Tìm lối riêng “kể” Kiều bằng tranh

Đã có nhiều họa sĩ vẽ Kiều, song họa sĩ - thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn vẫn quyết định dành nhiều thời gian nghiên cứu và để lại dấu ấn sáng tạo riêng. Từ ngày 18 đến 21-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” sẽ được tổ chức, trưng bày 96 tác phẩm của anh. 

Tác phẩm “Chị em Thúy Kiều - Thúy Vân”.
Tác phẩm “Chị em Thúy Kiều - Thúy Vân”.

1. Nguyễn Tuấn Sơn (nghệ danh “Sơn Kiều”) sinh năm 1978 tại thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm nhạc họa T.Ư và Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Là thế hệ đi sau, nhưng Nguyễn Tuấn Sơn vẫn cố gắng tìm cho mình một cách tiếp cận “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. 

Nguyễn Tuấn Sơn cho biết, anh bắt đầu vẽ năm 1999, vẽ nhiều từ lúc đi học, đi làm cho đến khi hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp. “Hồi bé đọc “Truyện Kiều” không hiểu nhiều, sau này tôi mới nhận ra, “Truyện Kiều” có ý nghĩa và giá trị to lớn với cuộc đời mình. Ở mỗi giai đoạn thăng trầm, tôi đều đọc “Truyện Kiều” để suy ngẫm và bình tĩnh hơn”, họa sĩ chia sẻ. Anh quan niệm, vẽ minh họa “Truyện Kiều” không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của “Truyện Kiều” trước thời đại mới. “Tôi luôn mơ ước về một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, nơi mà chúng ta, bạn bè nước ngoài đều có thể đến và cảm nhận. Ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm liên quan đến Kiều như tranh, ảnh, tài liệu cổ. Tôi đang cố gắng từng ngày để thực hiện điều đó”, họa sĩ gửi gắm.

Nguyễn Tuấn Sơn cũng đã có nhiều hoạt động gắn với “Truyện Kiều” như vẽ minh họa kết hợp thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong “Truyện Kiều”, đem các tác phẩm vẽ về “Truyện Kiều” giới thiệu tại nước ngoài…

Không chỉ đam mê vẽ Kiều, Sơn Kiều còn là người có thú sưu tập “Truyện Kiều”. Đầu tháng 8 năm nay, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), hội thảo và triển lãm “Minh họa Truyện Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt” đã được diễn ra, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820). Trong dịp đó, Nguyễn Tuấn Sơn đã công bố bản “Kiều Kinh”, giới thiệu tới khán giả tác phẩm “Truyện Kiều” dưới dạng bản kinh ngự dụng (chuyên dành cho vua chúa). Cuốn “Kiều Kinh” này được Công Thiệu Đường in vào mùa đông năm Mậu Tuất (1898), dưới thời vua Thành Thái và được lưu giữ như một tài liệu văn học cho hoàng thân quốc thích sử dụng.

Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn còn được biết đến trong vai trò là một nhà giáo, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò. Bởi vậy dù ở bất kỳ tác phẩm nào, anh luôn đặt mục tiêu phải có tính định hướng giáo dục, thiết thực, phát triển năng lực cho học sinh, sinh viên.

2. Đã có rất nhiều họa sĩ vẽ Kiều, để lại dấu ấn thông qua những tác phẩm hội họa, trong đó không thể không nhắc đến các bậc danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Bước sang thế kỷ 21, các họa sĩ đương đại như Nguyễn Quân, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Đinh Quân… cũng đã vẽ bộ minh họa “Truyện Kiều” tạo dấu ấn riêng trong lòng công chúng. Với họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, anh dấn thân vẽ Kiều, tìm cho mình một lối riêng. Có ý kiến cho rằng, tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm “Truyện Kiều” mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng. Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về “Truyện Kiều” qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ (như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác, ghen tuông, Thúc Sinh - kẻ trác táng, hèn nhát, Kim Trọng - gã thư sinh vô dụng, Đạm Tiên - hồn ma đáng sợ… 

Nhà điêu khắc Kù Kao Khải nhận xét: “Ở Nguyễn Tuấn Sơn có một tố chất hội họa tài năng, với các tác phẩm minh họa “Truyện Kiều”, anh vẽ theo một hình thức không gian ước lệ, hình bóp rất đẹp, miêu tả có độ nhấn nháy, bóng, mọng và giàu chất mỹ thuật. Đặc biệt ở những tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật mang đậm hơi thở Việt Nam, văn hóa Việt Nam không hề tạp lẫn”. 

Tranh Kiều của Sơn Kiều còn cho thấy có sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Chúng ta thấy ẩn hiện trong những nét mầu rất mạnh và rất sắc của anh là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và mầu sắc của các lễ hội, thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống… Đây là một sự kết hợp mang phong cách dân tộc mà Nguyễn Tuấn Sơn rất tâm đắc.