Bấm máy vì yêu người

Từ ngày 22-2 đến 3-3, tại số 70 Nguyễn Du (Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm và giới thiệu sách ảnh “Những người muôn năm cũ” của tác giả Hà Tường. Đây là dịp để công chúng chiêm ngưỡng 30 bức ảnh đen trắng hết sức đời thường, giản dị về nhiều con người tài hoa, tiêu biểu ở các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, khoa học… trong khoảng thời gian 20 năm (1975 - 1995). Nhiếp ảnh gia Hà Tường chia sẻ với Thời Nay.

Bấm máy vì yêu người

Phóng viên (PV): Đây là lần đầu tiên ông giới thiệu những bức ảnh trong kho tư liệu cá nhân. Xin ông chia sẻ về kỷ niệm với các nhân vật trong những bức ảnh lần này?

Nhiếp ảnh gia Hà Tường (HT): Tất cả những ảnh mà tôi chụp và giới thiệu lần này đều là kết quả của một quá trình quan hệ “bắc cầu”, được những người bạn giới thiệu qua lại. Khi muốn chụp ảnh các nghệ sĩ, tôi thường được người khác giới thiệu từ trước, sau đó qua cuộc trò chuyện, gặp gỡ mà được họ quý mến, đồng ý cho chụp. Thí dụ, như lần gặp cụ Nguyễn Tuân, tôi được họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Sáng giới thiệu, nhưng tự mình vẫn phải đọc sách, nghiên cứu về các tác phẩm như “Chém treo ngành”, “Chén trà trong sương sớm”, “Chùa Đàn” mới nói chuyện được với cụ. Trong bức ảnh, nhà văn Nguyễn Tuân cầm tẩu hút thuốc, tôi chủ ý chụp được hình ảnh lơ mơ khói của hơi thuốc phảng phất trên tẩu của cụ, trong những ngày “gần đất xa trời”.

Bấm máy vì yêu người ảnh 1

Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại xưởng vẽ ở nhà riêng, phố Thuốc Bắc (Hà Nội) năm 1986. Ảnh: HÀ TƯỜNG

PV: Điều gì đã khiến ông quyết định công bố những bức ảnh quý báu này cho công chúng sau nhiều năm thầm lặng gìn giữ? Có khi nào xuất phát từ mong muốn gửi lại cho nhiều lớp thế hệ?

HT: Đầu tiên, tôi không có ý định như vậy. Bởi nếu có những mục đích cao cả như để lại cho thế hệ sau như vậy thì tôi cần phải chuẩn bị tư tưởng lớn. Tôi chỉ nghĩ trong quá trình quan hệ với những nhân vật trong ảnh, tôi cảm thấy thích và quý ai thì tôi sẽ chụp. Mặc dù cũng có lúc từng nghĩ rằng, liệu tương lai mình chụp những bức ảnh này có để làm gì không. Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi khi ấy chỉ là những điều mình thích, muốn chụp vì niềm say mê với nghề nhiếp ảnh. Đối với văn nghệ sĩ cũng như vậy, họ sáng tác trước tiên để cho chính mình, chứ chẳng ai biết được những bài thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết của họ sau này được người đời bình xét ra sao.

Đến khi gặp họa sĩ Lê Thiết Cương, tôi và anh Cương mới ấp ủ ý định triển lãm ảnh từ cách đây bốn năm, tới giờ mới tổ chức và ra mắt sách.

PV: Vào thời điểm chụp những tấm hình này, việc chụp ảnh còn nhiều khó khăn, hạn chế so thời nay. Xin ông chia sẻ thêm suy nghĩ về chuyện nhiếp ảnh ngày ấy - bây giờ?

HT: Ngày ấy, chụp ảnh là một sự xa xỉ. Máy ảnh thì cùng lắm chỉ có chiếc fratica, một cuộn phim khi ấy có giá tới 40 đồng. Sau khi chụp thì tôi cũng chưa chắc có tiền làm ảnh. Cứ bấm một kiểu là phải suy nghĩ rất nhiều, nhưng làm nghề nhiều lúc hào hứng, tôi vẫn phải chuẩn bị nhiều cuộn phim để cứ có khoảnh khắc ưng ý là chụp. Điều kiện ngày nay hoàn toàn khác trước đây, mọi người dùng máy ảnh kỹ thuật số, chụp ảnh thấy không đẹp là có thể xóa đi chụp lại. Nhưng cũng chính vì ngày xưa khó khăn như thế, mỗi bức ảnh chụp đều có chiều sâu hơn vì đó là thành quả lao động nghệ thuật, của sự trăn trở, suy tính đi suy tính lại, ăn chắc rồi mới bấm máy.

Ngoài ảnh về con người, tôi cũng thường chụp nhiều ảnh phong cảnh, đặc biệt là phong cảnh và con người ở miền núi. Sau mỗi chuyến đi, mỗi cuộn phim đã chụp đối với tôi còn quý giá hơn tiền bạc. Tôi luôn bọc cuộn phim cẩn thận nhiều lớp và giữ ở trong người, đến khi về cũng phải chọn người tráng phim giỏi, không làm bức ảnh bị thiên mầu, không bị thiếu sáng hay “già” sáng.

PV: Sau triển lãm ảnh lần này, ông có dự định tiếp tục triển lãm để giới thiệu thêm nhiều bức ảnh khác trong kho tư liệu ảnh của mình không?

HT: Kho tư liệu ảnh của tôi bao gồm các cuộn phim được gom lại, cất giữ cẩn thận, nặng tới 10 kg. Nhưng số lượng nhiều như vậy nên theo thời gian chắc chắn có nhiều cuộn phim bị hỏng hoặc chất lượng phim giảm xuống. Một trong những lần tôi tiếc nhất là mất đi những cuộn phim lịch sử chụp ở phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972.

Nhưng để tiếp tục chọn ảnh cho triển lãm tiếp theo thì tôi chưa chắc vì tuổi tác khiến mắt đã kém, không thể nhìn rõ để chọn ảnh từ phim. Triển lãm lần này là do con trai tôi scan giúp ảnh, nhưng để số hóa toàn bộ kho tư liệu ảnh thì thật sự khó khăn. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có đủ thời gian và có thêm người hỗ trợ chuyển những cuộn phim thành tài liệu kỹ thuật số, lưu giữ cho sau này.

PV: Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!