Việt Nam do người Mỹ viết, thậm chí là người Hàn Quốc viết. Một dịch giả, đồng thời là chủ bút tạp chí văn hóa Romania thì nhận xét rằng, chị rất thích đọc tác phẩm thơ Việt Nam, cảm nhận được tâm hồn người Việt Nam cùng những giá trị nhân văn sâu sắc. Một dịch giả Italia thì đánh giá cao nhạc điệu trong thơ Việt… Họ đều muốn giới thiệu thơ văn Việt Nam ở nước họ, nhất là thơ văn đương đại, để hiểu tâm hồn, văn hóa Việt hôm nay. 

PV: Những điều chị vừa chia sẻ có thể gợi mở ra những dự định gì mới của chị và cộng sự?

KBH: Tôi đã tập hợp được một nhóm các dịch giả Việt Nam, sẵn sàng dịch ngược văn học Việt Nam sang một ngôn ngữ trung gian chính là tiếng Anh và các biên tập  Anh ngữ bản địa giúp hiệu đính bản dịch, để từ đó các dịch giả nước ngoài tiếp tục dịch tác phẩm sang ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và xuất bản ở nước họ. Trước tiên là xuất bản tác phẩm Việt Nam đều đặn trên báo, tạp chí, các trang điện tử chuyên về văn học của nước ngoài. Sau đó sẽ đến việc xuất bản các cuốn sách (tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết…). 

Càng làm, con đường sẽ càng mở rộng hơn. Hiện nay, tôi cũng có điều kiện tốt, đó là tham gia công tác trong Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, nên có thể tiếp cận được với nguồn tác phẩm giá trị trong nước để tổ chức dịch và xuất bản ở nước ngoài.

PV: Chị đã nhận được những khả năng hợp tác của các quỹ hay trung tâm dịch thuật nào chưa?

KBH: Tôi được Hội ủng hộ trong kết nối với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra thì phải tự thân vận động là chính. Một mình tôi làm thì không xuể, tôi đã từng đề nghị các dịch giả Việt Nam có tiếng hợp tác nhưng đều bị từ chối, do họ đã cao tuổi, sức yếu, và quá bận việc. Sau đó, tôi tìm đến các dịch giả mới, trẻ trung hơn, nhiệt huyết, yêu việc dịch văn học và can đảm dành thời gian làm công việc hóc búa này, tuy rằng họ chưa có tên tuổi như các bậc đàn anh.

Tôi có được phía một NXB ở Italia đề nghị làm đại diện cho họ ở Việt Nam. Tôi cũng rất mong tìm được một đơn vị (có thể là tổ chức, quỹ, cá nhân) hỗ trợ. Bởi hiện nay, chúng tôi đều làm việc không có thù lao. Tôi cũng nói với các dịch giả trong nhóm chúng tôi, là chúng ta làm trước hết vì yêu công việc này hơn những việc khác và việc tác giả Việt được đăng tác phẩm trên báo chí nước ngoài là vinh dự của chúng ta. 

PV: Chị có gợi ý, kiến nghị gì cho việc dịch thuật, quảng bá tác phẩm ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung? 

KBH: Hiện nay, các nhà thơ, dịch giả Việt đang tự thân vận động, với sự hỗ trợ tinh thần của Hội Nhà văn Việt Nam, nên kết quả còn chưa được như kỳ vọng. Trong khi các nước khác đã đầu tư rất mạnh vào việc quảng bá văn học. Đơn cử như Malaysia, một nước không hơn chúng ta về điều kiện kinh tế, nhưng họ có viện dịch thuật văn học, mỗi năm đều tổ chức dịch các tác phẩm được giải quốc gia để giới thiệu với văn đàn thế giới. Chúng ta cũng có thể học cách làm của Hàn Quốc, khi riêng Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc mỗi năm đã tổ chức dịch ít nhất 20 đầu sách ra 9 ngôn ngữ mạnh trên thế giới, tổ chức các cuộc thi thẩm bình tác phẩm Hàn Quốc, hoặc thi dịch tác phẩm Hàn Quốc trên chục quốc gia khác nhau. 

Một quốc gia mạnh trên thế giới phải có ảnh hưởng văn hóa mạnh. Văn học chính là thứ “vũ khí mềm” để mang lại sự lan tỏa văn hóa. Tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư lâu dài và mạnh mẽ cho quảng bá văn học, bên cạnh đó, Hội Nhà văn và mỗi cá nhân nhà văn, cùng chung tay đóng góp cho chiến lược đó!

PV: Xin cảm ơn nhà văn Kiều Bích Hậu. Chúc chị và nhóm sớm nhận được những cơ hội hợp tác mới, hiệu quả và thiết thực!

Một số tác giả nước ngoài đã được nhóm nhà văn Kiều Bích Hậu dịch tác phẩm và xuất bản ở trên các báo chí Việt Nam như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Người Hà Nội, Cửa biển…: Sandor Halmosi, Attila Balazs (Hungary), Laura Garavaglia (Italia), Andrea H. Hedes (Romania), Aammton Allias (Brunei), Bhawana Pokhrel, Subash Singh Parajuli (Nepal), Marine Bodakov, Georgie Gavrilov (Bulgaria), Gerry Loose (Anh), Sanjay Borude (Ấn Độ), Yuri Zambrano (Mexico)… Một số tác giả Việt Nam được nhóm dịch tác phẩm và đăng ở tạp chí nước ngoài: Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Xuân Đức, Nguyễn Hoa, Lê Thanh My, Trần Quang Quý, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Đình Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trần Thu Hà, Vũ Trọng Thái… Trong đó, có tác phẩm in sách tại Hungary, Italia, Ấn Độ và trên một số tạp chí tại Romania, Uzbekistan, Ba Lan.