Trân trọng một phong trào mỹ thuật

Vào thập niên 1960, đã xuất hiện một phong trào học tập, sáng tác mỹ thuật rất đặc biệt tại Hà Nội, đó là phong trào “Mỹ thuật quần chúng Thủ đô”. Có thể kể ra một loạt những họa sĩ, những nhà phê bình mỹ thuật có tiếng đã trưởng thành từ phong trào này gồm Nguyễn Đình Huống, Cơ Chu Pin, Nguyễn Chính, Trần Thị Quỳnh Như…

Tác phẩm “Cổng làng xưa”, tranh Nguyễn Đình Huống.
Tác phẩm “Cổng làng xưa”, tranh Nguyễn Đình Huống.

Lớp quần chúng “chất lượng cao”

Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Trần Thị Quỳnh Như nhớ lại: Vào thập niên 1960, không chỉ ở Hà Nội, phong trào mỹ thuật quần chúng còn phát triển khá mạnh tại các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng… Trong không khí hăng say xây dựng XHCN thì các tác phẩm mỹ thuật thời này cũng có nội dung hiện thực XHCN với phong cách nghệ thuật rất đặc biệt. Vào thời điểm đó, Trường mỹ thuật Yết Kiêu (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) mỗi khóa chỉ tuyển chưa đến 20 sinh viên, trong khi nhu cầu học tập và sáng tác mỹ thuật lại vô cùng lớn, từ đó đã xuất hiện những lớp dạy mỹ thuật quần chúng tại Nhà văn hóa Hàng Buồm (Hà Nội).

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định: Dù là lớp quần chúng, nhưng các thầy đứng lớp đều là những họa sĩ tên tuổi như Quang Phòng, Phạm Viết Song, Nguyễn Văn Bình… nên có thể nói chất lượng đào tạo là rất cao và chính những họa sĩ thành danh từ phong trào mỹ thuật quần chúng Thủ đô đã tạo ra dấu ấn đặc sắc cho nền mỹ thuật nước nhà. Đạo diễn, diễn viên Việt kiều Dustin Nguyễn chia sẻ: Trong một lần tình cờ đến nhà người quen, tôi thấy được bức tranh “Công nhân xây dựng” trong tập sách của họa sĩ Nguyễn Đình Huống, lập tức bị thu hút bởi cái hồn, sự sống động của bức tranh. Thông qua một bức tranh tĩnh, nhưng người xem có thể thấy được không khí lao động khẩn trương, cũng như vẻ đẹp và sự uyển chuyển của hai nữ công nhân trong tranh.

Không còn khoảng cách

Đến tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Huống, bức tranh nổi bật nhất chính là “Thiên Đô” khổ 200 x 320 cm được vẽ trong 10 năm để trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010. Đây cũng là tác phẩm được họa sĩ Vi Kiến Thành đánh giá là ấn tượng của nền mỹ thuật trong hơn một thập kỷ qua. Có một chi tiết khá thú vị ở đây, là hơn nửa thế kỷ trước, các họa sĩ của lớp mỹ thuật quần chúng, đôi khi có chút tự ti, mặc cảm vì không thể theo học các chương trình chính quy, cũng vì vậy mà đâu đó vẫn tồn tại một số khoảng cách và một trong số đó nằm ở cách phác thảo và thực hiện các bức tranh khổ lớn. Họa sĩ Trần Thị Quỳnh Như cho biết, những họa sĩ được đào tạo chính quy sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để có thể tự tin triển khai các bức tranh khổ lớn, trong khi đó các nghệ sĩ phong trào do vừa phải học tập, sáng tác nhưng cũng phải lao động, tăng gia sản xuất nên sẽ có ít quỹ thời gian hơn để rèn giũa kỹ năng này. Đây là hạn chế, khó khăn, nhưng cũng chính là động lực để các họa sĩ của phong trào thời bấy giờ vượt lên tìm kiếm những ý tưởng và phong cách của riêng mình.

Theo họa sĩ Nguyễn Chính, xét về yếu tố “thương mại”, tranh của các họa sĩ xuất thân từ phong trào cũng được ưa chuộng trên thị trường và bán rất tốt, và cũng không có khoảng cách về chuyên môn, cũng như giá cả. Lợi thế đặc biệt là những họa sĩ phong trào do trực tiếp tham gia lao động, sản xuất nên có thể tìm ra được những góc độ thú vị, sâu sắc để chuyển tải vào tranh và được những người am hiểu cả trong lẫn ngoài nước ưa chuộng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam chỉ ra một điểm mấu chốt của phong trào mỹ thuật quần chúng Thủ đô thời bấy giờ chính là động lực. “Để một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ thì phải tạo ra động lực cho người trong cuộc. Chỉ có tình yêu hội họa đặc biệt mới có thể khiến cho những người làm công nhân ban ngày, ban đêm vẫn đi học vẽ, cuối tuần thì lại đi thực tế sáng tác. Chính động lực đã tạo ra một phong trào đủ mạnh để sản sinh ra những họa sĩ thành danh và không có khoảng cách với các nhóm chính quy khác”, họa sĩ nhấn mạnh.

Tìm lại một phong trào mỹ thuật để thấy rằng, trong việc đào tạo mỹ thuật nói riêng hay nghệ thuật nói chung, việc hướng đến đào tạo chuyên nghiệp, đỉnh cao là điều tất nhiên, nhưng đó là phần đỉnh của hình chóp. Muốn dồi dào, vững mạnh thật sự thì phải có cái nền rộng lớn, phát triển để luôn có những nhân tố dồi dào. Phong trào mạnh sẽ tạo ra nhiều cuộc sàng lọc để lựa chọn những nhân tố xứng đáng nhất để vươn tới đỉnh cao, thay vì chỉ lựa chọn đỉnh cao để đào tạo.