Tiếp thêm sức sống cho “Lĩnh Nam chích quái”

Không dưới 5.000 bản sách “Lĩnh Nam chích quái” đã được độc giả đón nhận. Đó là một bất ngờ của chính những người làm sách lẫn thị trường xuất bản.

Họa sĩ Tạ Huy Long giao lưu với độc giả.
Họa sĩ Tạ Huy Long giao lưu với độc giả.

1/ Cuốn “Lĩnh Nam chích quái” tập hợp những truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam như “Truyện họ Hồng Bàng”, “Tản Viên”, “Đổng Thiên Vương”... Có những truyện là sự tích thời Bắc thuộc như “Việt tỉnh” (Giếng Việt), “Nam Chiếu”... hoặc thần tích thời Lý - Trần như Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Hà Ô Lôi... Theo các nhà nghiên cứu, “Lĩnh Nam chích quái” là bộ sưu tập truyền thuyết, truyện cổ tích của nhiều tác giả. Tác phẩm được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.

Tác phẩm văn học thời trung đại này lâu nay được giới nghiên cứu văn học cổ đại nhắc đến nhiều, nhưng dường như đã phủ lớp bụi thời gian trong các thư viện. Thế nhưng, với hơn 200 bức minh họa bốn mầu “thêm vào” cuốn sách, họa sĩ Tạ Huy Long đã tiếp thêm một sức sống mới cho tác phẩm này. Họa sĩ cho biết, những bức tranh của anh được lấy cảm hứng từ chính tên cuốn truyện lịch sử nổi tiếng. Trên mỗi trang sách, tranh chiếm phần lớn không gian để minh họa cho phần nội dung được cô đọng từ nguyên tác.

Họa sĩ kết hợp kỹ thuật đồ họa truyền thống và hiện đại, không đi sâu tỉa tót hiện thực mà sử dụng lối vẽ ước lệ. Mầu sắc sử dụng trong cuốn truyện xuất phát từ sự liên tưởng của Tạ Huy Long. Anh tưởng tượng đến gam mầu của đất, mầu sắc của kim khí thô sơ để vẽ. Cuốn sách được NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, tháng 7-2017. Điều bất ngờ là ngay lập tức, 2.000 bản in đầu tiên đã bán hết.

2/ Tại tọa đàm “Quá khứ sống động” mới đây tại Hà Nội, nhà văn Lưu Sơn Minh nhận xét: Trước đây nếu ai nói các bạn trẻ say mê tìm cuốn “Lĩnh Nam chích quái” thì tôi không tin. Bởi tác phẩm văn học trung đại này chỉ có một số nhà nghiên cứu văn học tìm đọc. Nhưng bằng một cách tiếp cận độc giả mới, thông qua những bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Tạ Huy Long, thì những cô bé, cậu bé đeo khăn quàng đỏ cũng đã cầm trên tay “Lĩnh Nam chích quái”.

Chung quan điểm này, TS Hán Nôm Nguyễn Tô Lan nhận xét: “Mỗi bức tranh có hàm lượng văn hóa dày dặn, đồng thời thấm đẫm tinh thần quốc tế”. Theo chị, quá khứ không phải cái gì đó đông cứng, đóng khuôn máy móc về các nhân vật, trận đánh mà phải là số phận, những câu chuyện, những sắc mầu.

3/ Chia sẻ về những bức minh họa của mình, họa sĩ Tạ Huy Long cho rằng, anh cũng khá loay hoay tìm cách thể hiện. Lúc đầu, anh thích kể nhiều trong một bức tranh. Tuy nhiên, sau đó anh nhận ra không phải cứ vẽ tả thực là ra được “chất Việt”. Và cuối cùng, Tạ Huy Long rút ra kinh nghiệm xử lý: “Không gì tốt hơn là vẽ ước lệ”.

Tuy vậy, để hoàn thành hơn 200 minh họa khổ lớn, anh mất gần một năm. “Nhưng trong suốt thời gian đó, dù có lúc cả ngày không triển khai được bức nào nhưng tôi cũng không chán nản, không thấy mệt mỏi”, họa sĩ chia sẻ.

Bắt đầu vẽ tranh minh họa cho các cuốn sách về đề tài lịch sử trong suốt 20 năm qua, đến nay, phong cách của Tạ Huy Long đã có nhiều thay đổi. “Lúc mới bắt đầu vẽ thì người vẽ thường thích phô diễn, lúc đó tôi thích vẽ những cảnh đánh nhau, nhưng sau này thì hướng mình vào vẽ chi tiết hơn, cố gắng đặc tả được nhân dạng của người Việt giản dị”. Theo Tạ Huy Long, vẽ tranh minh họa liên hoàn là cuộc chu du vào dòng chảy của lịch sử, bắt buộc người họa sĩ không thể vẽ theo cách mà mình đã quen tay. Cái khó nhất khi vẽ tranh liên hoàn, theo anh, chính là việc vận hành câu chuyện sao cho người đọc dễ tiếp cận nhất.

Làm mới truyện xưa bằng tranh minh họa liên hoàn, như cách làm của họa sĩ Tạ Huy Long, đã mở ra một hướng đi mới, bắc một nhịp cầu để những cuốn sách “vang bóng một thời” trở nên lung linh, sống động, dễ đến với độc giả.