Văn chương lên tiếng vì hòa bình

Tại Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 (một trong những sự kiện của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, diễn ra tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc), chủ đề hòa bình được các nhà văn quốc tế đưa ra thảo luận sôi nổi. Nhiều tác giả từng viết về chủ đề chiến tranh, chia cắt đã đưa ra những thông điệp sâu sắc và nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân nhà văn.

Thảo luận về chủ đề hòa bình.
Thảo luận về chủ đề hòa bình.

1/ Hơn 60 nhà văn tham dự Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018 đến từ nhiều quốc gia, với những cá tính khác nhau. Nhiều nhà văn viết về tác phẩm có chủ đề chiến tranh, chia tách lãnh thổ như nhà văn Khaled Hroub, người Palestine (công tác tại Tổ chức Nghiên cứu Oxford); nhà văn người Mexico Ricardo Chávez; nhà văn người Azerbaijan Vagif Sultanly… Nhà văn Khaled Hroub đã tận thấy nỗi đau của các nạn nhân trong chiến tranh, nên trong bài phát biểu của mình giọng ông gần như nghẹn lại. Với những hình ảnh xác thực được trình bày trên máy chiếu, ông cực lực phản đối chiến tranh và đi đến mong mỏi, hãy để con người được sống vui trong tình bác ái và nền hòa bình.

Chung dòng cảm xúc ấy, trong phần trình bày tham luận, nhà văn Ricardo Chávez cho biết, ông viết cuốn truyện thiếu nhi vào năm 1991, sau khi đã chứng kiến những đứa trẻ và gia đình phải chịu nhiều khổ ải trong các cuộc tị nạn. Mà nguyên nhân cũng bởi xung đột lãnh thổ, tranh chấp, chiến tranh. Với tinh thần ấy, đến giờ ông vẫn viết và viết, với thái độ nghiêm túc, sâu lắng và mong ước chạm đến trái tim nhân loại, hướng đến sự bình an đến với những đứa trẻ - tương lai của thế giới.

Còn nhà văn Vagif Sultanly, trong bài phát biểu có tên “Hòa bình trong thế giới hiện đại - sứ mệnh của nhà văn” đã nêu lên tầm quan trọng của ngòi bút và sự hành động của mỗi cá nhân. Với ông, ai đó giúp làm vơi đi đau khổ, ngừng chiến tranh thì người đó là thiên tài bảo vệ thế giới. Tuy nhiên, làm sao vơi đau khổ, có được niềm hạnh phúc là một trong những yêu cầu không dễ gì có được của nhân loại. Song, đó là điều nhân loại luôn hướng đến.

Một chia sẻ khác, nhà văn người Hàn Quốc Jang-Yyeong cho hay: “Tôi không nghĩ rằng các tác phẩm văn học mang lại hòa bình ngay tức khắc. Nhưng công việc viết của nhà văn chính là truyền đi những thông điệp. Ngay cả khi bạn không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nếu bạn bắt đầu viết về những gì bạn đã trải qua và chứng kiến, bạn sẽ có quan điểm phê phán, buộc tội những việc làm không hợp lý. Lúc đó ngòi bút thật sự trở nên rất có sức mạnh”.

2/ Đa số người dân trên thế giới hiện nay khát khao hòa bình, bởi chỉ có hòa bình mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn. Song, câu hỏi đặt ra là, khi thế giới vẫn chưa dứt tiếng súng, làm gì để gìn giữ được hòa bình? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Như tiểu thuyết gia người Hàn Quốc Kim Sun-ah cho biết, không chỉ ô nhiễm môi trường, đói nghèo, mà cả chiến tranh là những vấn đề toàn cầu. Mỗi quốc gia, mỗi con người cần chung tay vì nền hòa bình của thế giới.

Ở Việt Nam, từ sau năm 1975 đã có nhiều cây bút viết về đề tài chiến tranh và gặt hái được những thành công nhất định. Theo đánh giá cá nhân của nhà phê bình Bùi Việt Thắng, 10 cuốn xuất sắc của văn học sau năm 1975 đến nay có: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh, “Mùa hè giá buốt” của Văn Lê, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, “Tàn đen đốm đỏ” của Phạm Ngọc Tiến, “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân, “Đỉnh cao hoang vắng” của Khuất Quang Thụy, “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “Miền hoang” của Sương Nguyệt Minh.

Với chủ đề này, thế hệ tác giả 8X, 9X cũng đang nỗ lực khai thác, có nhiều điểm nhìn mới, đa chiều, với tâm thế là những người sinh ra sau chiến tranh và một số tác giả được dư luận quan tâm như Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Chu… Nói về hoạt động sáng tác văn học của các tác giả trẻ, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ rằng, việc sáng tác là nhu cầu tự thân, ngay cả việc chọn lựa đề tài cũng là cái tạng của mỗi người. Với nhiều đề tài cần quan tâm hiện nay, tác giả trẻ cũng phải trau dồi kiến thức, quan tâm hơn nữa đến những vấn đề liên quan đến chiến tranh cách mạng.

3/ Trở lại Diễn đàn Nhân văn Pyeongchang 2018, trao đổi với các nhà văn ở nhiều nước, mới thấy hết không khí sôi nổi và hoạt động sáng tác văn chương trên thế giới. Đồng thời nhận thấy văn chương có sứ mệnh to lớn trong việc xây dựng văn hóa, góp phần cất lên tiếng nói vì nền hòa bình chung. Các nhà văn tham gia Diễn đàn và một số nhà văn từ các tỉnh của Hàn Quốc tụ về đã viết những câu văn giống như tuyên ngôn, thông điệp về hòa bình, để dán ghép thành chữ PEACE (hòa bình), như một sự ước vọng vào thế giới. Nhà văn người Mỹ Victor Montejo đã viết: “Hòa bình là một phước lành của cuộc sống, là khát vọng lâu bền của con người. Mỗi quốc gia cần tôn trọng hòa bình, xây dựng tình hữu nghị để cùng làm ra những giá trị của cuộc sống”.

Những thông điệp ấy, rất vui mừng, đã không chỉ nằm trong các trang văn của các tác giả ở mỗi quốc gia mà đã được cộng đồng chia sẻ và cùng hy vọng hòa bình sẽ đến với thế giới, và con người dành cho nhau sự trân quý, yêu thương.