“Hình của nhạc” hướng tới truyền thống

Mong muốn hình thành và phát triển cộng đồng âm nhạc thể nghiệm, nhạc sĩ Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom đóm cùng các đồng nghiệp đã bắt tay vào tổ chức “Hình của nhạc”, một dự án phát triển cho các nghệ sĩ nhạc thể nghiệm trẻ. Chị có cuộc trò chuyện với Thời Nay.

“Hình của nhạc” hướng tới truyền thống

Phóng viên (PV): Hoạt động liên tục những năm qua với một số sự kiện điểm nhấn như các kỳ Liên hoan Nhạc mới Hà Nội, chị có thể giới thiệu đôi nét về dự án mới này?

Nhạc sĩ Kim Ngọc (KN): Dự án mới nhất - “Hình của nhạc” được quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh Việt Nam tài trợ. Trung tâm sẽ chọn ra từ bốn đến năm nhạc sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ trẻ đang sinh sống tại Việt Nam thực hành nhạc thể nghiệm và các loại hình âm nhạc có hình thức mới hoặc xuyên ngành. Họ sẽ được đồng hành với các cố vấn là những nhạc sĩ có bề dày hoạt động và cách tiếp cận đa dạng loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Từ đó triển khai ý tưởng, sáng tác và thực hiện từ bốn đến năm tác phẩm âm nhạc mới trong sáu tháng lưu trú, bắt đầu từ giữa tháng 6 đến tháng 12 năm nay.

Sau chương trình công diễn tại Hà Nội vào cuối kỳ lưu trú, các tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn trình diễn tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2021. Đây là dự án tạo điều kiện tối đa giúp các nghệ sĩ chuyên tâm hoàn toàn trong một thời gian để học hỏi, trau dồi và cho ra đời các sản phẩm mới. Là dự án khởi đầu, chúng tôi hướng các nghệ sĩ trẻ tới chủ đề trở về với cội nguồn, gốc rễ trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

PV: Chị có thể chia sẻ lý do chọn các nghệ sĩ trẻ làm đối tượng trung tâm của dự án?

KN: Khác với khung cảnh văn hóa hiện đại châu Âu sinh ra từ gốc rễ truyền thống được chuyển hóa nhuần nhuyễn, nhiều nước Đông - Nam Á trong đó có Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gặp phải sự đứt gãy với mạch nguồn truyền thống do ảnh hưởng, tác động của lối sống, văn hóa hiện đại. Chính vì thế, âm nhạc hiện đại Việt Nam hình thành từ các nguồn văn hóa ngoại nhập và phát triển rộng rãi theo sự đi lên của kinh tế thị trường. Điều này khiến âm nhạc hiện đại và giới trẻ yêu nhạc bị tách xa dần cội rễ văn hóa truyền thống. Nguyên nhân một phần lớn cũng vì sự thiếu thốn không gian, hoạt động văn hóa cổ. Chính vì thế, chúng tôi muốn tạo ra lịch hoạt động hiệu quả, giúp các bạn trẻ kết nối lại với một số loại hình nghệ thuật cổ, cụ thể là tuồng, chèo, ca trù, quan họ Bắc Ninh và chầu văn.

“Hình của nhạc” hướng tới truyền thống ảnh 1

Các bạn trẻ trong Trung tâm Đom đóm chơi nhạc thể nghiệm. Ảnh: Trung tâm Đom đóm

PV: Vậy đâu là vai trò của các nghệ sĩ đương đại và các nghệ nhân khi họ có đối tượng “chăm sóc” chung là các nghệ sĩ trẻ?

KN: Trong vai trò định hướng dự án, những nghệ sĩ đương đại được mời tham gia “Hình của nhạc” sẽ không chỉ là giám khảo lựa chọn nghệ sĩ trẻ đủ tiêu chuẩn, mà còn trở thành người cố vấn, đồng hành với các bạn trẻ trên con đường học hỏi các nghệ nhân nhạc truyền thống và quá trình sáng tạo tác phẩm mới. Các nghệ sĩ này đều là những nhạc sĩ đương đại đã thành danh tại Hà Nội như nhạc sĩ Kim Ngọc, nhạc sĩ Sơn X, nhạc sĩ Alec Schachner… Các nghệ sĩ trẻ cũng sẽ được tiếp cận nhiều nghệ nhân trong các lĩnh vực nghệ thuật cổ như liền chị Nguyễn Thị Bướm, liền anh Nguyễn Đức Nhuận của quan họ Bắc Ninh, nghệ nhân ca trù Phạm Đình Hoằng, NSƯT Đặng Bá Tài của Nhà hát Tuồng Việt Nam… Điểm đặc biệt của dự án ở chỗ, mỗi nghệ sĩ đương đại có cách tiếp cận riêng, từ đó sẽ chọn phương pháp định hướng khác biệt cho những nghệ sĩ trẻ khi tìm hiểu nghệ thuật cổ.

PV: Chị nghĩ sao về những nỗ lực của mình và cộng sự trong bối cảnh nhạc đương đại vẫn “kén” khán giả như hiện nay?

KN: Tôi cho rằng, Đom đóm đã có những bước tiến đáng kể khi nhạc thể nghiệm đã có khán giả dù số lượng còn hạn chế, nhưng điều này cũng không lạ bởi đây không phải nghệ thuật đại chúng. So đa số khán giả lớn tuổi của nhạc thể nghiệm châu Âu, tôi kỳ vọng hơn vào khán giả trẻ Việt Nam, bởi ngoài tình yêu nghệ thuật truyền thống, họ có sự tươi mới giống như “trang giấy trắng”, dễ dàng đón nhận những giá trị đương đại hơn.

PV: Xin cảm ơn chị!