Tâm tư của các nhà khảo cổ học

Hội Khảo cổ học Việt Nam vừa tiến hành đại hội lần thứ ba (nhiệm kỳ 2019 - 2023). Nhiều nhà khảo cổ học nêu lên những trăn trở trước những bất cập trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang bị xâm hại.
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang bị xâm hại.

Bất cập khi khai quật…

Theo cung cấp của PGS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học) và PGS Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), tính đến cuối năm 2012 cả nước có 1.237 dự án thủy điện với tổng công suất 25.968,9 MW đã được quy hoạch. Nhưng số dự án được đầu tư cho việc điều tra, khai quật, di dời các di sản văn hóa ra khỏi vùng lòng hồ là rất nhỏ.

Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí chỉ dừng lại ở khâu khai quật, di dời, còn kinh phí cho việc chỉnh lý sau khai quật thì không có. Các cơ quan chủ trì dự án xây dựng cho rằng, Luật Di sản không ghi rõ vấn đề này nên họ không chịu trách nhiệm. Vấn đề xử lý các di tích, di vật sau khi khai quật, di dời cũng chỉ quy định chung chung là giao cho các bảo tàng nhưng không ghi rõ là cất trữ như thế nào, bảo quản ra sao. Thậm chí đơn vị xây thủy điện An Khê - Kanar còn không cấp kinh phí điều tra khai quật di dời các di tích khảo cổ, để rồi một bộ phận di sản Tây Sơn - Thượng đạo chìm sâu trong lòng hồ thủy điện này. Nếu tình trạng bất cập này còn tiếp diễn, thì sẽ còn có thêm nhiều địa bàn bị chìm ngập trong lòng hồ và nhiều di tích khảo cổ bị xóa sổ.

và phát huy sau khai quật

Một số chuyên gia còn cho rằng, trong quá trình khai quật, vấn đề nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Bên cạnh hai phương pháp bảo tồn là lấp cát hoặc làm mái che, các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương còn đưa ra giải pháp phát huy giá trị di tích khảo cổ học bằng cách “phục dựng” hay “trùng tu, tôn tạo” các di tích đó nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. “Phục dựng” hay “trùng tu, tôn tạo” các di tích khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay thực chất là làm mới di tích theo “nhận thức” nhất thời của những nhà quản lý. PGS Bùi Minh Trí và PGS Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu kinh thành) đưa ra một số thí dụ như trường hợp Lam Kinh, Triệu Tường (Thanh Hóa), Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)… Mặc dù đã tốn khá nhiều tiền của và công sức khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhưng rồi cuối cùng việc xây dựng mới được làm theo “tư duy nhiệm kỳ” đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ những nền móng cổ có giá trị lâu đời để xây mới một kiến trúc không có giá trị nào về lịch sử, văn hóa.

Cần quan tâm hơn các di chỉ thời dựng nước

Hiến chương quốc tế về khảo cổ học Lausanne năm 1990 cho rằng “Di tích khảo cổ học là loại di tích dễ bị hủy hoại và biến mất nhất”. Tại đại hội, thông tin cung cấp từ PGS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) và TS Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học) cho thấy, từ năm 2001 cho đến nay (2019) có đến 90% số lượng di tích thuộc thời đại kim khí đã được thống kê bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều di tích chỉ còn trên giấy.

Trong các di tích trên, phải kể đến di tích Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ), nổi tiếng thế giới, được sử dụng để đặt tên cho Văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn đầu tiên của thời đại kim khí ở Việt Nam nay đã bị… xóa sổ hoàn toàn. Trên di tích hiện nay một loạt lò gạch đang hằng ngày nhả khói. Di tích Hồng Đà (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ), nổi tiếng là dấu tích một công xưởng lớn chế tác vòng trang sức đá lớn và tinh xảo, nay đã biến thành… bãi rác.

Ở nhiều khu vực khác, nhiều loại di tích khác cũng rơi vào số phận tương tự. Như ở Hải Phòng, di tích Tràng Kênh, Thủy Sơn, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên… đã bị xóa sổ. Một loạt các di tích vùng rừng ngập mặn ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai như Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá… cũng đã bị xóa sổ. Nơi di chỉ tồn tại trước đó nay bị đào thành các ao hồ nuôi tôm. Bản thân người dân địa phương cũng rất ít người biết nơi đó đã từng có di tích khảo cổ học.

Hiện trạng nói trên đặt ra yêu cầu bảo vệ cấp bách, nếu không chỉ trong vài thập kỷ tới, nhiều di sản khảo cổ sẽ biến mất và riêng các di tích khảo cổ học thuộc thời đại kim khí sẽ biến mất hoàn toàn.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Khảo cổ học Việt Nam đặt mục tiêu nghiên cứu kiến nghị với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, các Hội nghề nghiệp liên quan và các cấp có thẩm quyền quan tâm tìm các biện pháp nghiên cứu và bảo vệ tốt các di sản khảo cổ học trên phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, chú ý vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản khảo cổ học sau khai quật, chú ý công tác phát hiện và kiến nghị các vấn đề còn bất cập liên quan tới chính sách xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học cũng như chính sách bảo vệ di sản khảo cổ học. Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan trong thời gian tới, những trăn trở trong giới khảo cổ học sẽ sớm được giải tỏa.