Thương nhớ “một thời hoa đỏ”

Kỷ niệm 84 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tùng (7-11-1935 - 12-9-2019), Hội Nhà văn Việt Nam vừa phối hợp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hải Phòng tổ chức hội thảo “Thơ Thanh Tùng - còn đây một thời hoa đỏ” tại Hà Nội.

Nhà thơ Thanh Tùng (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, hai người làm nên ca khúc “Thời hoa đỏ” đi cùng năm tháng. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà thơ Thanh Tùng (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, hai người làm nên ca khúc “Thời hoa đỏ” đi cùng năm tháng. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

1. Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố cảng Hải Phòng. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thơ giàu cảm xúc, đầy chiêm nghiệm từ cuộc sống như “Thời hoa đỏ”, “Con sông chảy từ lòng phố”, “Cửa song”, “Trường ca Phương Nam”, “Gió và chân trời”, “Khúc hát quê xa”, “Cái ngày xưa ấy”, “Thuyền đời”… Đặc biệt, một số bài thơ của ông được phổ nhạc và trở nên rất nổi tiếng như “Thời hoa đỏ” (nhạc Nguyễn Đình Bảng), “Hà Nội ngày trở về” (nhạc Phú Quang)…

Trong đời thơ của mình, Thanh Tùng đã đi khá nhiều nơi, viết về nhiều mảnh đất khác nhau. Nhưng thành phố Hải Phòng của “một thời hoa đỏ” vẫn là miền chất sống lãng mạn và nơi ông gửi gắm nhiều tâm tưởng nhất. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi nhiều bài tác phẩm trong tập thơ “Còn đây một thời hoa đỏ” (NXB Hội nhà văn 2019) và bài thơ “Thời hoa đỏ” nói riêng được coi là những tác phẩm nổi bật, sống lâu bền bởi sự phiêu bạt trong cảm xúc, suy ngẫm hòa quyện với sự phóng khoáng trong nhịp điệu thi ca.

Tác giả đã nâng nghệ thuật thi ca thành một cách tự giãi bày đầy phẩm cách nhưng cũng rất giản dị, hồn nhiên và tươi nguyên như chính hơi thở cuộc sống chung quanh. Cuộc sống hiện thực của nhà thơ có thể nói là đầy khó khăn, phải làm nhiều việc để mưu sinh. Ông từng là giáo viên thể dục trường cấp 3 Thái Phiên, sau đó trải qua thời gian dài đi làm nhiều nghề như thợ sắt, thợ xây, thậm chí cửu vạn... Nhưng “gánh nặng cơm áo” không quan trọng với ông mà trái lại, “đời thợ” lại trở thành chất liệu sáng tạo cho “đời thơ”, mang tới những vần thơ trọn vẹn cảm xúc và hết sức chân thực. Theo nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, chính bản năng thi ca và trải nghiệm phong phú của cuộc đời đầy biến động đã kết hợp tạo nên sự hồn nhiên, tinh tế mà vẫn “rất đời” trong thơ Thanh Tùng.

2. Trong hành trình nghệ thuật của nhà thơ Thanh Tùng, không thể không nhắc tới thơ tình, đây là mảng thơ đặc biệt ghi dấu ấn sâu sắc và nồng nhiệt trong một tâm hồn thi sĩ cháy bỏng yêu thương, luôn tụng ca cái đẹp. Tình yêu trong thơ ông thường không được trọn vẹn với nhiều cay đắng, hy sinh, tiếc nuối, nhưng cũng không vì thế mà thiếu đi sự khoan dung, cao thượng. Thi sĩ yêu cả những điều không trọn vẹn, cả quá khứ cũng như cuộc đời của người yêu. Đặc biệt hơn, ông coi cuộc sống hôn nhân là chân trời của cái đẹp và tình yêu, khiến ông luôn khao khát, kiếm tìm và nuôi dưỡng. Chính yếu tố này khiến thi sĩ luôn coi người vợ của mình cũng là nàng thơ, là người tình.

Có thể nói, bài thơ “Thời hoa đỏ” đã chứng tỏ được sức sống lâu bền trong lòng người đọc là một trong những bài thơ tình hay nhất của thi ca đương đại Việt Nam. Đây chính là sáng tác mà cố thi sĩ muốn dành cho người vợ rất mực yêu thương và giàu đức hy sinh của mình, một tuyệt phẩm đụng tới cõi sâu thẳm của bất kỳ ai trong yêu đương với nỗi buồn trong hạnh phúc. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Bài thơ hình thành trên nền cảm xúc đối chọi giữa hạnh phúc và mất mát, khát khao và tan tác, giữa hoa đỏ và máu rơi. Cách thể hiện bài thơ này là một sáng tạo. Những cảm xúc, những suy nghĩ khác nhau, trái chiều nhau cùng đồng hiện. Như an ủi lại như chua chát. Rất khó phân tích bằng tư duy logic mà chỉ có thể cảm nhận”. Có thể thấy rõ những cảm xúc phức hợp này thông qua nhịp điệu dài ngắn của câu thơ, phụ thuộc hoàn toàn vào nhạc điệu nội tại nảy sinh từ những tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm.

3. Bày tỏ sự tri ân đối với những di sản của cố thi sĩ Thanh Tùng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Nhà thơ Thanh Tùng không quá chăm chút câu chữ, mà chú trọng tứ thơ, phần tạo nên sức truyền cảm và được coi là “trí tuệ” của thơ ca. Thơ anh vừa bám đời sống mạnh mẽ, say đắm nhưng vẫn đầy sức mạnh nội tâm. Tuy vậy, yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự xuất sắc của nhà thơ Thanh Tùng đến từ khả năng viết những câu thơ về “mảng miếng” cuộc đời bằng giọng thơ rất riêng và luôn tìm kiếm sự độc đáo. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, anh đã tự tách ra trở thành người lĩnh xướng, không ai thay thế được”.