Phó Cục trưởng Di sản văn hóa:

Bám sát luật trong khai thác và quản lý di tích tư nhân

Chia sẻ với Thời Nay về việc khai thác và quản lý tốt di tích thuộc sở hữu tư nhân, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước và chủ sở hữu về di tích hiện nay.

Bám sát luật trong khai thác và quản lý di tích tư nhân

Phóng viên (PV): Xin ông giải thích rõ hơn về quyền hạn và nghĩa vụ của chủ thể sở hữu di tích và cách thức phối hợp cùng quản lý di tích giữa Nhà nước và chủ thể sở hữu di tích!

Ông Trần Đình Thành (TĐT): Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã quy định rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật đã thừa nhận quyền sở hữu di tích của các tổ chức, cá nhân. Và thực tế, nhiều năm qua trên cả nước cũng không nảy sinh vấn đề về quyền sở hữu di tích.

Về cách thức phối hợp giữa Nhà nước và chủ thể sở hữu di tích thì đã được quy định tại Điều 33 Luật Di sản văn hóa năm 2001. Theo đó, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; nếu phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại, phải kịp thời ngăn chặn và báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin nơi gần nhất. Các cơ quan trên khi được thông báo, phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.

Bộ VHTT&DL khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

PV: Kinh phí của Nhà nước có thể sẽ không thể bao cấp, hỗ trợ hết việc bảo trì di tích tư nhân được. Khi đó, họ cần xã hội hóa ra sao để bảo tồn, tôn tạo và duy trì hoạt động tại di tích?

TĐT: Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thực hiện nhiệm vụ này, từ sau khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành và hội đồng nhân dân, UBND các cấp của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đã triển khai xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ sở hữu di tích. Thí dụ như: HĐND tỉnh/thành phố đã ban hành các quyết định hỗ trợ kinh phí cho người trông nom di tích (như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh…), đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí trong tu bổ di tích cho các chủ sở hữu di tích (như hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà dân trong khu phố cổ Hội An - tỉnh Quảng Nam; hỗ trợ tu bổ nhà dân trong di tích làng cổ Đường Lâm - Hà Nội…); Chính phủ và Bộ VHTT&DL đã triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích trên cả nước. Ngoài ra, Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và ban hành nhiều quy định về chính sách miễn, giảm thuế đối với tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích…

PV: Theo ông, làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa tư nhân, cộng đồng và Nhà nước trong việc sở hữu, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích?

TĐT: Các quy định của pháp luật về di sản văn hóa là cơ sở quan trọng để tổ chức, cá nhân và cộng đồng là chủ sở hữu di tích thấy rõ được trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của mình, nhằm chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di tích, trong đó có các hoạt động tổ chức kinh doanh, dịch vụ, du lịch.

Pháp luật về di sản văn hóa cũng đã quy định cụ thể hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ; Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28-12-2012 và 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2013 của Bộ VHTT&DL), là cơ sở để các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được triển khai minh bạch, hiệu quả. Qua đó, tạo cơ chế pháp lý rõ ràng, thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.

Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, các địa phương cần chủ động trong việc bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị của di tích. Đồng thời, chủ động vấn đề xã hội hóa, dịch vụ hóa và thu hút nguồn lực trong hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích.

Đó là những cơ sở để thực hiện hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa tư nhân, cộng đồng và Nhà nước trong việc sở hữu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

PV: Xin cảm ơn ông!