Cơ hội xuất bản sách ở nước ngoài

Trong nỗ lực tiếp cận và chinh phục bạn đọc thế giới đang xuất hiện một số tác giả Việt viết văn trực tiếp bằng tiếng Anh và tự tìm cách xuất bản ở nước ngoài. Mới đây nhà văn Kiều Bích Hậu đã viết tập thơ đầu tay “The Unknown” (Ẩn số) bằng ngôn ngữ Anh. Sau đó tập thơ này lại được dịch sang tiếng Italia và xuất bản ở nước này.

Nhà văn Kiều Bích Hậu ở London (Anh).
Nhà văn Kiều Bích Hậu ở London (Anh).

Phóng viên (PV): Đang được bạn đọc biết đến với truyện ngắn, tạp văn, tiểu thuyết, vì sao chị quyết định chuyển sang… thơ?

Nhà văn Kiều Bích Hậu (KBH): Thơ là cách tôi mở rộng năng lực viết của mình. Thú thực cho đến đầu năm 2019, tôi cũng không hề có ý định làm thơ, thậm chí hoàn toàn không nghĩ rằng mình lại có tiềm ẩn năng lực đó. Nhưng vào tháng 2-2019 tôi gặp một nhà thơ nước ngoài, chúng tôi trò chuyện vui vẻ và anh có hỏi tôi đã có tập thơ nào chưa, thì tôi đáp, tôi là nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, tôi không phải nhà thơ. Anh nói, anh tin là vào lúc nào đó, trong cuộc đời, tôi cũng sẽ làm thơ… Quả nhiên, điều anh bạn thơ kia nói, tưởng vu vơ, mà thành sự thật.

PV: “The Unknown” (Ẩn số) được chị viết trong hoàn cảnh nào?

KBH: Mùa xuân năm 2019 tôi sang châu Âu, trong khoảng thời gian đó, tôi gặp duyên, có được người bạn tri kỷ, thích trò chuyện về chữ nghĩa, thích gieo vần và sáng tạo với mỗi chữ, nên có ảnh hưởng tới tôi. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên trong tập “Ẩn số” đã đến với tôi vào một đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (Vương quốc Bỉ), tôi chợt tỉnh ngủ giữa đêm, trằn trọc và từng câu thơ cứ hiện lên. Tôi thấy thú vị quá, nên trở dậy, bật đèn và viết vào một tờ giấy nháp. Những ngày sau đó, tôi viết thơ khi ở Bỉ, khi sang Pháp, lúc đang làm bếp, hoặc khi đợi tàu điện ngầm… Tập thơ gần như hoàn tất trong thời gian tôi ở châu Âu. Tôi cũng có gửi một chùm thơ cho một biên tập viên tạp chí văn học Romania và sau này chị ấy đã dịch, đăng trong tạp chí NEUMA mùa thu năm 2019. Giữa tháng 5-2019 tôi về nước, viết tiếp một số bài và cũng để đó thôi.

PV: Vì sao chị quyết định viết bằng tiếng Anh?

KBH: Trong thời gian ở châu Âu, do chỉ dùng ngôn ngữ Anh với bạn hữu, người thân nên tôi tư duy bằng tiếng Anh. Và rồi dòng thơ tiếng Anh cứ thế tuôn trào, tôi chỉ việc viết nó ra thôi. Khi làm thơ bằng tiếng Anh, tôi thấy mình đã vượt lên một bậc về năng lực viết. Giống như mình đã chiến thắng chính mình vậy. Khi tôi viết được bài thơ đầu tiên, cảm hứng dâng trào, sung sướng âm ỉ đến vài ngày. Bởi trước đó, năm 2018, tôi đã đặt bút viết một truyện ngắn bằng tiếng Anh, nhưng đang viết dở thì máy tính bị hỏng, tôi cứ chờ chữa máy tính và rồi thời gian qua đi, truyện ngắn đó vẫn dở dang. Nay bỗng dưng viết liền cả chục bài thơ tiếng Anh thì tôi thấy rằng, việc này không còn bất khả. Tôi cần dấn tới, không để nó trôi đi. 

Từ năm 2016, tôi đã đặt mục tiêu, đó là đi học một khóa viết văn ở nước ngoài (Mỹ, hoặc Anh) để tăng cường ngôn ngữ Anh cho mình, để bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, sáng tác bằng tiếng Anh. Năm 2018, tôi đã sang Liên hiệp Anh, đi thăm các trường đại học tại Oxford, Cambridge, Belfast, cũng có ý tìm kiếm, nhưng tôi cứ lần lữa mãi chưa đăng ký đi học. Tôi có chia sẻ ý tưởng này với một bạn văn trong nước thì anh gàn tôi, nói rằng tôi hãy viết bằng tiếng Việt cho xuất sắc, chứ sáng tác bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi không tin anh và cũng nghĩ, mình phải làm điều này, bất chấp kết quả.

PV: Sau “Ẩn số”, chị dự định viết tác phẩm gì bằng ngôn ngữ Anh?

KBH: Tôi sẽ viết các truyện cực ngắn bằng tiếng Anh và phát hành sách bỏ túi để độc giả đọc khi đợi tàu xe, máy bay, lúc chờ đợi người, việc gì đó...

PV: Với việc viết trực tiếp bằng tiếng Anh, chị đang cùng với một vài tác giả khác tự mở cho mình một con đường, một lối đi riêng để đến với bạn đọc thế giới?

KBH: Tôi từng có một số truyện ngắn được dịch tiếng Anh, in trong nước và nước ngoài, tuy nhiên khi đọc bản dịch thì tôi không ưng ý hoàn toàn. Tôi từng nghĩ, hay là mình tự dịch truyện của mình, có thể sẽ không thất thoát ý tưởng và bảo toàn dung lượng cảm xúc. Tôi đã tự dịch truyện của mình, nhưng thấy tốn thời gian quá, trong khi tôi còn dư ý tưởng chưa viết ra thành truyện. Cho đến khi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, tôi thấy rằng mình tiết kiệm được thời gian, kinh phí và quan trọng là ý tưởng cũng như cảm xúc nguyên vẹn. Tôi biết nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng đang làm điều này. Khi viết bằng tiếng Anh, dù vẫn nguyên liệu đó, nhưng cách thể hiện được quốc tế hóa, sẽ dễ đến với bạn đọc thế giới hơn.

PV: Khi đi trên con đường ấy, đâu thuận lợi và khó khăn chị gặp phải?

KBH: Khó khăn nhất chính là khi bắt đầu. Khi tôi thấy một từ nào đó chưa thể diễn tả trọn nghĩa, tôi có ý muốn tra từ điển. Nhưng tôi phải lập tức gạt bỏ nó, bởi như thế, dòng tư duy của tôi lại trở ngược về thói quen cũ, tư duy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi phải đạt bằng được mức tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh thì viết mới mượt mà, trơn tru được. Vậy nên, thay vì tra từ điển để tìm từ diễn đạt cho đủ, tôi đã viết ra từ đầu tiên nảy đến trong đầu, để mạch viết được liên tục.

Thuận lợi là khi đã vượt qua được nỗi ám ảnh về từng từ thì chữ bắt đầu lũ lượt kéo đến và tôi viết không khó khăn gì cả.

Khó khăn nữa là vấn đề quảng bá tác phẩm. Khi chúng tôi thống nhất sẽ xuất bản tác phẩm ở một nước nào đó, tôi cần làm việc liên tục với nhà xuất bản, phải theo lộ trình quảng bá của họ. Nếu tôi thiếu ngoại ngữ, sẽ rất khó làm việc này. Nếu tôi không chịu bỏ thời gian để cùng tương tác, sáng tạo các phương pháp quảng bá sách, theo đuổi các sự kiện thì tôi không thể có tác phẩm bán được ở nước ngoài. 

Nhưng thuận lợi là tôi học được nhiều từ bạn nước ngoài, các phương pháp, kỹ năng làm sách, quảng bá sách. Họ cũng liên tục hối thúc tôi, tạo cảm hứng cho tôi, tiếp sức mạnh cho tôi, khiến tôi không thể lười biếng dậm chân tại chỗ. Tôi đã bỏ hẳn được ý nghĩ vớ vẩn “Mình viết hay là được rồi. Việc bán sách là của người khác!”.

PV: Xin cảm ơn chị!