Chân giá trị của sự “đẹp xưa”

Những cuốn sách được tái hiện gần đây: “Đốt lò hương cũ” (NXB Đà Nẵng) và “Ngày đó có em” (NXB Văn học) của Đinh Hùng, “Bích Khê lưng trời bóng nhạn” (NXB Văn học) của Quách Tấn... cho thấy nỗ lực của Như Books trong việc làm sống lại tác phẩm được ái mộ của các danh bút một thời. Nhà thơ trẻ Từ Hồng Sơn, thành viên của Như Books - đơn vị phối hợp liên kết các tác phẩm trên chia sẻ với Thời Nay.

Chân giá trị của sự “đẹp xưa”

Phóng viên (PV): Mấy cuốn sách anh cùng cộng sự làm gần đây cho thấy một xu hướng trở lại với những vẻ “đẹp xưa”. Chỗ dựa tinh thần nào cho anh tự tin bắt tay vào những cuốn sách đó?

Nhà thơ Từ Hồng Sơn (THS): Tôi là một kẻ tay ngang, mải chơi với những hồi ức cũ xưa về Hà Nội mà như một cơ duyên, dần dà quen biết và kết tình bằng hữu với giới văn học nghệ thuật Hà Nội. Rồi dấn hẳn vào con đường chữ nghĩa lúc nào đâu hay, được học hỏi thêm khiến văn chỗ này một tý, chỗ kia một ít. May mà tuổi thơ cũng có điều kiện bầu bạn với sách vở nên chẳng mấy bỡ ngỡ và còn được khuyến khích nuôi dưỡng đam mê đọc khi mỗi lần cầm trên tay từng cuốn sách mới in thơm mùi mực hay cũ mèm tèm nhem thì thấy đều hơn tất thảy các món đồ chơi khác.

Nhân một tin nhắn “rủ rê” hùn vốn mở công ty sách, tôi tự hỏi sao mình lại là đối tượng được chèo kéo tham dự một công việc mà mình biết sẽ phải qua nhiều khâu rất vất vả. Đắn đo mãi rồi cũng nhận lời. Và cũng bởi thấy ấn phẩm đầu tiên của Như Books đã làm mình nổi da gà: “Đốt lò hương cũ” - Đinh Hùng. Chỉ mỗi cái tên tác giả thôi đã thích thú rồi, huống hồ nội dung tác phẩm sẽ phần nào đưa độc giả đào sâu hơn xuống trầm tích của văn học sử Việt Nam vẫn còn nhiều điều ngạc nhiên.

PV: Nhưng ai cũng nói rồi - “Có thực mới vực được đạo”, bắt tay vào “hàng hóa sách” bây giờ, cũng phải tính đủ thứ về lợi nhuận, phát hành…?

THS: Kinh phí dành cho in sách cũng không dư dả lắm nên thu về được đồng nào lại “xoay tua” đầu tư cho cuốn tiếp theo. Không lo đói vì mỗi thành viên đều làm hai công việc và đã sẵn sàng tâm lý là sẽ cày cuốc đến khi nào Như Books cứng cáp hơn, vững vàng hơn, chủ động hơn để làm chỗ dựa tin cậy hơn thì lúc ấy mới hái quả ngọt. Chứ giờ thì vẫn sống bằng đồng lương của công việc chính.

Chúng tôi ưu tiên chọn những cuốn sách có khả năng góp phần chấn hưng văn hóa đọc thông qua cửa ngõ trở lại với những giá trị truyền thống tốt đẹp đã mai một ít nhiều. Đưa các tác phẩm ấy trở lại thời hiện đại để nó chứng minh chân giá trị của sự “đẹp xưa” vẫn còn chỗ đứng trong cuộc sống như bây giờ.

PV: Với động lực, tâm huyết ở mức độ “chưa lãi nhiều cũng không quá lo” ấy thì những ấn phẩm, công trình của thời gian tới là gì?

THS: Như Books sắp cho ra mắt bạn đọc vài cuốn về dư địa chí, tục xưa nếp cũ và nghiên cứu văn học sử. Nhưng xin tạm thời giữ bí mật nhé!

PV: Không thể không nói đến những vất vả và thú vị khi thực hiện công việc tìm lại, tái hiện những cuốn sách xưa. Anh hãy chia sẻ cùng bạn đọc một số chuyện hậu trường?

THS: Thực hiện ấn phẩm đầu tiên là một trải nghiệm rất lạ mà không kém phần thi vị. Lần đầu gặp anh con trai của cố thi sĩ Đinh Hùng, để anh ấy dắt đi thắp hương lên cụ. Thì hóa ra, tưởng đâu xa, cụ yên nghỉ trong một ngôi chùa rất gần nhà mình, chỉ 5 phút chạy xe máy mà đoạn đường này hầu như ngày nào mình cũng đi qua trong gần mười mấy năm mà lại chẳng hề hay biết.

PV: Công việc đó, những cuốn sách này, hình như còn là sự thỏa mãn, di dưỡng cho hồn thơ của mình? Tập sáng tác nào của riêng anh đang ở tương lai gần?

THS: Tôi sẽ đưa một tập thơ với cái tên dự kiến “Mùa kim phách” về lại Hà Nội lúc chớm đông sang . Còn sau đó là dự án “Hà Nội - tôi kể lại”, một cuốn sách về những hồi ức, tâm tình của các văn nghệ sĩ, bạn bè văn chương về Hà Nội trong mỗi người, của mỗi người. Và tôi vẫn đang: mỗi ngày một ít chuyện cũ thời bao cấp - cho cuốn sách tạm gọi là quá trình “khởi động trí nhớ tuổi thơ” với cái tên cũng rất xa xăm “Dắt cua đi dọc phố ngang”.

PV: Xin cảm ơn, chúc anh thành công!

9 giờ sáng ngày mai 10-5, tại “Ơ kìa Hà Nội” (639/39/39 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc giới thiệu cuốn sách “Bích Khê lưng trời bóng nhạn” của Quách Tấn và “Ngày đó có em” của Đinh Hùng (Như Books và NXB Văn học).