Tìm hiểu lịch sử từ bút tích

Với những người đam mê thư pháp, ham thích tìm hiểu lịch sử thì triển lãm “Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Hà Nội), là một điểm đến thú vị khó bỏ qua. Với hơn 100 phiên bản châu phê, triển lãm giới thiệu đến công chúng những nét độc đáo, tinh hoa từ bút tích của mười vị hoàng đế nhà Nguyễn.

Triển lãm giới thiệu thư pháp của 10 vị vua triều Nguyễn.
Triển lãm giới thiệu thư pháp của 10 vị vua triều Nguyễn.

Cơ hội tiếp cận sử liệu quý

Triển lãm đã mang lại cho công chúng cơ hội tiếp cận những sử liệu, tư liệu phong phú và giá trị. Em Minh Ngọc, sinh viên chuyên ngành Tâm lý học của Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, dù không phải theo ngành sử học nhưng em rất thích tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử thông qua trang phục, chữ viết, nhạc cụ… Bởi vậy, việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng nét chữ của các vị hoàng đế đã mang lại cho em cái nhìn mới mẻ nhưng cũng đầy sâu lắng về một thời đại đầy những biến động thăng trầm trong lịch sử nước nhà.

Nếu chỉ học từ sách vở trong trường phổ thông, rất khó để có thể tư duy được dòng chảy lịch sử đã trôi đi như thế nào. Song khi nhìn vào những sử liệu trưng bày tại đây, khán giả có thể nhận tự nhìn ra những khác biệt qua mỗi triều đại, từ thuở Vua Gia Long và các vị vua trị vì ứng xử với sự xâm lược của Pháp ở giữa thế kỷ 19, đến khi vị hoàng đế cuối cùng Bảo Đại giã từ ngai vàng quyền lực... Chẳng hạn, Vua Bảo Đại được sang Pháp du học từ nhỏ, bởi vậy ông là vị hoàng đế duy nhất của nhà Nguyễn đã phê duyệt tấu chương bằng ba thứ chữ là chữ Hán, Việt và Pháp. Châu phê không chỉ mang dấu ấn cá nhân mà còn cho thấy quyền uy của các hoàng đế thể hiện qua các văn bản hành chính nhà nước thời kỳ này.

Bút tích các hoàng đế nhà Nguyễn được giới thiệu trong triển lãm cũng rất phong phú và đa dạng, gồm châu phê, châu điểm, châu khuyên…, là các nét chữ do nhà vua phê duyệt trực tiếp trên châu bản bằng mực son. Các nhà nghiên cứu đánh giá châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu quý báu không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, gồm hơn 770 tập với khoảng 85 nghìn văn bản trải dài trong 143 năm của vương triều nhà Nguyễn. Số tài liệu gốc này có của 11 trên tổng số 13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó lưu bút tích phê duyệt của 10 vị hoàng đế trên văn bản.

Đây là các tài liệu duy nhất tại Việt Nam và cũng là số ít trên thế giới lưu trữ được bút tích trực tiếp của các vị vua về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản. Năm 2014, châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Truyền tình yêu sử đến giới trẻ

Việc công bố tư liệu cũng mang đến những góc nhìn mới về một loại hình văn bản hành chính nhưng cũng là những tác phẩm mang nét đẹp văn hóa của người xưa và có giá trị thẩm mỹ cao. Với những người yêu thích và biết chút ít về Hán Nôm như ông Hoan Sang Chung, một người Hàn Quốc đã sinh sống ở Hà Nội hơn 10 năm, không có nhiều dịp cho ông được chứng kiến những di sản tư liệu của các vị vua phong kiến. Ông đã chăm chú xem kỹ từng châu bản vẫn còn nguyên vẹn mầu mực tươi trên giấy dó. “Tôi rất thích thưởng ngoạn những cổ vật và đang nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và phong tục Việt Nam. Tôi đã hết sức xúc động khi được tận mắt chứng kiến châu phê của các vị vua vì không có nhiều dịp như thế này”, ông nói. Ông cũng cho biết, ở Hàn Quốc các trường học rất coi trọng việc học và truyền dạy lịch sử cho trẻ em và giới trẻ. Có nhiều cách để học lịch sử như đến bảo tàng, tham quan các triển lãm cũng là một cách khơi gợi niềm yêu thích môn học và yêu quê hương cho người trẻ.

Tương tự, ông Vũ Đức Thế là giảng viên đã nghỉ hưu cho rằng, triển lãm là một kênh truyền tải sinh động đến với người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên, học sinh tiếp cận các sử liệu quý. Ông mong rằng, những sự kiện như thế này sẽ khơi gợi sự quan tâm về quá khứ, về lịch sử đến cho giới trẻ.

Triển lãm “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn” được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc khóa thi Nho học cuối cùng (1919 - 2019) và chào mừng Ngày Lưu trữ Việt Nam (3-1-2020) kéo dài từ nay đến hết năm 2020.